“Nếu tôi tham nhũng thì trời tru đất diệt”
Lễ hội là nơi quan lại, chức sắc, công bộc tuyên thề sẽ công tâm, không tư túi, tham nhũng của công; không dùng quyền uy để chèn ép, bóc lột của dân, không bao che tội phạm… Người dân đến với lễ hội cũng không phải mong lấy chữ danh lợi mà là để tự nguyện sẽ giữ lòng trung thực, ngay thẳng.
(Sau khi chủ tế đọc Văn thề, các “vị quan” – do nông dân nhập vai,- đồng thanh hô vang lời thề năm xưa: “Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công làm của tư xin thần linh đả tử..)
“Biển người chen lấn nhận ấn đền Trần”, “Tranh cướp ấn ở đền Trần”, “Chen lấn kinh hoàng ở hội đền Trần”, “Cảnh hỗ loạn sau lễ khai ấn đền Trần”…
Đó là một vài tít của các bản tin đưa về lễ hội khai ấn đền Trần.
Nội dung cũng như những năm trước, hình ảnh cũng vậy. Chen lấn, xô đẩy, đạp nhau để tranh ấn. Cuộc sống thật bi kịch, dành giật miếng ăn trong cuộc mưu sinh đã quá khổ, còn dành giật một mảnh giấy để mong có phúc lộc hơn người. Lễ hội văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng đâu không thấy, chỉ là một sự hỗn loạn và phi văn hóa.
Ở đâu cũng cả biển người. Biển người cầu an ở chùa Phúc Khánh, bất chấp giao thông, mọi người cứ tràn ra đường mà quỳ gối cầu an. Có phải con người ngày càng bất an chăng, cho nên ngày càng đông người đi cầu an, giải hạn. Ở đâu cũng râm ran cầu cho bản thân, gia đình giàu có cao sang, vinh thân phì gia, nhưng chẳng mấy ai quan tâm đến “mưa thuận gió hòa”, “quốc thái dân an”.
May thay, bên cạnh nhiều lễ hội đem đến sự thất vọng tràn trề lại có một lễ hội lóe lên niềm hy vọng, đó là lễ hội Minh thệ ở xã Thuận Thiên, Kiến Thụy – thành phố Hải Phòng. Gọi là “Minh thệ” vì hơn 500 năm nay, lễ hội là nơi quan lại, chức sắc, công bộc tuyên thề sẽ công tâm, không tư túi, tham nhũng của công; không dùng quyền uy để chèn ép, bóc lột của dân, không bao che tội phạm… Người dân đến với lễ hội cũng không phải mong lấy chữ danh lợi mà là để tự nguyện sẽ giữ lòng trung thực, ngay thẳng.
Năm nay, khi lễ hội diễn ra ngày 13.2, các “quan chức” của xã cũng như những người tham gia cùng hô lên lời thề: “Ai dùng của công xây dựng việc công xin thần linh ủng hộ, ngược lại người lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử…Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu xin thần linh tru diệt”. Sau đó, mọi người cùng uống ly rượu biểu thị sự cam kết giữ trọn lời thề trước thần linh và bà con.
Rất hay, rất văn hóa, rất thiết thực, nhưng đáng tiếc chỉ một cái lễ nho nhỏ ở một xã.
Nếu lễ hội “chống tham nhũng” được tổ chức ở tầm lớn hơn, quan chức cấp to hơn phải hô vang lời thề “không tham nhũng” thì rất tuyệt.
Lúc đó, mỗi ông quan phải hô thật to một câu rằng: “Nếu tôi tham nhũng thì trời tru đất diệt”. Và mọi người cùng hướng ra biển Đông hô vang thề rằng: “Để mất một mét đất, một thước nước thì thần linh đả tử”.
Lê Chân Nhân
Nguồn: Dân Trí