Bùng nổ các dự án xây dựng Casino: Đừng để lợi nhuận che mờ những hệ lụy
Ngày 2-4-2014 vừa qua, Bộ Tài chính cho biết đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh casino và trò chơi có thưởng. Đây chính là cơ sở để có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án casino tại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm là cần khai thác loại hình kinh doanh này như thế nào và những hệ lụy khi triển khai rộng rãi các sòng bạc liệu có biến Việt Nam trở thành đất nước của cờ bạc.
Ảnh: Internet
Lại xuất hiện “bệnh dịch” casino
Sau những cơn dịch nhà máy đường, nhà máy xi măng, cảng biển, cảng sông… để lại những hậu quả vô cùng đau đớn với những nhà máy, bến cảng hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ như những con nghiện hút máu thì nền kinh tế chúng ta lại đang sắp chứng kiến cơn dịch casino. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tưBùi Quang Vinh, khi chủ trì một cuộc họp bàn về cải cách thể chế hôm 6-3-2014 đã phải thốt lên: “Trước đây chỉ có một tỉnh xin làm casino, nay đã thành 10 tỉnh. Bây giờ tôi đang chịu áp lực rất lớn là tỉnh nào cũng xin làm casino. Tôi mệt mỏi vô cùng…”.
Tại sao casino lại quyến rũ các địa phương như vậy? Đơn giản là trên khắp thế giới casino đang rất phát triển với 4750 sòng bạc thì ở Việt Nam, lĩnh vực này vẫn còn rất sơ khai. 5 sòng bạc thí điểm tại Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, Quảng Ninh chỉ dành cho người nước ngoài và Việt kiều. Năm 2012, tổng doanh thu của 5 casino này mới đạt 930 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 254 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 200-500 người/dự án. Ba năm gần đây, các dự án có kinh doanh casino bỗng ồn ào sôi động. Từ những thành phố du lịch như Bà Rịa-Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam cho đến cả vùng miền núi khó khăn như Hà Giang, hay huyện đảo xa xôi như Phú Quốc đều xin làm casino. Những tập đoàn sòng bài lớn nhất thế giới như Las Vegas Sands, Genting Bhd, Nagacorp, Penn National Gaming cũng đang dòm ngó tới Việt Nam. Dĩ nhiên, siêu lợi nhuận chính là yếu tố tạo ra sự quyến rũ của việc tất cả các địa phương đua nhau xin phép mở sòng bạc. Năm 2013, các sòng bạc ở bán đảo nhỏ bé Ma Cao với diện tích nhỉnh hơn một quận ở Hà Nội đã mang về con số lợi nhuận lên tới 47 tỷ USD. Tại Singapore, 60% người dân chơi bạc, 54% người dân tham gia các hình thức vui chơi có thưởng cho dù so với thế giới, hoạt động casino ở đây còn mới tinh, được 3 năm. Với tổng vốn khoảng 9 tỷ USD, các ông chủ Tập đoàn Las Vegas Sands và Genting ước tính, có thể sẽ thu hồi vốn chỉ sau 4 năm cho mỗi casino được mở tại Singapore.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, cần khai thác loại hình kinh doanh này như thế nào và những hệ lụy khi triển khai rộng rãi các sòng bạc. Ngày 1-4-2014, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay vừa qua, Bộ Chính trị đã có thông báo cho phép tỉnh làm casino. Dự kiến dự án sòng bạc sẽ đặt tại Vân Đồn với quy mô 1800 ha với tổng đầu tư lên đến 7 tỷ USD. Còn tại Quảng Nam, dự án sòng bạc Nam Hội An với vốn đầu tư hàng tỷ USD có thể tiến hành xây dựng ngay đầu năm 2014 và đưa vào hoạt động cuối năm 2015. Các dự án sòng bạc tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, TP HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ, Phú Quốc, Đà Lạt… đang triển khai với các mức độ khác nhau. Thậm chí, các tỉnh biên giới như Lào Cai, Lạng Sơn, hay thành phố miền núi Đà Lạt cũng có các dự án kinh doanh sòng bạc. Như vậy tương lai đã nhìn thấy, với sự quyến rũ của lợi nhuận, một hệ thống sòng bạc sẽ có thể hiện diện khắp đất nước. Câu hỏi đau đớn sẽ có là: Trong tương lai liệu chúng ta có thể bị hóa thân thành đất nước của cờ bạc không?
Tranh cãi chuyện người Việt có được vào Casino
Cờ bạc cũng như mại dâm giống như chiếc hộp Păng du ra truyền thuyết. Nó chứa đựng những điều xấu xa nhất, nhưng quyến rũ nhất. Và chúng ta đã và sẽ mở nó ra. Chúng ta đã thấy những quyến rũ, còn những hệ lụy? Mới chỉ có một vài sòng bạc mở bên kia biên giới các tỉnh nam bộ mà đã để lại những hậu quả, nhiều khi là kinh sợ đối với trật tự an ninh khu vực. Vậy khi các sòng bạc được triển khai khắp đất nước, hậu quả sẽ còn ghê gớm như thế nào? Cờ bạc là bác thằng bần, người xưa đã nói, nếu không cẩn trọng, hệ thống các sòng bài này sẽ là công cụ bần cùng hóa một bộ phận nhân dân. Vì vậy, có nên cho người Vi
ệt trong nước vào chơi trong các sòng bài là vấn đề đang được tranh luận gay gắt trên các diễn đàn.
Rất nhiều doanh nhân đã từng ra vào các sòng bài trên thế giới đều cho rằng không nhất thiết phải ngăn cấm người trong nước vào casino, bởi cần ghi nhận thực tế là một lượng không nhỏ ngoại tệ – bằng nhiều hình thức – đã chảy ra nước ngoài do đánh bài, cá cược đua ngựa, cá độ bóng đá… quốc tế mà không cách nào ngăn chặn hay triệt phá hoàn toàn… Vậy cho người trong nước vào chơi tại các sòng bạc là để thỏa mãn nhu cầu có thật trong xã hội. Vấn đề của casino là quản lý cho nghiêm và Việt Nam nên nghiên cứu cách làm của Singapore. Tại Singapore, người trong nước vào casino phải mua vé vào cổng trị giá 100 đô la Singapore (người nước ngoài có passport thì vào cửa tự do). Ở Malaysia thì người trong nước phải mặc thêm cái áo khoác bên ngoài của casino và vào casino bằng cửa dành riêng cho người trong nước. Vấn đề là nếu những người nghiện thuốc lá, rượu bia chấp nhận mức thuế cao để vẫn hút thuốc và uống rượu bia thì tại sao casino không học theo như vậy. Nhà nước cần đánh thuế thật cao đối với hoạt động cờ bạc, cá cược, qua đó không chỉ có thêm nguồn thu đáng kể cho ngân sách mà còn là động thái cần thiết đối với dạng dịch vụ thuộc loại cao cấp, không khuyến khích người ít tiền vào chơi.
Nhưng ngược lại, có rất nhiều ý kiến đề nghị cấm người trong nước vào đánh bạc trong các sòng bạc. Hai căn cứ để bảo vệ ý kiến này là pháp luật Việt Nam đã cấm đánh bạc và những hậu quả xã hội của nó. Và ý kiến này đã được đông đảo bạn đọc cũng như chính các đại biểu Quốc hội đồng ý. Kết luận cho thấy: Hoặc chúng ta phải sửa đổi luật, trước hết là luật hình sự hoặc chúng ta chấp nhận tình trạng đánh bạc chui, chấp nhận công dân Việt Nam trong nước là công dân loại hai trong lĩnh vực này. Quả thật khó nuốt trôi những điều này.
Việt Nam cần bao nhiêu casino?
Nhưng không chỉ có việc là ai được vào chơi trong sòng bạc mà còn vấn đề mở bao nhiêu sòng cho vừa. Xem ra, Việt Nam đang là “điểm đến” hấp dẫn của các nhà đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh rất nhạy cảm này. Nói vậy là bởi vì, trước Las Vegas Sand và Genting, đã có khá nhiều dự án tỷ đô được cấp chứng nhận đầu tư, mà trong đó luôn có khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài, một hạng mục được coi là về thực chất, giống như một casino. Silver Shores Hoàng Đạt (Đà Nẵng): 160 triệu USD; Hoàng Đồng Lạng Sơn: 2 tỷ USD; Hồ Tràm Strip: 4,2 tỷ USD… là những ví dụ điển hình. Danh sách có thể còn dài thêm, nếu như Dự án Bãi biển Rồng (Quảng Nam) trị giá 4,15 tỷ USD không bị thu hồi chứng nhận đầu tư hồi năm 2010; hay Dự án Mũi Dinh (Ninh Thuận) của nhà đầu tư Hồng Kông (4 tỷ USD) không bị ngừng xem xét chủ trương đầu tư vào năm ngoái. Tháng 8-2011, nhà đầu tư Macau đề xuất Dự án Thành phố Hoàng Gia, 4 tỷ USD, tại Yên Bái và Phú Thọ, tất nhiên, không thể thiếu hạng mục liên quan đến chuyện casino. Cũng trong năm ngoái, Kiên Giang, hiện là địa phương duy nhất được chấp thuận phát triển một casino. Làm một “bài toán” tổng hợp như trên để thấy rằng, Việt Nam hiện đã có rất nhiều dự án có những hạng mục “tương tự” casino. Câu hỏi đặt ra là, liệu có nên tiếp tục cấp phép cho các dự án như vậy nữa hay không? Có ý kiến cho rằng chỉ nên cho phép mở nhiều nhất là 2 sòng bạc tại Việt Nam là đủ. Nhưng đó lại là ý kiến của một nhà đầu tư đã có giấy phép mở sòng bạc. Dĩ nhiên ít sòng thì đông khách. Ai chả muốn độc quyền.
Vấn đề bây giờ là của các nhà làm luật, là trách nhiệm của Quốc hội. Trách nhiệm soạn thảo thuộc về Bộ Tài chính. Dự thảo Nghị định kinh doanh casino đã được mổ xẻ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm ngoái đã phải gác lại vì còn ngổn ngang quá nhiều ý kiến. Hộp xấu và quyến rũ này đủ làm bạc tóc bao nhiêu người.
Theo antd