Dân hoảng loạn vì tin đồn vỡ đập thủy điện
Từ trưa đến chiều ngày 2/10, hàng ngàn người dân vùng rốn lũ huyện Đại Lộc (Quảng Nam) hoảng loạn chuẩn bị đồ đạc di dời lên chỗ cao hơn thì tin đồn vỡ đập.
Tại thị trấn Ái Nghĩa, trong khi trời không mưa gió nhưng nước sông chảy qua thị trấn dâng cao đột ngột khiến nhiều người nghĩ là vỡ đập. Anh Huỳnh Hùng chứng kiến nước sông Vu Gia dâng cao bất ngờ, cho rằng thủy điện thượng nguồn bị vỡ nên chuẩn bị dọn đồ đạc, đưa người nhà đi trú nơi khác.
Tại các xã Đại Lãnh, Đại Hồng… rất đông người dân cũng nghe tin đồn thủy điện Đắc Mi 4 bị vỡ nên rất hoang mang, hỗn loạn, chuẩn bị di dời đồ đạc và đưa người cùng trâu bò, heo… đi tránh lụt.
Hàng ngàn người dân khác sống ven sông Vu Gia đoạn qua huyện Đại Lộc cũng nghe thông tin thủy diện Đắc Mi 4 bị vỡ, vài giờ nữa nước sẽ về nên cuống cuồng di dời. Nỗi nghi ngờ của họ càng được củng cố khi trời không mưa mà nước sông Vu Gia vẫn dâng cao đột ngột.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Đức Tính – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc – xác nhận có xuất hiện tin đồn vỡ đập nên người dân hoảng loạn. “Sau khi xác minh lại thông tin từ các công trình thủy điện, được biết không phải vỡ đập mà là do thủy điện xả lũ”.
Theo thông tin, từ sáng 2/10, một số thủy điện ở tỉnh Quảng Nam đã đồng loạt xả lũ khiến mực nước các sông dâng cao đột ngột. Lúc 9 giờ, thủy điện Đắk Mi 4 xả tràn khoảng 800 m3/s, đến 12 giờ xả tràn trên 2.500 m3/s vàđến 14 giờ 30 phút thì chỉ xả tràn còn hơn 1.00 m3/s. Thủy điện A Vương xả lũ với mức từ 50-150 m3/s, thủy điện Sông Bung 4A xả lũ từ 1.000-1.700 m3/s.
Ông Phan Đức Tính cho biết, sau khi xác định rõ thông tin, lãnh đạo huyện đã ra thông báo phát trên đài truyền thanh huyện và các xã để trấn an người dân. Đến chiều tối ngày 2/10, tình hình cơ bản được ổn định, người dân đã quay về nhà sinh hoạt bình thường trở lại.
Ông Lê Thanh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cho biết, mưa lớn đã khiến cho đất đá trên tuyến đường Tây Tắc Pỏ thuộc thôn 2, xã Trà Mai đang thi công sạt lở xuống nhà cửa của 5 hộ gia đình gồm Hồ Tấn Sinh, Nguyễn Thị Minh, Nguyễn Văn Chiều, Nguyễn Văn Danh và Nguyễn Văn Diện. Đến chiều ngày 2/10, các hộ dân này đã được di dời khẩn cấp đến nơi an toàn, đồng thời hỗ trợ lương thực để bà con ăn.
Ngoài ra, tại huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam mưa lớn cũng làm cho hàng ngàn hộ dân của 5 xã vùng cao là Phước Kim, Phước Thành, Phước Chánh, Phước Lộc, Phước Công bị cô lập. Mưa lớn cũng gây ngập lụt tại xã Phước Hiệp, Phước Hòa làm ách tắc giao thông các tuyến đường liên thôn, xã; một số điểm trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận huyện Phước Sơn đã bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền.
Nguồn: Dân Trí