Cận cảnh loài sen “khổng lồ”, có thể chở người qua sông
Khoảng tháng 9, 10 âm lịch sen “no nước”, đường kính lá sen lên đến 2,5m và có thể “chở” được người nặng 80 -90kg qua sông an toàn. Giống sen “khổng lồ” độc nhất ở miền Tây này chỉ có tại chùa Phước Kiển thuộc xã Hoà Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp.
Theo lời chỉ dẫn của người dân xã Hoà Tân, cuối cùng PV Dân trí cũng tìm đến được chùa Phước Kiển mà người dân nơi đây thường gọi là chùa sen. Đây là một ngôi chùa cổ, thấp, nhỏ và hầu như toàn bộ nhà chùa lọt thỏm giữa đám cây vườn của những người dân lân cận, như tre, dừa, nhãn,…
Tuy nhiên, đập vào mắt chúng tôi là những lá sen to đùng, xanh biếc nổi lênh đênh trên mặt ao trước chùa. Thấy chúng tôi ngạc nhiên với loài sen này, một chị bán hàng rong ở đây cho biết, phía sau chùa có một cái ao to hơn, sen nhiều và lá cũng to hơn.
Theo sư Thích Huệ Từ – chủ chùa cho biết loài sen “khổng lồ” này xuất hiện ở chùa vào năm 1992
Ra phía sau nhà chùa, trước mắt chúng tôi là một cái ao rộng khoảng 500m, trên mặt ao lúm khúm những lá sen xanh biếc, to tròn bằng 5 – 6 cái nia cộng lại. Độc đáo hơn nữa, chen lẫn những cái nia “biết nổi” trên mặt nước là những bông sen trắng tinh khôi hé nở và một vài bông sen màu hồng sẫm đã bung nở, đang úa tàn.
Dù lá sen làm mê mắt nhưng chúng tôi cũng kịp quan sát, bên ngoài lá sen là hình các vảy chồng nhau như hình vảy ngói âm dương; mặt dưới màu nâu đỏ với rất nhiều gân to, gai nhọn tua tủa. Riêng phần thân và mặt dưới lá có rất nhiều lông và gai nhọn.
Trao đổi với PV Dân trí ông Đoàn Công Trí (pháp danh Thích Huệ Từ – chủ chùa Phước Kiển) cho biết: “Loài sen này xuất hiện trong hai ao của nhà chùa từ năm 1992 và tồn tại cho đến bây giờ nhưng cũng không ai biết tên đúng của giống sen này là gì. Có người gọi là sen vua, có người gọi là súng nia, cây nong tầm,… Hiện tại do vào mùa khô, thiếu nước nên lá sen chỉ có đường kính từ 1 – 1,5m nhưng vào mùa mưa, tháng 9,10 âm lịch, sen “no nước”, lá sen có thể rộng đến 2,5m và mỗi lá sen tồn tại được 3 tháng.”
Ngoài ra, sư Thích Huệ Từ cho biết “điểm nhấn” của loài sen “khổng lồ” không chỉ lá to, chở được người nặng 80 -90kg mà là hoa sen. Hoa sen bắt đầu nở lần đầu vào khoảng 18h tối tỏa hương thơm ngát đến 12h sáng hôm sau thì bắt đầu khép lại. Tầm 15h hoa lại nở, đến khoảng 16 – 17h chiều thì khép cánh. Từ màu trắng hồng ban đầu, mỗi lần hoa nở sẽ sẫm hơn một chút đến khi tàn sẽ có màu tím thẫm.
Sư Huệ Từ cho biết, toàn bộ khuôn viên chùa từng là nơi chứa quân dụng của cách mạng và hai ao sen là do bom nổ tạo thành. Khoảng trước năm 1992, nhà chùa có trồng nhiều loại sen, bông súng địa phương nhưng chẳng hiểu sao đến năm 1992 thì trong hai ao sen xuất hiện giống sen khổng lồ này. Theo sư Huệ Từ, mỗi khi đến mùa khô, không giữ được nước, sen chết, nhưng đến mùa mưa, ao đầy nước thì sen bắt đầu ngoi lên, tuy nhiên hiện nay số bụi sen đã giảm gần một nửa so với mấy năm về trước.
Riêng về nguồn gốc, sư Huệ Từ cho biết, trước đây cũng có một số nhà khoa học ở trường ĐH Cần Thơ có đến xem và nghiên cứu nhưng cũng chưa thấy trả lời. Riêng phía chính quyền có đến lấy giống mang về trồng ở khu khác nhưng sen không sống được. Tuy nhiên, theo sư Huệ Từ cho biết ở một số địa phương vẫn có giống sen này, nhưng lá sen thì không to như ở chùa Phước Kiển.
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, giống sen được cho là lạ, “khổng lồ” ở chùa Phước Kiển là giống sen Victoria Regia, mọc rất nhiều ở khu vực sông Amazon, Nam Mỹ. Hiện nay, giống sen này được trồng ở một số quốc gia, như Newzealand, Trung Quốc các nước châu phi. Riêng ở Việt Nam mới xuất hiện gần đây và được trồng ở Thảo cầm viên, KDL Văn Thánh, Đồng Tháp, Bình Dương,…
Chiếc ao rộng ở phía sau nhà chùa có hàng chục cái nia “biết nổi” trên mặt nước xanh biết
Lá xanh, bông trắng
Do mùa khô nên lá sen chỉ có đường kính từ 1 -1,5 m
Bông sen bắt đầu nở từ 18h tối và đến 12h trưa hôm sau thì khép lại
Khi sắp tàn, bông sen chuyển thành màu tím sẫm thế này
Một người cháu của sư Huệ Từ chuẩn bị “gia cố” lá sen để cho khách đứng chụp hình
Do mùa này lá sen nhỏ nên cần ghép 2 lá sen lại mới “tải” được người có trọng lượng từ 60 – 90kg
Một em bé không ngại trời nắng xuống lá sen ngồi thiền
Do lá sen mỏng nên người ta phải dùng một cái mâm bằng inox lót trên bề mặt lá sen
Và du khách vô tư đứng chụp ảnh, nhưng mỗi kiểu thế này là 20.000 đồng
Nhiều du khách đến chùa chỉ vì muốn xem tận mắt giống sen “khổng lồ” này
Nguyễn Hành
Nguồn: Dân Trí