Nghiên cứu tiết lộ: Càng được ôm, trẻ càng thông minh
Đối với người trưởng thành, một cái ôm có thể giúp tạo ra sự khác biệt giữa một ngày tốt lành hay một ngày tồi tệ. Tương tự, đối với trẻ em việc chạm vào cơ thể cũng khá quan trọng. Đặc biệt với trẻ sơ sinh thì chuyện này càng quan trọng hơn nữa.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ cảm thấy được giữ an toàn và tự tin hơn thông qua hành động ôm ấp của cha mẹ. Nghiên cứu khoa học cũng đang ngày càng chứng minh rằng một cái ôm có thể tạo ra vô vàn sự khác biệt kỳ diệu.
Các bác sĩ sản khoa và các chuyên gia phát triển tuổi thơ thường gọi tuần đầu của em bé đủ tháng ra khỏi bụng mẹ là “tam cá nguyệt thứ tư”, vì trẻ sơ sinh có các điều chỉnh lớn từ môi trường ấm áp và an toàn bên trong tử cung mẹ đến âm thanh, mùi hương, kết cấu và nhiệt độ của thế giới bên ngoài.
Còn đối với những em bé sinh non (trước 37 tuần) thì đó không phải là “tam cá nguyệt thứ tư”, bởi chúng đã bị gián đoạn vào giữa thời kỳ thai nghén. Vì vậy, nhiều cha mẹ hay hỏi các bác sĩ lý do vì sao trẻ sơ sinh của họ sẽ chỉ ngủ khi được bế và ôm ấp, chứ không phải khi nằm trong nôi. Tuy nhiên họ có thể đã quên mất sự thay đổi lớn đang xảy ra này.
Vậy phải làm gì để giúp dễ dàng truyền tải tình yêu thương giữa cha mẹ và trẻ sơ sinh?
Câu trả lời từ các bác sĩ và các nhà khoa học rất đơn giản: bế trẻ càng sớm càng tốt. Nhiều phòng chăm sóc trẻ sơ sinh tại các bệnh viện trên khắp Hoa Kỳ đã và đang quảng bá cho dịch vụ “kangaroo care”, tối đa hóa thời gian đụng tiếp xúc giữa mẹ và bé.
Tờ Psychology Today dẫn lời của Tiến sĩ Natalia Brando, chuyên gia sơ sinh thuộc Hệ thống Y tế Quốc gia Trẻ em ở thủ đô Washington cho biết, việc tiếp xúc da kề da mang lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và bé: “ổn định nhịp tim, nhịp thở và nồng độ oxy trong máu, tăng thời gian ngủ và cân nặng, giảm khóc, thành công cho con bú nhiều hơn và xuất viện sớm hơn.”
Tiến sĩ Brando cũng lưu ý , kỹ thuật “kangaroo care” có thể làm giảm căng thẳng – nguyên nhân tạo ra cản trở về sự gắn kết, sức khỏe, tình cảm và mối quan hệ giữa các bé với cha mẹ, cũng như tỷ lệ cho con bú.
Nghiên cứu tiết lộ, càng được ôm trẻ càng thông minh
Bác sĩ Nathalie Maitre của Bệnh viện Trẻ em Toàn quốc bang Ohio đã tiến hành một nghiên cứu so sánh, cách mà trẻ sinh non và trẻ đủ tháng phản ứng với sự tiếp xúc nhẹ nhàng.
Có lẽ không có gì quá ngạc nhiên khi những phát hiện của cô cho thấy bộ não của những bé đủ tháng phản ứng mạnh mẽ hơn các bé thiếu tháng. Đây là một trong những lợi thế mà bé đủ tháng nhỉnh hơn bé sinh thiếu tháng.
Nhưng khi nói đến trẻ thiếu tháng, nghiên cứu cũng cho thấy rằng những bé được cha mẹ bế hoặc tiếp xúc thường xuyên cũng có thể phản ứng như những trẻ đủ tháng. Nói cách khác ôm ấp nhiều có thể giúp trẻ thiếu tháng bắt kịp và đạt được tất cả những lợi ích phát triển của sự tiếp xúc từ cha mẹ như những trẻ đủ tháng.
Cũng theo Tiến sĩ Maitre: “Việc đảm bảo rằng trẻ sinh non nhận được sự tiếp xúc tích cực, hỗ trợ như chăm sóc có tiếp xúc da thịt là điều cần thiết giúp bộ não của bé phản ứng với sự đụng chạm nhẹ nhàng, giống như những đứa trẻ đã trải qua toàn bộ thai kỳ trong bụng mẹ”.
Những nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng tất cả gì xảy ra trong “tam cá nguyệt thứ tư” đều có liên quan lâu dài đến tương lai 10 năm sau của bé.
Đối với Maitre, những cái ôm từ cha mẹ “có thể thực sự tác động đến cách não bộ xử lý, một cảm giác cần thiết cho việc học hỏi và kết nối cảm xúc xã hội”.
Điều đó có nghĩa là các kết nối được thực hiện trong vài tháng đầu tiên cuối cùng sẽ có liên quan nhiều đến việc con bạn sẽ phản ứng thế nào khi chúng đến trường và ra ngoài xã hội. Chúng sẽ sợ va chạm và gặp nhiều người và vật mới? Hay trẻ sẽ tự tin và có thể tham gia?
Điều đó phụ thuộc bé yêu có được ôm ấp nhiều hay ít!
Thiện Thành biên dịch