Ngân hàng với cuộc chiến chống lạm phát ở Trung Quốc

19/07/11, 16:47 Tin Tổng Hợp

Lạm phát ở Trung Quốc là hệ quả tổng hòa của các nhân tố tiền tệ, chi phí đẩy, ngoại nhập, cầu kéo và thiên tai, cùng các nhân tố khác, như đầu cơ, tâm lý và những hạn chế trong cơ cấu kinh tế của bản thân mô thức phát triển của Trung Quốc

 

 
Theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, trong 30 năm qua, Trung Quốc ba lần đối diện với sức ép lạm phát cao vào các năm 1985; 1988-1989 và 1992-1996. Trong đó, tốc độ lạm phát (thể hiện qua chỉ số CPI) trung bình đạt tới 14.11% trong giai đoạn 1992-1996, thậm chí cuối năm 1994, lạm phát Trung Quốc đã gần chạm đỉnh 30%. Từ năm 1994 đến năm 2010, tốc độ lạm phát trung bình mỗi năm là 4,3%. Năm 2011, lạm phát có xu hướng tăng nhanh: So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 1 và 2/2011 tăng là 4,9% (trong đó giá lương thực và thực phẩm tăng tới 10,3%,trong đó giá lương thực tăng 15,1%, còn giá rau quả tươi tăng gần 35% do nhu cầu tăng, trong khi hạn hán kéo dài ở những khu vực trồng ngũ cốc chủ chốt; tại các khu vực thành thị, CPI tăng 4,8%, trong khi ở các vùng nông thôn mức tăng này là 5,5%; chỉ số giá sản xuất, đơn vị dùng để đo chi phí nguyên liệu đầu vào, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng so với 6,6% hồi tháng 1/2011); CPI tháng 3/2011 tăng 5,4% (trong đó giá lương thực tăng 11,7%) và tháng 4/2011 là 5,3%, chủ yếu do giá thực phẩm hạ, nguồn cung ứng rau quả dồi dào hơn và thời tiết thuận lợi hơn. Tuy nhiên, sang tháng 5/2011, CPI lại tăng lên mức 5,5% và tăng 6,1% trong tháng 6/2011. Đây là mức tăng tốc độ nhanh nhất trong vòng 35 tháng vừa qua. Theo AFP, hy vọng kiềm chế lạm phát ở tỷ lệ 4% trong năm 2011 của Trung Quốc có thể xem như không thể đạt được. Trong thập niên tới, lạm phát ở Trung Quốc có thể đạt khoảng trên 5%/năm, dù Trung Quốc rất khó bị rơi vào tình trạng siêu lạm phát.
Lạm phát ở Trung Quốc là hệ quả tổng hòa của các nhân tố tiền tệ, chi phí đẩy, ngoại nhập, cầu kéo và thiên tai, cùng các nhân tố khác, như đầu cơ, tâm lý và những hạn chế trong cơ cấu kinh tế của bản thân mô thức phát triển của Trung Quốc…trong đó có mất cân đối cung-cầu và tăng giá lương thực thực phẩm, nhất là nông sản gắn với thiên tai và hiện tượng đầu cơ trong lưu thông; do tăng lương và giá tài sản, nhất là bất động sản; nhưng chủ yếu là do chính sách tài chính-tiền tệ nới lỏng quá mức…

Từ năm 2000 trở lại đây, khoảng cách giữa lượng tiền phát hành và GDP ở Trung Quốc mỗi năm lại được nới rộng thêm. 
Trong 2 năm qua, cung tiền của Trung Quốc đạt kỷ lục 17.500 tỉ CNY. Tăng trưởng cung tiền M2 trong tháng 2/2010 đạt 25,5% trong khi con số này của tháng 1/2010 là 26%. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng cung tiền M2 trong năm 2010 là 17%. Tính đến hết tháng 8/2010, quy mô M2 của Trung Quốc bằng 5,5 lần mức tương ứng của 10 năm trước. Nếu đem tỷ trọng M2 trong GDP của Trung Quốc so với Mỹ sẽ thấy rằng về cơ bản, tỷ trọng M2 trong GDP của Mỹ không biến đổi nhiều trong vòng 20 năm qua, duy trì ở mức 60%, trong khi M2 của Trung Quốc lại tăng từ 65% vào năm 1986 lên mức 200% vào năm 2010. Tỷ lệ này của Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời kỳ tăng trưởng lâu dài cũng chỉ khoảng 100%. 
Lạm phát ở Trung Quốc đặc biệt được hỗ trợ trực tiếp từ mở rộng đầu tư công và tài trợ tín dụng rẻ cho thị trường bất động sản, cũng như các hoạt động đầu tư của Chính phủ Trung Quốc vào đường xá, đường sắc các dự án hạ tầng cơ sở trị giá hàng tỷ USD khác. Để tránh khỏi những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tránh một sự suy giảm mạnh kinh tế, Trung Quốc thực hiện một gói kích thích kinh tế 4.000 tỷ CNY (Nhân dân tệ) vào cuối năm 2008, trong đó bao gồm nhiều khoản vay ngân hàng lớn. Từ đầu năm 2009 đến nay, Trung Quốc đã bật đèn xanh cho các ngân hàng quốc doanh tăng cường cho vay thông qua ủy thác đầu tư hàng ngàn tỷ đô la tín dụng mỗi năm.
Tổng giá trị các khoản vay mới tại Trung Quốc năm 2009 là 9,6 nghìn tỷ nhân dân tệ tương đương 1,4 nghìn tỷ USD. Từ tháng 11/2008-12/2010, tín dụng ngân hàng của Trung Quốc đã đạt 18.750 tỷ Nhân dân tệ. Nếu cộng thêm các giao dịch nghiệp vụ ngoài bảng của ngân hàng (năm 2010 khoảng 3.000 tỷ CNY), tín dụng giai đoạn này của Trung Quốc đạt trên 24.000 tỷ CNY. Các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay tới 7,5 nghìn tỷ CNY (tương đương với 1,1 nghìn tỷ USD) trong năm 2010 và kỳ vọng sẽ giảm mức giới hạn cho vay vào năm 2011 thấp hơn mức 7,5 nghìn tỷ CNY. Trong khi đó, GDP của Trung Quốc thời gian đó chỉ khoảng 76.000 tỷ Nhân dân tệ. Con số này dưới thời Chu Dung Cơ làm Thủ tướng là 49.800 tỉ CNY. Như vậy, Trung Quốc rơi vào cảnh trong khi tăng trưởng kinh tế thực tế chỉ là 152%, thì mức tăng phát hành đã đạt mức 358%. Dùng nhiều tiền hơn để mua ít hàng hóa hơn khiến vật giá ở Trung Quốc leo thang.
Hoạt động cho vay của các công ty tài chính, vốn chịu quy chế giám sát lỏng lẻo bên ngoài hệ thống ngân hàng của Trung Quốc, đã tăng mạnh trong năm 2010. làm gia tăng khó khăn đối với những nỗ lực nhằm kiểm soát tăng trưởng và lạm phát của Bắc Kinh. Từ trước tới nay, Chính phủ Trung Quốc thường sử dụng quyền kiểm soát các ngân hàng quốc doanh như một công cụ để điều tiết tốc độ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, ở những thời điểm tăng trưởng cần sự hỗ trợ, tín dụng lãi suất thấp sẽ được tăng cường bơm vào nền kinh tế, và ngược lại, việc cấp vốn vay mới sẽ bị hạn chế mỗi khi cần ngăn chặn đà tăng trưởng nóng. 
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal cho biết, kiểm soát tín dụng ở Trung Quốc giờ đã trở thành một công việc khó khăn hơn, khi mà hệ thống tài chính phát triển hơn. Bởi thế, những nỗ lực để đưa nền kinh tế “hạ cánh mềm” của Bắc Kinh có thể gặp khó trong những tháng sắp tới. Ở Trung Quốc, thị trường vốn “chợ đen” đã tồn tại lâu đời, trong đó các dòng vốn chảy từ những nhóm cho vay nhỏ, không chính thức và không chịu quy định giám sát, tới những khu vực của nền kinh tế ít có cơ hội được vay vốn ngân hàng. Gần đây, một số tổ chức cho vay, bao gồm các quỹ ủy thác, công ty cho thuê và bảo lãnh tài chính… cũng nổi lên để đáp ứng nhu cầu vay vốn ngoài ngân hàng. Do phải chịu các quy định về giới hạn cho vay, các ngân hàng Trung Quốc đã tìm đến các công ty ủy thác để giảm quy mô của bảng cân đối kế toán, đồng thời giảm bớt gánh nặng quy chế mà họ phải chịu. 
Trong một báo cáo công bố tuần trước, hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings ước tính, các ngân hàng của Trung Quốc đã cho vay quá mức giới hạn 7,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 1.126 tỷ USD, mà Chính phủ nước này đặt ra cho vốn tín dụng nội tệ cấp mới năm nay. Báo cáo của Fitch cho rằng, một lượng vốn vay hơn 3 nghìn tỷ Nhân dân tệ từ các ngân hàng Trung Quốc đã không được kê khai trên bảng cân đối kế toán của họ. Do đó, về tổng giá trị tất cả các khoản vay mà các ngân hàng Trung Quốc đã cấp, con số của năm 2010 lên tới 10,5 nghìn tỷ Nhân dân tệ, không giảm là bao so với mức 11 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong năm 2009 – năm mà Bắc Kinh cho các ngân hàng tăng gấp đôi số vốn tín dụng cấp mới để ngăn sự suy giảm tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu. “Hoạt động tín dụng ở Trung Quốc chưa giảm xuống, chẳng qua chỉ là đi theo những kênh khác”, Fitch nhận xét. Hãng định mức tín nhiệm cho rằng, điều này “giải thích vì sao lạm phát và giá nhà đất ở Trung Quốc vẫn ‘cố thủ’ ở mức cao, vì sao tăng trưởng GDP quý 3 vẫn mạnh hơn dự kiến, và vì sao các nhà chức trách Trung Quốc tỏ ra lo ngại tới vậy về việc nước Mỹ tiếp tục áp dụng chính sách nới lỏng định lượng”. Khối lượng tín dụng “ngầm” trên thực tế rất khó thống kê chính xác, nên Fitch cho rằng, con số ước tính 3 nghìn tỷ Nhân dân tệ vốn tín dụng ngoài bảng cân đối kế toán của các nhà băng chỉ là tương đối. “Mức trần cho vay chính thức của Trung Quốc bị xói mòn bởi hệ thống cho vay ‘ngầm’ của nước này. 
Hy vọng là sang năm tới, hoạt động cho vay như vậy sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn”, chuyên gia kinh tế Stephen Green của Standard Chartered nhận xét. Từ cuối năm ngoái, khi Trung Quốc bắt đầu kết thúc chương trình kích cầu và các nhà chức trách chuyển sang yêu cầu các ngân hàng giảm hoạt động tín dụng, các ngân hàng cũng tìm ra những cách thức sáng tạo hơn để cho vay. Fitch cho rằng, trên thực tế, trong năm 2009, các ngân hàng Trung Quốc đã cấp số vốn vay tổng cộng khoảng 11 nghìn tỷ Nhân dân tệ, trong khi mức trần chính thức mà Bắc Kinh đặt ra chỉ là 9,6 nghìn tỷ Nhân dân tệ. “Với quá nhiều hoạt động đang diễn ra trong khu vực cho vay phi ngân hàng, việc điều chỉnh lượng vốn vay trong nền kinh tế không còn đơn giản là việc cấp hạn ngạch cho các ngân hàng và giám sát sự tuân thủ của họ”, báo cáo của Fitch có đoạn viết.
Chính sách tiền tệ nới lỏng và những khoản đầu tư lớn trong các dự án cấp địa phương đã giúp hồi phục tăng trưởng, nhưng cũng tạo áp lực (dù trễ) cho lạm phát. Đặc biệt, việc giá bất động sản tăng quá nhanh, quá mạnh dễ dẫn tới vỡ bong bóng và những món nợ khổng lồ của các cấp chính quyền địa phương sẽ sớm muộn dẫn tới một làn sóng nợ khó đòi ở các ngân hàng quốc doanh lớn của Trung Quốc. Áp lực giá cả tại Trung Quốc tăng cao bởi tín dụng tăng trưởng quá nóng trong năm ngoái.
Giáo sư kinh tếg Zhang Weiying của Đại học Tổng hợp Bắc Kinh nhận xét: “Nguồn gốc của lạm phát là do chính sách kích cầu kinh tế của Chính phủ Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua. Ngăn chặn lạm phát không dễ dàng, có thể phải mất một thời gian dài”. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã bày tỏ quan ngại về các khoản nợ xấu ở Trung Quốc và cho rằng nợ xấu mà các chính quyền địa phương nước này đang ở mức tồi tệ hơn lúc đầu họ ước tính. 
Theo Moody’s, trong năm 2010, các ngân hàng Trung Quốc đã cho các chính quyền địa phương vay 8.500 tỷ CNY (1.300 tỷ USD) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Moody’s cho rằng số nợ thực tế có thể lên tới 12.000 tỷ NDT (1.835 tỷ USD) và nợ xấu có thể ở mức từ 8% – 10% tổng số nợ. Ngoài ra, Moody’s còn cảnh báo triển vọng của ngành ngân hàng Trung Quốc có thể sẽ chuyển sang tiêu cực vì các khoản vay của chính quyền địa phương quá lớn.

Ngày 27/6/2011, Cơ quan Kiểm toán quốc gia Trung Quốc thông báo đã phát hiện nợ của chính quyền các địa phương tính đến cuối năm 2010 đã lên tới 10.700 tỉ CNY (1.650 tỉ USD), tương đương 27% GDP của Trung Quốc, và cảnh báo rủi ro hoàn trả. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh công khai nợ công địa phương và làm tăng thêm nỗi lo là hệ thống ngân hàng lại phải đối mặt với hàng núi nợ xấu, đồng thời nhấn mạnh những giới hạn mà Bắc Kinh phải đương đầu khi chống chọi lạm phát. Một số nhà phân tích cho rằng các số liệu của cơ quan Kiểm toán quốc gia đã không tính được một số hình thức nợ khác của chính quyền địa phương. Dù vậy, điều này cho thấy mức nợ công thực sự ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với con số 17% GDP mà Bộ Tài chính Trung Quốc thừa nhận. Theo báo cáo kiểm toán, do bị cấm bán trái phiếu hay vay trực tiếp ngân hàng vào cuối năm 2010, chính quyền các địa phương đã lập ra 6.576 công ty tài chính để góp vốn đến 4.970 tỉ nhân dân tệ, 60% trong số nợ đó do chính phủ hoàn trả. 
Một số chính quyền địa phương đã bảo đảm trái phép cho những cơ sở này, các chính quyền địa phương khác lại bán đất đai để giúp họ trả nợ. Báo cáo hồi đầu tháng 6/2011 của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng đề cập hình thức công ty tài chính do chính quyền địa phương lập ra và hỗ trợ nhằm tránh né hạn định về vay vốn, và liệt kê khoảng 10.000 cơ sở tài chính với tổng nợ vay 2.200 tỉ USD, chiếm đến 30% tiền cho vay của hệ thống ngân hàng. Con số tương đương của báo cáo kiểm toán là 764 tỉ USD. Liu Jiayi, Tổng giám đốc Kiểm toán Trung Quốc, thừa nhận: “Một số hoạt động quản lý công ty góp vốn cho chính quyền địa phương có bất thường, khả năng thu lợi nhuận và trả nợ khá thấp”. Theo báo cáo của ngân hàng Trung ương, tổng nợ của các công ty góp vốn cho chính quyền địa phương là trên 7.700 tỉ nhân dân tệ. Trong số nợ công địa phương, 80% là vay ngân hàng và 70% sẽ đến hạn thanh toán trong năm năm tới.
UBS AG ước tính nợ công địa phương có thể chiếm 30% GDP cả nước và có thể tạo ra khoảng 2.000 đến 3.000 tỉ nhân dân tệ nợ khó đòi. Eliza Liu tại China Construction Bank International ước tính có đến 20% đến 30% nợ vay rủi ro cao, nhất là nợ của các công ty tài chính ở những thành phố nhỏ.

Cũng như các nước khác, Trung Quốc đối phó với lạm phát bằng tất cả những giải pháp truyền thống, tương ứng với các nguyên nhân gây ra lạm phát của mình, trong đó nổi bật là các nhóm giải pháp về tăng cường cân đối cung-cầu và ổn định giá lương thực, thực phẩm; và nhất là:
1. Thực hiện việc thắt chặt cung ứng tiền tệ, nâng lãi suất và tăng dự trữ bắt buộc.
 
Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương của Trung Quốc, họp trong 3 ngày (10-12/12/2010), dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và sự tham dự của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, ra thông báo cho biết Chính phủ Trung Quốc sẽ áp dụng cách tiếp cận ổn định, thận trọng và linh hoạt đối với kinh tế trong năm 2011. Theo đó, về cơ bản sẽ giữ đồng Nhân dân tệ “ổn định” ở mức độ cân bằng và chấp nhận được, cách diễn đạt cho thấy Bắc Kinh đang loại trừ khả năng định giá lại mạnh mẽ NDT bất chấp sức ép quốc tế ngày càng lớn. Thông báo nhấn mạnh: “Ưu tiên là xử lý thích đáng, tích cực các mối quan hệ giữa việc duy trì sự phát triển kinh tế tương đối nhanh và vững vàng với tái cấu trúc kinh tế, kiểm soát lạm phát tiềm năng. Tái cấu trúc kinh tế mang tính chiến lược sẽ được thúc đẩy và ổn định giá sẽ có một vị trí nổi bật hơn”. 
Hội nghị đặt ra 6 mục tiêu chiến lược cho kinh tế năm tới, nhưng nhiệm vụ chủ chốt là đưa lạm phát vào vòng kiểm soát. Điều đáng chú ý trong thông báo của Hội nghị là việc tái khẳng định sự thay đổi của Bắc Kinh từ một chính sách tiền tệ “lỏng thích hợp” sang “thận trọng”. Trong một cuộc họp gần đây, Bộ Chính trị Trung Quốc đã lần đầu thay đổi từ ngữ như vậy. Tháng 11/2008, Bắc Kinh thông qua một chính sách tiền tệ “tương đối lỏng” sau khi nền kinh tế này chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Giới kinh tế bình luận việc chuyển sang chính sách tiền tệ “thận trọng” có nghĩa là chính sách đã chính thức trở lại vị trí cũ trước khi xảy ra suy thoái. Đây là một dấu hiệu khá rõ cho việc hướng tới các chính sách kiềm chế lạm phát, tăng lãi suất mạnh mẽ hơn và giới hạn các khoản vay.
Để ngăn chặn lạm phát, Bắc Kinh đã tăng cường thắt chặt các hoạt động tín dụng, nhất là điều kiện các khoản cho vay, tăng lãi suất cho vay (không khuyến khích vay) và lãi suất các khoản tiền gửi ngân hàng (khuyến khích gửi tiền tiết kiệm), và nâng tỷ lệ dự trữ tiền mặt. 
Để tránh lạm phát tăng vọt, ngân hàng trung ương Trung Quốc nhiều lần điều chỉnh tăng lãi suất và nâng mức dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại nhằm hạn chế khối lượng tín dụng cho vay, qua đó, giảm khối lượng tiền tệ lưu thông. 
Tháng 10/2010, PBoC (ngân hàng TW Trung Quốc) lần đầu tiên trong vòng hơn 3 năm đã nâng lãi suất cơ bản Nhân dân tệ. Từ đó đến nay, PBoC đã 5 lần nâng lãi suất, 8 lần nâng lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Hiện nay, lãi suất cho vay và tiền gửi ở Trung Quốc đã là 7,47% và 4,14% – cả hai loại lãi suất này đều tăng lên mức đỉnh điểm trong 9 năm qua. 
Ngày 12/5/2011, PBOC cũng buộc các ngân hàng lớn của Trung Quốc nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5%, từ mức 20,5% lên 21%, kể từ ngày 18/5/2011. Đây là lần thứ 5 trong năm 2011 và là lần thứ 8 kể từ tháng 10/2010 PBOC ra lệnh tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Quyết định này của PBOC sẽ làm giảm hơn 370 tỷ NDT (khoảng 56,93 tỷ USD) lưu thông trong hệ thống ngân hàng và điều này sẽ ảnh hưởng nhất định tới nền kinh tế cũng như các nhà sản xuất, kinh doanh.
Để hút tiền khỏi lưu thông, Trung Quốc ưa sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc hơn là ít sử dụng công cụ nâng lãi suất vì e ngại tăng lãi suất, các dòng tiền nóng ở nước ngoài có thể ồ ạt chảy vào nước này, gây áp lực tăng tỷ giá Nhân dân tệ. Thực tế còn cho thấy, sử dụng công cụ dự trữ bắt buộc sẽ tôt hơn là tăng lãi suất, vì không gây hại trực tiếp cho doanh nghiệp.
Tốc độ tăng cung tiền ở Trung Quốc trong tháng 3/2011 là 16,6%, cao hơn tháng 2 nhưng lại thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này gần với mục tiêu của chính phủ, bởi nó tương đương với tốc độ tăng trưởng tín dụng thời kỳ trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính. Trung Quốc hiện vẫn còn khả năng giảm tăng trưởng tín dụng mà không ảnh hưởng tới mục tiêu GDP.
Hoạt động cho vay ngân hàng ở Trung Quốc đang giảm dần. Với 679 tỷ nhân dân tệ (CNY) được xuất ra trong tháng 3/2011, tổng dư nợ cho vay ngân hàng trong năm nay đạt 2.240 tỷ CNY. Mặc dù PboC không đặt ra mục tiêu chính thức, song thị trường cho rằng con số này sẽ vào khoảng 7.500 tỷ CNY trong năm nay. 
Việc thực thi các chính sách thắt chặt tiền tệ thắt chặt khác ở Trung Quốc có thể sẽ được hoàn tất vào giữa năm nay. Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát, cung tiền trở lại mức tiền khủng hoảng và giá thực phẩm bắt đầu hạ nhiệt, dường như nỗ lực “hạ cánh mềm” của chính phủ Trung Quốc đang thành công.

(Còn nữa)
ThS.Lê Trang – NHNN
Quỳnh Chi- Minh Phong
Viện NCPTKTXHHN
tamnhin.net

Ad will display in 09 seconds

Tiết lộ của bậc thầy thôi miên: Hầu hết con người ngày nay đều là Thần chuyển sinh

Ad will display in 09 seconds

SINH MỆNH CON NGƯỜI ĐẾN TỪ ĐÂU?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Mục đích đáng sợ khi người ngoài hành tinh tới Trái Đất?

Ad will display in 09 seconds

Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

Ad will display in 09 seconds

Phát hiện chấn động Thế giới trong lòng đất

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • Tiết lộ của bậc thầy thôi miên: Hầu hết con người ngày nay đều là Thần chuyển sinh

    Tiết lộ của bậc thầy thôi miên: Hầu hết con người ngày nay đều là Thần chuyển sinh

  • SINH MỆNH CON NGƯỜI ĐẾN TỪ ĐÂU?

    SINH MỆNH CON NGƯỜI ĐẾN TỪ ĐÂU?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Mục đích đáng sợ khi người ngoài hành tinh tới Trái Đất?

    Mục đích đáng sợ khi người ngoài hành tinh tới Trái Đất?

  • Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

    Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

    Hé lộ một nửa sự thật về vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản

  • Phát hiện chấn động Thế giới trong lòng đất

    Phát hiện chấn động Thế giới trong lòng đất

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

x