Chống tham nhũng: Cấm ăn vây cá mập, yến sào
Chính quyền Trung Quốc thời gian qua có những biện pháp chống tham nhũng và lãng phí quyết liệt khiến dư luận thế giới quan tâm, nhất là sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tăng các chiến dịch “bắt” những “con hổ” và “con ruồi” tham nhũng.
Chính phủ Trung Quốc ngày 8/12 tiếp tục ban hành quy định cấm các món ăn: vây cá mập, yến sào, thịt thú rừng trong các tiệc chiêu đãi chính thức. Đây là một phần nội dung trong quy định mới về việc sử dụng tiền công của chính quyền các địa phương khi đón tiếp các quan chức chính phủ hay lãnh đạo Đảng.
Theo quy định, thuốc lá, rượu đắt tiền cũng không được phép có trong thực đơn của các tiệc chiêu đãi chính thức.
Một nhân viên chuẩn bị cho một buổi tiệc thịnh soạn ở Bắc Kinh |
Quy định cũng nghiêm cấm tổ chức hội nghị và các hoạt động tại các điểm du lịch hay các địa điểm giải trí, nghiêm cấm sử dụng ngân sách chính phủ để chi trả cho các chuyến tham quan giải trí của các quan chức.
Trước đó, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp chống tham nhũng và lãng phí khiến dư luận thế giới quan tâm.
Trước hiện trạng nhiều chính quyền địa phương ở Trung Quốc đua nhau xây dựng trụ sở hành chính hoành tráng gây lãng phí, Bắc Kinh đã ra lệnh cấm xây dựng các trụ sở hành chính mới trong vòng 5 năm tới.
Bên cạnh đó, chính quyền Trung Quốc còn đề xuất một chương trình mà theo đó, tất cả quan chức các cấp của nước này phải ở trong các nhà công vụ để chống tham nhũng.
Chương trình “nhà công vụ” được đưa ra trong Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 (gọi tắt là Hội nghị trung ương 3) diễn ra từ ngày 9 đến 12/11.
Theo chương trình này, các quan chức sẽ được phân nhà công vụ và phải ở đó từ lúc nhậm chức cho đến khi về hưu hoặc nghỉ việc.
Trong khi đó, Quân đội Trung Quốc hồi tháng 4/2013 đã tuyên bố thay đổi tất cả biển số quân đội trong nỗ lực xóa bỏ những đặc quyền đối với những chiếc xe công gắn biển số quân đội do nhiều tài xế “tự tung tự tác”, xem thường luật giao thông.
Biển số quân đội của Trung Quốc, cũ (phải) và mới (trái) |
Việc các quan chức Trung Quốc đi lại bằng những chiếc xe hơi đắt tiền nhập khẩu từ Đức, Mỹ và Nhật Bản (cả xe công và xe tư) với những biển số quân đội thể hiện rõ nạn tham nhũng ở Trung Quốc, khiến người dân nước này bức xúc, theo Reuters.
Chính vì thế, chính quyền Bắc Kinh hồi tháng 2/2013 đã ban hành một lệnh cấm “mềm”, tức hạn chế việc mua sắm các xe hơi đắt tiền làm xe công.
Việc cấm quảng cáo quà tặng xa xỉ cũng nằm trong chiến dịch chống tham nhũng của chính quyền Trung Quốc. Tân Hoa xã ngày 5/2 dẫn nguồn thông cáo của Cơ quan Quản lý phát thanh, điện ảnh và truyền hình của Trung Quốc chi biết sẽ cấm các đài truyền hình, phát thanh quảng cáo những loại quà tặng xa xỉ, đắt tiền như đồng hồ, bộ sưu tập tem hiếm, đồng xu vàng… trong nỗ lực ngăn chặn tham nhũng và lãng phí.
Những loại quảng cáo này tuyên truyền những giá trị không đúng của quà tặng và tạo một nét xấu trong xã hội, dễ dẫn đến tham nhũng và lãng phí.
Vụ án Bạc Hy Lai cũng được coi là một bằng chứng thể hiện sự quyết tâm phòng chống tham nhũng của chính quyền Bắc Kinh.
Tòa án thành phố Tế Nam (tỉnh Sơn Đông) hôm 22/9 đã tuyên án phạt Bạc Hy Lai, 64 tuổi, từng là một trong 25 chính trị gia hàng đầu của Trung Quốc, tù chung thân vì tội nhận hối lộ, biển thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực, theo Tân Hoa xã.
Gần đây nhất, United Daily News, một trong ba tờ báo lớn nhất của Đài Loan đưa tin, Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Chu Vĩnh Khang đã bị bắt vào hôm 1/12 vì tội tham nhũng.
Ông Chu từng là một trong những nhân vật có quyền hạn cao nhất ở Trung Quốc khi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị – Pháp luật trung ương (gọi tắt là Ủy ban Chính Pháp) trước khi về hưu hồi tháng 3.
Theo tin24h