Ngoài ra, đường sá loang lổ, điện đóm nham nhở khiến hàng trăm người dân bên phải “cắn răng” chịu trận. Đó là tình cảnh của khoảng 60 hộ tại khu dân cư (KDC) Phi Long 5, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM.
“Giữa phố mà như trên rừng”
Chúng tôi đến tìm hiểu điều kiện sống của người dân KDC Phi Long 5, ai nấy cũng lắc đầu ngán ngẩm. “Về đây cả chục năm, cái gì cũng ‘tự mò’. Sống giữa phố mà như ở rừng” – anh Phước, một hộ dân bên trong KDC kể.
KDC này do Công ty cổ phần đầu tư Việt Nam làm chủ đầu tư và hứa sẽ hoàn thiện hạ tầng, hệ thống điện ngầm và đường ống nước, nhưng gần 10 năm nay vẫn chưa thực hiện. Thế nhưng từ đó đến nay, chẳng thấy doanh nghiệp ngó ngàng đến.
Bên trong KDC, những hộp điện đã hoen gỉ, không hề có dây cáp. Để có điện sinh hoạt, người dân phải tự bỏ tiền câu điện vào bên trong, hộ này câu đuôi hộ khác.
Không có điện ngầm như cam kết, các hộ dân phải tự đầu tư tiền kéo điện vào KDC
Không chỉ thiếu điện, theo phản ánh của các hộ dân, KDC làm hạ tầng theo kiểu “cuốn chiếu” đến đâu làm đó nên đường sá loang lổ, xuống cấp. Bên trong vẫn còn đường làm bê tông chưa trải nhựa, việc đi lại rất khó khăn.
Đặc biệt, hệ thống thoát nước của KDC này không hề có cống thoát nước tổng hoặc hầm xử lý chung mà được dẫn thẳng xuông đất để… thẩm thấu. “Cứ đến mùa mưa, cả khu ngập úng. Nước không thoát được gây mùi thối nồng nặc. Ở đây mãi rồi cũng bị bệnh hô hấp hết” – anh Quang, một người dân khác bức xúc.
Người giàu cũng khóc
Lần gần đây nhất, Chủ đầu tư KDC Phi Long 5 (Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nam) cử “đại diện” xuống để…hứa với người dân là ngày 10.9.2013. Từ đó đến nay, hạ tầng KDC không có gì thay đổi. Điều kiện hạ tầng sơ sài như vậy nhưng KDC này vẫn được rao bán với giá từ 10-40 triệu đồng/m2. Để sở hữu nhà trong KDC, phải mất tiền tỉ và có nguy cơ thành “tỉ phú nước phèn”.
“Cái khổ nhất của dân khu này là nước sạch. Thiếu nước làm cuộc sống đảo lộn”- ông Hiệp, một người sống lâu năm trong khu cho hay.
Từ khi phân lô bán nền đến nay chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng đường ống dẫn nước. KDC không có nước sạch để sinh hoạt. Mỗi hộ dân phải đầu tư hàng chục triệu đồng để khoan giếng.
Ngặt nỗi, giếng khu vực này nhiễm chì và phèn rất nặng nên phải đầu tư thêm ngần ấy tiền để mua hệ thống lọc. Nước vẫn không hết phèn. Cả khu hàng chục hộ phải cắn răng dùng nước bẩn. Kể cả những hộ giàu có, ở nhà bạc tỉ đi xe hơi nhưng cũng phải dùng nước bẩn cả chục năm nay.
“Tụi tui chỉ dám giặt giũ và tắm rửa bằng nước này nhưng áo quần cũng đóng cặn. Con nít tắm nước này riết mà da vàng khè” – ông Hiệp bức xúc.
Cứ 3 ngày, các hộ phải xả nước cặn một lần. Mỗi lần như vậy, nước trong ống chảy ra như màu cà phê sữa. Hầu hết người dân phải mua nước bên ngoài để ăn uống với giá đắt. Chi phí sinh hoạt vì vậy phát sinh cao gấp nhiều lần.
Nhiều trường hợp phải khoan giếng nhiều lần, khoan sâu tới 400-500m nhưng nước vẫn nhiễm phèn rất nặng. Nước sạch ở KDC không khác gì thứ xa xỉ phẩm. “Mỗi lần kêu lên chủ đầu tư, họ lại cử một người xuống một lèo rồi đi mất biệt không trả lời trả vốn gì. Bà con cực khổ lắm rồi nhưng đi không được ở không xong” – ông nói.
Nước cặn trong bể chứa của các hộ dân đỏ ối vì phèn
Theo Công ty Cấp nước Chợ Lớn, đến nay chủ đầu tư KDC Phi Long 5 vẫn chưa hợp tác để lắp đồng hồ cung cấp nước cho người dân. Trước đây vì ngại tốn kém nên chủ đầu tư không xây dựng cơ sở hạ tầng đúng quy định mà tính để sau mới làm. Nhưng đến nay điều đó khó thực hiện được vì nhà dân đã xây dựng gần hết. Người dân KDC này không biết còn phải “chịu trận” đến bao giờ.
Nghị quyết của HĐND thành phố đến cuối năm nay phải hoàn thành việc cung cấp 100% nước sạch cho dân khu vực đô thị nhưng vẫn còn quá nhiều nơi người dân chưa được tiếp cận với nước sạch trong đó có các khu dân cư Phi Long 5, Trung Sơn ở huyện Bình Chánh. Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND thành phố Phạm Văn Đông yêu cầu chính quyền địa phương đôn đốc việc đưa nước sạch về các KDC, kể cả việc áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính.
Kiến Giang
Theo Motthegioi