Sau bão, hàng chục ngàn dân lâm cảnh “màn trời chiếu đất”
Trên 30.000 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng; hàng chục nhà bị sập, đổ hoàn toàn; hàng ngàn héc ta cây hoa màu, cây công nghiệp cùng nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản hư hại, mất trắng…Đó chỉ là một phần thiệt hại của cơn bão số 10 ở Quảng Bình.
Tan hoang sau cơn “siêu bão”
Khi cơn bão số 10 vừa đi qua, chúng tôi đã có mặt tại các xã miền biển thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, chứng kiến một cảnh tượng tan hoang đến xót xa. Một cụ ông đang tất bật sửa lại mái nhà vừa bị bão tàn phá, than thở: “Có còn gì nữa đâu, bão cuốn sạch hết rồi, không biết bây giờ lấy chi mà sống nữa”.
Nhà ông Lê Văn Khơ ở thôn Tân Thuận, xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, toàn bộ phần mái đã “biến mất”, đồ đạc trong nhà ngổn ngang. Anh Lê Văn Phất (con trai ông Khơ) cho biết, ngôi nhà này được chính quyền cho vốn xây dựng theo diện nhà tình thương cách đây 3 năm, trị giá hơn 8 triệu đồng. Bây giờ nhà không còn nóc, biết trú vào đâu! Nhà bà Trần Thị Thắt (73 tuổi) cũng thuộc diện nhà tình thương như ông Khơ, bị bão cuốn bay toàn bộ phần mái và cửa.
Nhà bà Trần Thị Thiu (74 tuổi) cũng bị bão cuốn phăng phần lớn mái nhà. Các con bà Thiu đi làm ăn xa, chồng mất sớm nên bà sống một mình. Hàng ngày bà phải đi xin cơm hàng xóm vì thiếu gạo. Nay nhà bị tan hoang, bà cũng chưa biết làm sao để khắc phục.
Hàng ngàn hộ dân ở xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư ThủyNam… cũng rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất” sau bão. Bão đã tan, trời quang mây tạnh nhưng lòng người còn ngổn ngang nỗi lo.
Trắng tay trong nháy mắt…
Tìm đến nhà vợ chồng chị Nguyễn Thị Não ở thôn Trung Thần, chúng tôi không khỏi xót xa trước hoàn cảnh hết sức éo le, cùng cực. Nhà chị Não vừa bị bão đánh sập hoàn toàn chỉ trong nháy mắt.
Đang sắp xếp, thu gom lại từng mảnh vỡ, chị Não chỉ biết khóc than trong sự bất lực. “Hết sạch rồi chú ơi, có còn gì nữa đâu? Sao ông trời lại nỡ đày đọa vợ chồng tui thế này. Chỉ trong chốc lát mà nhà tui đã sập hết rồi. Hai vợ chồng tui vất vả lắm mới cất được ngôi nhà gỗ tạm để có chỗ chui ra chui vào. Nhưng chừ tan hoang hết cả rồi”..
Vợ chồng chị Não cưới nhau rồi ra ở riêng đã gần 4 năm nay. Chồng chị là anh Trần Văn Hiển, trong một lần đi làm thuê không may gặp tai nạn, bị mất sức lao động suốt 3 năm nay. Để chăm lo cuộc sống gia đình và nuôi con nhỏ, chị Não phải quần quật đi giúp việc cho người khác. Mới đây chị chuyển sang mua hàng tạp hóa về bán lại cho bà con trong xóm để kiếm chút tiền thuốc thang cho chồng. Căn nhà tạm bợ bị đánh sập khiến gia đình chị rơi vào cảnh không chốn nương thân.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh Thoảng, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc cho biết, toàn xã có hơn 800 nhà dân bị sập và tốc mái, trong đó có 11 hộ bị tốc mái hoàn toàn. Rất nhiều diện tích hoa màu, nuôi trồng thủy sản, gia súc, gia cầm của người dân bị hư hại, mất trắng. Các công trình công cộng như trụ sở xã, trường học… cũng bị tốc mái, hư hỏng. Hiện chính quyền đã cử lực lượng dân quân, công an… phối hợp và vận động người dân khắc phục hậu quả.
Ước tính thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện Lệ Thủy, tính đến thời điểm này có trên 31.000 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng, chiếm 85% tổng số nhà trong toàn huyện; trong đó có hơn 50 căn nhà bị sập hoàn toàn, 11 người bị thương đang điều trị tại bệnh viện. Hệ thống điện chiếu sáng bị hư hỏng nặng, mất điện hoàn toàn. Các tuyến đường liên thôn liên xã do cây đổ gây ách tắc giao thông. Hàng ngàn ha cây hoa màu, cây công nghiệp bị hư hỏng nặng. Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản tại 3 xã vùng biển: Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam bị mất trắng. Ước thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng. Tính đến sáng nay, học sinh tất cả các trường học trên địa bàn huyện vẫn đang nghỉ học. Huyện Lệ Thủy có một người dân ở bản Khe Khế, xã Kim Thủy chết do bị nhà sập đè lên người.
Đăng Đức / Dân Trí