Ô hạt nhân của Trung Quốc không dọa được Nhật
Tờ Văn Hối (HongKong) cho rằng Nhật Bản có đủ khả năng chế tạo khoảng 1.000 bom hạt nhân với số lượng nguyên liệu đang sở hữu.
Truyền thông Trung Quốc chụp mũ Thủ tướng Abe về hạt nhân
Tờ Văn Hối (HongKong) ngày 31/12 đã có bài viết về mục đích mà Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe kiên quyết không xóa bỏ chương trình điện hạt nhân của quốc gia này.
Báo này dẫn lời giáo sư Koide Hiroaki của Đại học Kyoto nhận định, điện hạt nhân còn tồn tại ở Nhật Bản dù có rất nhiều lời kêu gọi xóa bỏ từ các chính khách hay nhân dân, bởi lẽ Shinzo Abe muốn phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
Ông Hiraoki cho rằng Nhật Bản không được phép nhập khẩu plutonium làm giàu ở mức có thể chế tạo vũ khí hạt nhân theo nghị quyết mang tên “3 nguyên tắc không hạt nhân” được xây dựng hồi năm 1967. Do đó, nguồn nguyên liệu từ các nhà máy điện hạt nhân chính là cứu cánh cho việc phát triển vũ khí hạt nhân của Nhật Bản.
Tờ Văn Hối dẫn lời một số nhà phân tích Mỹ ước tính rằng Nhật Bản hiện có đủ plutonium để sản xuất ít nhất 1.000 quả bom nguyên tử.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng Nhật Bản muốn duy trì điện hạt nhân để đảm bảo nguồn nguyên liệu phát triển vũ khí nguyên tử |
Được biết, chính sách duy trì hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã vấp phải hàng loạt chỉ trích từ những chính trị gia đối lập. Đặc biệt sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima do thảm họa động đất – sóng thần hồi tháng 3/2011.
Tuy nhiên, ông Shinzo Abe đã khẳng định rõ ràng qua chính sách kinh tế Abenomics của mình. Theo đó, Nhật Bản đang cần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, đặc biệt là công nghiệp dân dụng và công nghiệp năng lượng, sự phục vụ của các nhà máy điện hạt nhân là yếu tố sống còn để Nhật Bản có thể giải quyết được các mục tiêu mà chính sách đề ra.
Theo chính sách kinh tế này, Nhật Bản muốn vươn lên, giành lại vị trí cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, đã để mất vào tay Trung Quốc, một cường quốc châu Á láng giềng và đang trong mối quan hệ căng thẳng với Nhật.
Văn Hối nhận định nếu Nhật Bản thực sự sản xuất bom nguyên tử thì điều này sẽ mang đến bất ổn nghiêm trọng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong khi đó, bản thân Trung Quốc đang dự trữ khối lượng lớn vũ khí nguyên tử và những tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Thêm những thông tin về khả năng chế tạo vũ khí nguyên tử của Nhật Bản như tờ Văn Hối đưa ra, một điều chắc chắn, ông Shinzo Abe sẽ tiếp tục vấp phải những chỉ trích, phản đối về vấn đề duy trì hoạt động của nhà máy điện nguyên tử.
Cán cân sức mạnh hạt nhân tiếp tục thăng bằng
Thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc liên tiếp tụt dốc do những mâu thuẫn không thể giải quyết về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thậm chí, truyền thông của Trung Quốc đã từng đưa ra những nhận định về khả năng chiến tranh là cần thiết để giải quyết mâu thuẫn này.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng đã lên kịch bản để sẵn sàng đón nhận và đáp trả một cuộc tấn công từ người láng giềng này trong vòng 10 đến 15 năm tới hôm 26/11.
Tên lửa DF-31 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc trong một cuộc diễu binh. |
Xét tương quan lực lượng quân sự phi hạt nhân, Nhật Bản và Trung Quốc có sự ngang bằng về thực lực. Quân đội Trung Quốc có thế mạnh về số lượng áp đảo, nhưng quân đội Nhật Bản có lợi thế về chất lượng khi các lực lượng không quân, hải quân, lục quân được trang bị những trang thiết bị có tính hiện đại hàng đầu thế giới, thường xuyên có sự cọ xát, tập huấn với quân đội Mỹ.
Đồng thời, Trung Quốc vướng phải một bất lợi khi đối phó với Nhật Bản ở điểm, lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn và khó có khả năng điều động nhanh chóng một đòn đánh mang tính tổng lực vào Nhật Bản. Trong khi đó, với diện tích nhỏ, khí tài hiện đại, Nhật Bản dễ dàng tạo ra một đòn tấn công tổng lực.
Khi sức mạnh quân sự cơ bản không thể áp đặt, Trung Quốc chỉ có thể nhờ cậy vào những vũ khí mang tính răn đe cao hơn, và trên hết là chiếc ô hạt nhân.
Hiện tại, Trung Quốc đang sở hữu nhiều loại tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, như DF-3 tầm bắn 2.800 km và DF-4 tầm bắn 4,700 km . Đặc biệt, Trung Quốc còn đang thử nghiệm loại tên lửa liên lục địa Đông Phong 41 (DF-41) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới tận lục địa nước Mỹ. Và một điều đặc biệt, không một cơ quan tình báo của bất kỳ quốc gia nào có thể biết Trung Quốc đang sở hữu bao nhiêu tên lửa loại này.
Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế London dẫn ra các tư liệu, mà theo chúng thì CHND Trung Hoa có khoảng 250 đơn vị vũ khí hạt nhân. Tương đương, với khả năng sản xuất của những đơn vị này, Trung Quốc sẽ có ít nhất vài nghìn đầu đạn hạt nhân.
Một đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. |
So với Nga, Mỹ, Trung Quốc chưa đủ khả năng răn đe hạt nhân, nhưng với các quốc gia khác như Nhật Bản hay Hàn Quốc, hoặc bất kỳ quốc gia nào của châu Á, Trung Quốc đủ sức làm điều đó.
Tuy nhiên, như những gì mà tờ Văn Hối đưa tin, với khả năng sở hữu 1.000 vũ khí nguyên tử, Nhật Bản đủ sức làm cho Trung Quốc mất đi lợi thế của chiếc ô hạt nhân. Thông tin mà Văn Hối đưa ra đồng nghĩa với việc Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục giữ thế “kẻ tám lạng, người nửa cân”.
Để có thể khuất phục được Nhật Bản trên chiến trường Senkaku/Điếu Ngư như một trận chiến đã được vẽ sẵn giữa hai bên, hoặc Trung Quốc chưa đủ lực, hoặc Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá rất đắt. Và người được lợi chắc chắn là Mỹ khi “tọa sơn quan hổ đấu”.
Theo Baodatviet