Vụ bé sơ sinh tử vong vì mẹ bị đuổi xuống xe: Tài xế xin lỗi vì cuống quá
Sau khi đuổi sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ xuống xe khiến thai nhi vừa lọt lòng tử vong, tài xế lái xe đã tới nhà thai phụ xin lỗi, giải thích là do khi ấy cuống quá nên mới hành xử như vậy và xin được đền bù cho gia đình 50 triệu đồng.
Chiều 19/8, trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Tuấn – Chủ tịch UBND xã Thống Nhất (Bù Đăng, Bình Phước) xác nhận, trên địa bàn xã có xảy ra sự việc sản phụ Vy Thị Yến (33 tuổi, người dân trong xã Thống Nhất) sắp sinh, bị tài xế bỏ mặc giữa đường khiến cháu bé tử vong.
Người tài xế này được xác định là ông Nguyễn Đức Nhạc (52 tuổi), cũng là người dân trong xã Thống Nhất.
Xót xa cảnh sản phụ thất thần ở bệnh viện sau khi mất con vì bị bỏ giữa đường
Đến 16h cùng ngày (19/8), chị Yến vẫn đang được điều trị tại Khoa sản bệnh viện Đa khoa Bình Phước. Người em dâu chăm sóc cho chị Yến chia sẻ rằng, sau 2 ngày điều trị tại bệnh viện, hiện chị Yến đã qua cơn nguy kịch, nhưng sức khỏe còn yếu và chưa nói chuyện được.
Sau sự việc trên, chị Yến bị xuống tinh thần trầm trọng, nằm thất thần trên giường bệnh, ánh mắt nhìn xa xăm, chị dường như vẫn chưa thể tin được rằng đứa con trai mà cả gia đình chị mong chờ đã ra đi mãi mãi.
Nhìn em gái ốm yếu nằm trên giường bệnh, anh Vy Văn Huấn bức xúc nói: “Có lẽ do kiêng kị, không muốn phụ nữ đẻ trên ô tô mình nên ông Nhạc đuổi em gái tôi xuống.
Lúc đó đường còn ướt vì vừa có mưa mà ông ấy vẫn để em tôi nằm giữa đường. Chỗ đó chỉ cách trạm y tế vài cây số, giá mà ông ấy chở đến trạm y tế để em tôi sinh thì đứa bé có lẽ không mất”.
Bồi thường 50 triệu, xin lỗi gia đình vì ‘cuống quá nên mới làm như vậy’
Cũng theo anh Huấn thì chiều trong chiều 19/8, ông Nhạc đã tới thăm hỏi sức khỏe và xin lỗi chị Yến, tài xế này bày tỏ sự ân hận và hối lỗi đồng thời mong muốn được bồi thường cho gia đình em của anh 50 triệu đồng.
Về nguyên nhân chị Yến bị bỏ xuống đường dù sắp sinh, anh Ma Đình Sắc (32 tuổi, chồng chị Yến) nói rằng, người tài xế có giải thích lý do là vì chưa gặp tình huống trên lần nào, khi đó vì cuống quá nên mới làm vậy.
Dù vẫn đang mang tâm trạng đau buồn vì mất con nhưng anh Sắc cho biết, bản thân anh và gia đình cũng không muốn làm lớn chuyện nhưng anh mong về sau các tài xế nếu có gặp trường hợp trên sẽ rút kinh nghiệm và luôn xem mạng người là trên hết.
“Ông tài xế này cách nhà tôi khoảng 3km. Hôm đó vợ tôi sắp sinh, tôi có danh thiếp của ông ta nên lấy gọi chứ cũng không thân thiết gì. Gia đình ông tài xế nói sẽ bồi thường đầy đủ. Giờ dù sao cháu cũng mất rồi, tôi không muốn nhắc lại chuyện này nữa, giải quyết riêng với họ được rồi”, anh Sắc chia sẻ.
Được biết, bé trai vừa mất là con thứ hai của hai vợ chồng anh Sắc, chị Yến. Con trai đầu lòng của họ hiện đã 2 tuổi.
Trẻ sinh non có nguy cơ tử vong gấp 20 lần và quan niệm sản phụ sinh con trên xe là xui xẻo
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Trần Vũ Quang của Bệnh viện Phụ Sản Trung ương (Hà Nội) cho biết: “Trẻ sinh non có nguy cơ tử vong gấp 20 lần so với bé đủ tháng do dễ bị hạ thân nhiệt, nhiễm khuẩn, suy hô hấp và những trở ngại trong nuôi dưỡng”.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), chuyên gia về hồi sức – cấp cứu nhi thì chia sẻ rằng, trong trường hợp sản phụ phải vượt cạn giữa đường, trẻ sơ sinh đủ tháng vẫn có thể tự hít khí trời.
Chỉ cần kẹp người nhà dây rốn, giữ ấm và chuyển nhanh đến bệnh viện là bé được cứu sống. Trên đường đi, người mẹ nên cho bé bú sữa vì con có thể bị đói và hạ đường huyết.
Đối với những trẻ sơ sinh thiếu tháng, chưa thể tự thở được, bé có thể không trao đổi được oxy dẫn đến suy hô hấp và tử vong trong khoảng 30 phút. Vì vậy, sau khi sinh ngoại viện, gia đình cần nhanh chóng đưa sản phụ và em bé đến cơ sở y tế gần nhất.
Chia sẻ với phóng viên về quan niệm phụ nữ sinh con gây ô uế, xui xẻo khiến nhiều tài xế không nhận đưa sản phụ đến bệnh viện, ThS.BS Nguyễn Đức Toản, khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) khẳng định: “Quan điểm này dân gian còn gọi là Phạng Long. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai lầm và cần loại bỏ triệt để”.
Theo vị bác sĩ này thì vì quan niệm trên mà nhiều tai biến sản khoa đã xảy ra ở làng quê, vùng sâu vùng xa. Nhiều bà mẹ phải sinh con con sau vườn, ngoài suối, gây nguy hiểm đến tính mạng của cả hai.
“Chỉ cần sản phụ được đưa về nhà, đến trạm y tế hay bất cứ nhà dân nào để được hỗ trợ, khả năng sống của mẹ và bé rất cao. Nếu đưa đến bệnh viện, khả năng sống càng cao hơn”, bác sĩ Toản nhấn mạnh.
Bác sĩ Tiến cũng khẳng định rằng, nếu sản phụ đang trong tình huống nguy hiểm, những người đi cùng phải có trách nhiệm, không vì bất cứ lý do nào mà từ chối đưa người mẹ đến bệnh viện.
Trước đó, vào khoảng 5h sáng ngày 17/8, sản phụ Yến đã mang thai được hơn 7 tháng bị đau bụng dữ dội, có dấu hiệu sinh non nên gia đình đã nhanh chóng thuê một chiếc xe ô tô Innova 7 chỗ của ông Nhạc đến để chở chị vào Trạm y tế xã Thống Nhất để thăm khám.
Tới nơi, do thiếu trang thiết bị, máy móc hỗ trợ sinh và thấy nguy hiểm cho tính mạng của mẹ con chị Yến nên các bác sĩ yêu cầu chuyển chị Yến lên tuyến trên gấp. Ông Nhạc được gia đình tiếp tục thuê chở đến BV TP Đồng Xoài.
Tuy nhiên, đến khoảng 6h sáng, khi xe ông Nhạc di chuyển được gần 5 km đến đoạn đường Sao Bọng – Đăng Hà (thôn 7, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng) thì chị Yến có dấu hiệu trở dạ. Thấy vậy, ông Nhạc đã nói vợ chồng chị Yến xuống xe, sau đó lót một tấm nylon bên lề đường cho chị nằm đẻ rồi bỏ đi.
Ngay khi vừa xuống xe chị Yến đã hạ sinh tại chỗ một bé trai. Đến khoảng 7h sáng cùng ngày gia đình mới thuê được ô tô khác để đưa 2 mẹ con bệnh viện. Do sức khỏe quá yếu, bé đã tử vong trên đường đến bệnh viện.
Hiện gia đình đã đưa thi hài cháu về an táng. Sức khỏe chị Yến đã tạm ổn định nhưng vẫn đang phải điều trị, theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Vũ Tuấn (t/h)