Từ 2021, nhân viên có quyền nghỉ luôn không cần báo nếu bị sếp mắng chửi
Từ 01/01/2021, nhân viên bị sếp ngược đãi, đánh đập, nhục mạ… có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước là một trong những quy định mới trong Bộ luật lao động sửa đổi 2019.
Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 (có hiệu lực từ ngày 1/1/20210) thay thế cho Bộ luật Lao động 2012 hiện hành có những điểm mới liên quan đến việc người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước.
Người lao động có quyền nghỉ việc luôn không cần báo trước
Theo đó, Bộ luật này quy định rõ người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
Ngoài ra, người lao động cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần phải báo trước trong trường hợp sau:
+ Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
+ Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn.
+ Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
+ Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định
+ Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương…
Kẽ hở trong luật, nghỉ xong liệu có được trả lương?
Trước quy định mới liên quan đến việc người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần báo trước này nhiều độc giả đã chỉ ra kẽ hở mà bất cứ lao động nào cũng lo lắng đó là tiền lương.
“Nói thôi việc thì dễ nhưng lương tháng ai trả?”; “Nghỉ hay không là việc của nhân viên còn trả lương hay không thì là việc của sếp nhé các bạn”; “Nghỉ thì cứ nghỉ thôi nhưng chắc sếp không trả lương cũng không cần phải báo trước”, các thành viên trong diễn đàn bình luận.
“Lúc đấy chỉ có nước húp nước hồ, hít khí trời thay cơm nhé”; “Nếu bạn không cần ăn, không cần ở, không cần lo lắng cho con cái hay gia đình thì cứ mỗi lần sếp mắng hãy mạnh dạn nghỉ việc”, “Sếp chửi mình như con mà vẫn phải nhịn không thì chẳng có cơm ăn nhé”,… là những bình luận hài hước của cộng đồng mạng.
Ngoài ra, một số đọc giả lại thẳng thắn hỏi “Như thế nào là ‘Lời nói, hành vi nhục mạ’. Bản chất luật là để điều chỉnh hành vi của xã hội, nhưng luật này sẽ nhấn chìm quan hệ lao động và tạo sự hỗn loạn trong tư duy công việc của phần lớn người lao động”. Hay “…bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc’ thế nếu chủ quấy rối tình dục ở ngoài nơi làm việc thì sao các bác?”…
Ứng phó thế nào khi bị sếp bắt nạt?
Trước câu hỏi làm thế nào nếu bị sếp mắng chửi, nhiều chuyên gia cho rằng khi ấy nhân viên không nên vội vàng phản ứng gay gắt mà phải ngồi lại nhìn nhận vấn đề xem liệu có phải vấn đề đó vượt khỏi tầm kiểm soát của mình hay không. Sai đến đâu, nhân viên nên nhận lỗi đến đó.
Mặt khác, cố gắng khẳng định bản thân và tạo lập vị trí cho mình, để sếp và đồng nghiệp nhận ra chân giá trị của mình.
Tuy nhiên trong trường hợp bị ‘đàn áp’ quá mức thì nhân viên nên để sếp thấy mình không hài lòng với cách đối xử như vậy và có thể gửi email cho sếp để tránh những ồn ào nơi công sở.
Nếu việc làm đó không mang lại kết quả gì, nhân viên nên nhờ cấp trên can thiệp bởi những vị sếp cấp cao hơn có thể nhìn rõ và phân loại đúng sai chính xác, biết cách tháo gỡ những rắc rối này. Và rời bỏ công ty là giải pháp cuối cùng khi những giải pháp khác không mang lại hiệu quả.
Thời gian người lao động phải báo trước cho người sử dụng lao động nếu nghỉ việc
Theo Thư Viện Pháp Luật, tại điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 đã quy định rõ về thời gian mà người đi làm phải báo trước với người sử dụng lao động nếu muốn nghỉ việc.
Nếu là hợp đồng xác định thời hạn thì phải báo trước ít nhất 30 ngày. Nếu là hợp đồng theo thời vụ thì thời gian tối thiểu là 30 ngày.
Người lao động làm việc theo hợp đồng không có thời hạn sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước ít nhất là 45 ngày trừ trường hợp nghỉ thai sản.
Nếu cố tình vi phạm pháp luật, nghỉ mà không báo trước trong thời gian tối thiểu trên người lao động sẽ phải chịu nhiều hậu quả.
Vũ Tuấn (t/h)