Cái giá trăm tỷ đô của chống tham nhũng
Hàng xa xỉ hiện đang giảm doanh số bán kể từ khi có chiến dịch chống tham nhũng.
Người ta nói nhiều về chiến dịch chống tham nhũng đang diễn ra ở Trung Quốc, nhưng nay một trong các ngân hàng lớn nhất đã đưa ra cái giá phải trả.
Theo một báo cáo của Bank of America Merrill Lynch (BofAML) vào tuần này, chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ Trung Quốc có thể làm nền kinh tế nước này mất hơn 100 tỉ đô la chỉ tính riêng trong năm nay.
Đó hẳn là con số không nhỏ bởi cũng xấp xỉ kích cỡ nền kinh tế của Bangladesh, quốc gia có 150 triệu dân.
Nhiều hệ lụy nhỏ của chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói tới gồm việc các nhà hàng bớt khách tới ăn uống, doanh thu hàng xa xỉ sụt giảm.
Đặc biệt có thể dễ thấy là các cửa hàng bán đồ quần áo và vật dụng sang trọng tại Thượng Hải trong vòng hơn một năm qua ít khách hơn trước.
Tuy nhiên báo cáo của BofAML cho thấy chiến dịch này cũng có hệ lụy đáng kể đối với nền kinh tế có vấn đề về vĩ mô.
Khoảng đầu năm nay, số tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng của chính phủ tăng mạnh, với khoảng 30% tính theo năm.
Báo cáo nói thậm chí các quan chức “sạch sẽ” nay cũng sợ triển khai các dự án mới vì lo bị xem là tham nhũng và giải pháp họ chọn là giữ công quĩ trong tài khoản ngân hàng quốc doanh.
Tổng phí tổn cho nền kinh tế từ việc hạn chế chi tiêu trong chính phủ và thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu hành chính được cho là làm giảm tăng trưởng khoảng 0.6% trong năm nay.
Tuy nhiên, báo cáo này nói rằng mức giảm tăng trưởng có thể lên tới 1.5%, nghĩa là theo tính toán sơ bộ của tôi là vào khoảng 135 tỉ đô la cho các hoạt động kinh tế.
‘Đi quá đà’
Chính phủ TQ đang có chiến dịch chống mại dâm
Tác giả của phúc trình này thừa nhận tính toán của họ chỉ là có tính sơ bộ.
Nhưng nếu chỉ đúng có một nửa thì cũng là số tiền rất lớn và cho thấy một trong các thách thức cho tổng tư lệnh chiến dịch chống tham nhũng tại Trung Quốc.
Kể từ khi nhậm chức cách đây hơn một năm, ông Tập đã nói về mục tiêu của mình và cảnh báo nạn tiêu sài lãng phí và tham nhũng trong giới quan chức có thể đe dọa cho chính sự tồn tại của Đảng Cộng Sản đương quyền.
Vào tuần này, tin chưa xác nhận nói chính quyền đã tịch thu số tài sản hơn 14 tỷ Mỹ kim của gia đình và nhóm thân cận với ông Chu Vĩnh Khang, cựu lãnh đạo ngành an ninh và là một trong số người từng có thế lực nhất Trung Quốc.
Tất nhiên là việc đánh sập bộ khung quyền lực như vậy không thể không gắn với các rủi ro lớn.
Vào tuần này cũng có tin nói rằng cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân gửi thông điệp tới giới lãnh đạo hiện nay rằng đừng để nỗ lực chống tham nhũng đi quá đà.
“Chống tham nhũng nhẹ quá rồi thì đất nước bị hủy hoại, mà chống mạnh quá thì sẽ phá vỡ Đảng” – Ông Trần Vân
Evan Osnos trên tờ New Yorker nhắc lại lời nhà lão thành cách mạng Trần Vân (1905-1995) từng nói:
“Chống tham nhũng nhẹ quá rồi thì đất nước bị hủy hoại, mà chống mạnh quá thì sẽ phá vỡ Đảng.”
Báo cáo của BofAML đề cập tới hệ lụy của nỗ lực chống tham nhũng đối với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc.
Chẳng mấy khi người ta thấy ngân hàng đầu tư nước ngoài bàn luận tầm quan trọng vĩ mô của mại dâm, nhưng báo cáo này cũng chỉ ra rằng chiến dịch chống tham nhũng đã và đang nhắm vào nghề phấn hương ở hàng chục thành phố.
Chiến dịch này đã có tác dụng ngược đối với một số mảng kinh doanh trong công nghiệp dịch vụ, báo cáo này nhận định.
Nếu sống lại, ông Trần Vân có thể nói thêm về nhận định thứ ba của mình về cái khó trong việc cân đối khi chống tham nhũng, đó là dù có không phải lo lắng cho Đảng thì chống tham nhũng mạnh tay quá cũng sẽ phá cả nền kinh tế.
Theo BBC