VN xếp hạng tự do báo chí cao hơn Trung Quốc
Việt Nam đứng thứ 174 trên tổng số 180 quốc gia được tổ chức Phóng viên Không Biên giới, (Reporters sans Frontieres – RSF) , xếp hạng về tự do báo chí năm 2014, theo một phúc trình mà RSF vừa mới loan báo.
Việt Nam đứng ngay trước Trung Quốc, đất nước láng giềng có cùng chế độ Đảng trị, trong khi hai quốc gia cộng sản khác là Cuba và Lào xếp trên Việt Nam vài bậc – lần lượt ở các vị trí 170 và 171.
Một quốc gia cộng sản nữa là Bắc Hàn có vị trí áp chót: hạng 179/180.
Xếp sau Trung Quốc lần lượt là Somalia, Syria, Turkmenistan. Eritrea là nước có tự do báo chí tồi tệ nhất trên thế giới theo đánh giá của RSF.
Trên bản đồ của RSF, bốn nước Việt Nam, Lào, Trung Quốc và Bắc Hàn tạo thành một khối được tô màu u tối nhất.
‘Theo kịp anh cả’
Trong phần nhận xét, RSF viết rằng “Việt Nam đã tăng cường kiểm soát thông tin đến mức gần bắt kịp với người anh cả Trung Quốc.”
Các dẫn chứng RSF đưa ra để chứng minh cho lập luận này là các trang tin độc lập ‘bị giám sát trên Internet’, các chỉ thị khắc nghiệt, làn sóng bắt bớ và các phiên tòa giả tạo.
“Việt Nam tiếp tục là nhà tù lớn thứ hai trên thế giới giam giữ các bloggers và các công dân mạng,” bản phúc trình viết và cho biết có đến 25 trong tổng số 34 cây viết blog đang bị giam cầm là bị bắt giữ dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nghị định 72 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ban hành với mục đích cấm các trang cá nhân tổng hợp thông tin cũng được RSF nêu ra để khẳng định rằng ‘Đảng Cộng sản đã tăng cường kiểm duyệt lên một mức độ mới’.
“Nó [Nghị định 72] cho thấy Đảng đang phát động một cuộc tấn công toàn diện vào những người dùng Internet thế hệ mới mà họ xem như là đối trọng nguy hiểm đối với truyền thông truyền thống [của Nhà nước].”
Nhận xét này cũng được Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), một tổ chức cổ súy cho tự do báo chí quốc tế, chia sẻ trong báo cáo thường niên của họ về tình hình báo chí thế giới với tiêu đề ‘Tấn công và Báo chí’ được đưa ra hôm thứ Tư ngày 13/2.
“Tình trạng đàn áp các cây viết blog ở Việt Nam ngày càng tồi tệ và quốc gia này (Việt Nam) chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc về số lượng nhà báo bị cầm tù với 18 người.”
Chú ý Trung Quốc
Bản phúc trình của RSF dành nhiều sự chú ý cho Trung Quốc, quốc gia mà họ đánh giá là đã ‘bắt giữ thêm nhiều nhà báo và blogger, đàn áp khốc liệt hơn những nhà bất đồng chính kiến trên mạng, tăng cường kiểm soát và kiểm duyệt trên mạng và xiết chặt hơn nữa những hạn chế đối với báo chí nước ngoài’.
“Thật khốn khổ cho bất cứ nhà báo nào cứ tưởng (lời kêu gọi của ông Tập Cận Bình khi lên làm tổng bí thư) là ‘hãy khắc họa hiện thực u ám của Trung Quốc’ trong khi câu nói của ông Tập có ý là ‘tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo’,” RSF bình luận.
“Chỉ thị hàng ngày của Ban Tuyên giáo gửi đến các cơ quan báo chí, việc tiếp tục kiểm duyệt mạng, số lượng các vụ bắt bớ vô cớ và việc giam giữ nhiều nhà báo và công dân mạng nhất trên thế giới (bao gồm Khôi nguyên Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba) đã khiến Trung Quốc trở thành một hình mẫu kiểm duyệt và đàn áp,” phúc trình của RSF viết.
Trong số các nước lớn, ngoài Trung Quốc thì Nga cũng có thứ hạng thấp khi đứng thứ 148, trong khi các nước Đức, Anh, Pháp lần lượt xếp hạng 14, 33 và 39 còn Mỹ xếp hạng 46.
Các vị trí đầu bảng thuộc về các nước Bắc Âu lần lượt là Phần Lan, Hà Lan và Na Uy.
Ở khu vực đông nam Á, Thái Lan có thứ hạng cao nhất (130), theo sau là Indonesia (132), Campuchia (144), Miến Điện (145), Malaysia (147), Philippines (149) và Singapore (150).
Mỹ bị phê phán
Còn trong báo cáo của mình, CPJ cũng nói rằng các hoạt động do thám là ‘mối đe dọa đối với báo chí trong kỷ nguyên kỹ thuật số’ trong bối cảnh Mỹ bị cáo buộc nghe lén các đồng minh.
Theo CPJ thì các hoạt động do thám của Mỹ đã ‘làm tổn hại đến vị trí đứng đầu thế giới của họ về tự do biểu đạt và tự do Internet nhất là khi nói về những quốc gia chuyên chế như Trung Quốc hay Iran vốn luôn giới hạn Internet’.
CPJ cũng cho biết hai năm vừa qua đã chứng kiến ‘con số khủng khiếp’ các nhà báo bị sát hại và cầm tù. Trong đó, Syria là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các phóng viên trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là nước bỏ tù nhiều nhà báo nhất.
Ông Joel Simon, giám đốc điều hành của CPJ ở New York, cho biết trong năm 2013 đã có 70 nhà báo bị sát hại và 211 người bị bỏ tù – chỉ ít hơn năm 2012 một chút.
Theo BBC