Nghệ An: Chi 12 tỉ đồng xây tượng Lenin
Theo thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Vinh, tượng đài Lenin sẽ được đặt tại phường Hưng Dũng, TP Vinh (Nghệ An).
Theo quy hoạch dự án, khu đất đặt tượng đài có diện tích gần 4.300m2 nằm ngay bên cạnh ngã 5 giao nhau của các tuyến đường V.I.Lenin, Lê Hồng Phong, Trường Thi, Nguyễn Phong Sắc và Phong Định Cảng. Trong đó, khu vực tượng đài có diện tích 3.040m2, khu vực vườn hoa và đài phun nước có diện tích 1.253m2.
Tổng mức đầu tư của dự án này là 12 tỷ đồng do UBND TP Vinh làm chủ đầu tư. Công trình bắt đầu xây dựng từ ngày 17/2 và dự kiến đến đầu tháng 4/2020 sẽ hoàn thành.
Được biết, tượng Lenin được tỉnh Ulyanovsk (Nga) tặng TP. Vinh có chiều cao 3m, được làm bằng đồng, được đúc tại tỉnh Ulyanovsk và vận chuyển qua Nghệ An.
Ukraine đã phá hủy toàn bộ những bức tượng Lenin trên lãnh thổ
Vào năm 2015, Ukraine bắt đầu thực thi một đạo luật có tên gọi “Lên án cộng sản và quốc xã”, nhằm nghiêm cấm tuyên truyền các biểu tượng của Liên Xô.
Đặc biệt, đạo luật này quy định phải đổi tên các làng mạc, thị trấn, thành phố và tất cả những con đường mang tên các nhà lãnh đạo của Liên Xô.
“139 di tích của chế độ độc tài toàn trị đã được phá bỏ. Chúng ta cần có phương pháp tiếp cận mới đối với những ngày lễ kỷ niệm, các sự kiện lịch sử và tưởng niệm các nhân vật từng chống lại chủ nghĩa phát xít”, trích thông báo số 977 ngày 26/11/2015 của Bộ Văn hóa Ukraine.
Ngày 2/2/2015, hãng tin Nga RIA Novosti cho biết, theo báo cáo của Văn phòng chính phủ Ukraine, trong năm 2015 có 40 tượng đài Vladimir Ilich Lenin trên cả nước bị xóa bỏ danh hiệu di tích văn hóa – lịch sử.
Viện quốc gia Ukraine về di tích lịch sử đã công bố danh sách 520 nhân vật lịch sử bị điều luật về cải cách xã hội lên án và do đó tên của họ phải bị xóa khỏi các tên gọi địa lý. Viện này cho biết, đến cuối tháng 11.2016, có tới hơn 900 khu dân cư (bao gồm làng mạc, thị trấn, thành phố…) phải đổi tên, không mang tên các nhân vật lịch sử thời Xô viết nữa.
Trước đó, từ tháng 10/2013, một nhóm người biểu tình đã dùng dây và thanh sắt kéo đổ bức tượng Lenin tại Đại lộ Shevchenko ở Kiev (Ukraine).
Những người tham gia biểu tình hô vang ‘Vinh quang cho Ukraina’ khi đập tan bức tượng Lenin to đẹp nhất thủ đô Kiev này.
Đến tháng 3/2016, bức tượng Lenin lớn nhất Ukraine xây dựng năm 1964 tại Zaporozhye đã bị phá bỏ.
Tờ Sputnik cho hay, đám đông hàng trăm người tụ tập theo dõi việc phá bỏ bức tượng, thậm chí các sinh viên Đại học Tổng hợp Quốc gia Zaporozhskaya còn nghỉ học để theo dõi việc phá bỏ bức tượng tượng này.
Đến cuối tháng 10/2016, kênh truyền hình Espresso.TV đã đưa tin: “Trong thành phố Novgorod-Seversky tại Chernigov Shina đã tháo dỡ bức tượng Lenin cuối cùng trên lãnh thổ Ukraine. Tượng Lenin đã đứng ở đây 2,5 năm sau khi bắt đầu loạt hoạt động giật đổ các tượng đài”.
Đáng chú ý là sau khi dỡ xuống tượng đài được đưa vào kho bảo quản. Nếu không có ai mua lại thì người ta sẽ gửi bức tượng đến nhà máy luyện thép.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Pyotr Poroshenko công bố rằng tại nước này đã phá hủy hơn 1.200 tượng đài Lenin trong chương trình “giải thoát khỏi Chủ nghĩa cộng sản”.
Cũng theo tờ Sputnik, từ một nóc nhà trong quần thể dân cư “Red Square” (Quảng trường Đỏ) ở New York, người ta đã tháo dỡ bức tượng Lenin từng đứng tại chỗ này suốt hơn 20 năm qua.
Bức tượng cao 5 mét, là tác phẩm của nhà điêu khắc Xô-viết Yuri Gerasimov. Tuy nhiên, do Liên Xô sụp đổ, tác phẩm này không bao giờ được trưng bày tại quê hương. Sau đó, người bạn của một trong những chủ sở hữu “Quảng trường Đỏ” đã tìm thấy và bức tượng được đặt trên nóc tòa nhà New York.
Từ Nguyên (t/h)