Trung Quốc “cầu kiến” Nga sau vụ xử tử chú lãnh đạo Triều Tiên
Trong một động thái bất ngờ, Trung Quốc đã liên lạc với Nga để thảo luận về tình hình Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tử hình người chú dượng quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Ông Jang, 67 tuổi, chồng cô ruột của ông Kim Jong-un, đã bị xử tử hôm 12/12 vì tội âm mưu đảo chính, cùng hàng loạt tội danh khác. Ông Jang bị truyền thông nhà nước miêu tả là “kẻ cặn bã” và bị tử hình chỉ 4 ngày sau khi bị sa thải khỏi tất cả các chức vụ.
Trung Quốc về cơ bản vẫn “kiệm lời” về vụ xử tử ông Jang. Nhưng khi được hỏi về vấn đề này tại một cuộc họp báo hôm 13/12, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định đây là vấn đề nội bộ của Triều Tiên và “mong Triều Tiên duy trì ổn định chính trị và phát triển kinh tế”.
Tuy nhiên, trang tin Duowei News tiết lộ rằng Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã liên lạc với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov vào tối ngày 13/12, một ngày sau khi ông Jang bị tử hình, để thảo luận về các trao đổi cấp cao giữa hai nước vào năm tới và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù Nga và Trung Quốc từng dàn xếp các cuộc đối thoại tương tự trước đó, nhưng đây là lần đầu tiên Bắc Kinh chủ động liên lạc với Mátxcơva để thảo luận về Triều Tiên kể từ khi Bình Nhưỡng rút khỏi đàm phán 6 bên – nhằm tìm một giải pháp hòa bình cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên – hồi năm 2009.
Theo trang tin Duowei, Trung Quốc đang tìm kiếm một đối tác để thực hiện các cuộc hội đàm chiến lược về Triều Tiên sau các hành động không thể dự đoán của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các kế hoạch liên quan tới việc thử hạt nhân và gia tăng giọng điệu căng thẳng.
Hơn nữa, việc tử hình ông Jang – người từng được xem là động lực chính cho quá trình cải cách của Triều Tiên – làm nảy sinh câu hỏi rằng liệu cái chết của ông có phải là dấu hiệu cho thấy sự khước từ của Bình Nhưỡng đối với mô hình cải cách kinh tế kiểu Trung Quốc hay không và vụ xử tử ảnh hưởng như thế nào tới tương lai quan hệ giữa 2 nước.
Cũng có đồn đoán rằng ông Jang có thể là “kẻ thế mạng” cho các cải cách kinh tế sai lầm mà ông này áp dụng tại Triều Tiên, làm nảy sinh các lo ngại khác rằng Bình Nhưỡng có thể quyết định đi theo một hướng khác.
Theo Dantri