Huyền thoại về thần phong
Trong Thế chiến 2, Nhật có đạo quân được ghi vào huyền thoại và nhận được sự tôn trọng từ cả hai phía. Đó là những phi công Kamikaze (thần phong).
Nhiều người thắc mắc tại sao lại gọi các phi công cảm tử là Kamikaze? Tên gọi “thần phong” xuất phát từ thời kỳ 1274-1281 khi có một cơn bão đã cứu Nhật Bản khỏi thảm họa thôn tính của Đế quốc Mông Cổ. Khi quân Mông Cổ tấn công Nhật Bản với khí thế như chẻ tre, nước Nhật hầu như chắc chắn bị thất thủ thì có một cơn bão nổi lên đánh chìm tàu thuyền quân Mông Cổ. Do đó người Nhật gọi cơn bão này là “thần phong”. Chính vì vậy, người Nhật cũng gửi gắm hy vọng các phi công của họ sẽ hóa thành thần phong đánh bại quân Mỹ trong lúc Nhật đang tuyệt vọng.
Đến cuối năm 1944, Nhật yếu thế hoàn toàn trên không và trên biển. Các chiến đấu cơ Nhật ngày càng lỗi thời và thua kém về số lượng so với phi cơ Mỹ, đặc biệt là các máy bay F6F Hellcat và F4U Corsair. Không lực hải quân Nhật (IJNAS) bị tiêu hao trong các trận không chiến chống lại đồng minh tại quần đảo Solomon và đảo New Guinea. Thêm nữa, trong trận chiến trên biển Philippines, Nhật mất hơn 400 máy bay trên tàu sân bay và phi công. Số phi công giàu kinh nghiệm ngày càng trở nên hiếm hoi.
Làm thế nào để dùng những phi công non đánh được tàu chiến Mỹ thì chỉ còn một cách là dùng Kamikaze. Việc tuyển chọn phi công cảm tử và đào tạo họ khá đơn giản. Những người tình nguyện hy sinh, bao gồm nhiều thành phần từ phi công chính quy, binh lính cho đến cả sinh viên được huấn luyện theo một chế độ đặc biệt trong vòng 7 ngày: 2 ngày cho việc cất cánh với 1 quả bom 250kg; 2 ngày cho việc bay theo đội hình và 3 ngày tập cách tiếp cận mục tiêu và tấn công.
Các phi công được cấp một bản hướng dẫn chi tiết về cách tiến hành tiến công cảm tử. Theo đó phi công phải bổ nhào nhắm vào giữa tháp chỉ huy và ống khói, vì đó là cách hiệu quả nhất để đánh chìm tàu. Phi công cũng được dặn không nên nhắm vào đài chỉ huy hay tháp pháo, mà nên nhắm vào cầu thang máy hoặc boong tàu. Nếu tiếp cận từ đường chân trời thì phi công nên “nhắm vào thân tàu, cao hơn mặt nước biển một chút”, hoặc “nhắm vào cửa khoang chứa máy bay hoặc chân ống khói”.
Ngày 21-10-1944 chiến thuật kinh người này được triển khai và thu được thành công vang dội. Chỉ trong 5 ngày, 55 kamikaze từ lực lượng đặc nhiệm đã đánh bị thương các tàu sân bay hộ tống lớn Sangamon, Suwannee, Santee và tàu sân bay hộ tống nhỏ White Plains, Kalinin Bay và Kitkun Bay.
Tổng cộng có 7 hàng không mẫu hạm bị đánh trúng, cộng với khoảng 40 tàu khác (5 chiếc bị chìm, 23 bị thương nặng, 12 bị thương nhẹ). Tuy về sau, quân Mỹ rút nhiều kinh nghiệm để phòng ngự trước thần phong nhưng những Kamikaze vẫn là nỗi ám ảnh lớn nhất của tàu chiến Mỹ cho đến tận khi Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tổng kết lại, trong 1.900 phi vụ cảm tử, các Kamikaze đã đánh đắm khoảng 30 tàu chiến Mỹ, làm thiệt hại gần 300 chiếc khác và 4.907 lính Mỹ đã tử trận. ª
Theo danviet