Những động vật “nổi tiếng” trong lịch sử nhân loại
Động vật không chỉ đóng vai trò quan trọng trong thiên nhiên, với con người mà còn là những người bạn, đồng nghiệp thân thiết. Lịch sử thế giới đã ghi nhận nhiều “người bạn” đặc biệt với những điều đáng trân trọng mà chúng đã làm cho chúng ta. Dưới đây là ba cái tên nổi bật trong số đó…
1. Bồ câu đưa thư Cher Ami
Cái tên Cher Ami theo nghĩa tiếng Việt là người bạn thân – là một trong những chú chim bồ câu đưa thư được quân Hiệp Ước sử dụng trong Chiến tranh thế giới I.
Tại thời điểm đó, hệ thống thông tin liên lạc chưa được phát triển và ứng dụng rộng rãi nên việc truyền tin rất khó khăn. Việc thông tin trong chiến tranh rất quan trọng nhưng phương pháp điện tín còn hạn chế, buộc lòng quân đội phải sử dụng thêm phương pháp cổ điển là bồ câu đưa thư.
Những chú chim bồ câu không chỉ có nhiệm vụ đưa thư mà còn có thể do thám.
Cher Ami là một trong số 600 con chim bồ câu đã được huấn luyện và chuyển giao cho đơn vị Signal Corps của Mỹ chiến đấu ở Pháp. Trong suốt cuộc đời phục vụ quân đội của mình, Cher Ami đã 12 lần hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào thắng lợi của phe Hiệp Ước.
Nhiệm vụ nổi tiếng nhất của Cher Ami cũng là nhiệm vụ cuối cùng vào ngày 3/10/1918. Hơn 500 binh sĩ của quân đội Mỹ mắc kẹt trên một sườn đồi, xung quanh đã bị quân địch bủa vây.
Bức ảnh mô tả chiến tích của chú chim Cher Ami.
Sau ngày đầu tiên, nhiều người đã thiệt mạng do bị thương và đói khát. Đến ngày thứ 2, chỉ còn hơn 200 người sống sót. Chỉ huy Whittlesey đã gửi đi vài con chim bồ câu để gọi viện trợ. Thật không may, những con chim bay đi đều bị quân đội Đức bắn rơi, chỉ còn lại con chim bồ câu cuối cùng là Cher Ami.
Vượt qua trận mưa đạn của quân lính Đức, Cher Ami đã về đến đích cách đó 40km chỉ sau 65 phút, nhưng chú lại bị thương rất nặng. Cher Ami bị bắn xuyên qua ngực, mù một mắt, một chân gần như đứt lìa và máu me đầy mình, nhưng Cher Ami vẫn cố gắng bay về trại. Không lâu sau khi Cher Ami hoàn thành nhiệm vụ, những binh lính Mỹ mắc kẹt đã được cứu thoát.
Hình ảnh chú chim anh dũng Cher Ami.
Với kì tích đó, Cher Ami trở thành anh hùng của Sư đoàn bộ binh 77. Quân Y đã phải rất vất vả mới cứu mạng được chú chim anh dũng, họ phải khâu lại rất nhiều vết thương và thay cho nó một cái chân gỗ . Cher Ami tiếp tục sống đến ngày 13/6/1919 thì qua đời ở New Jersey.
Khi trở về Hoa Kỳ sau cuộc chiến, Cher Ami trở thành linh vật của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Chú chim này còn được trao tặng huân chương Croix de Guerre cho hành động dũng cảm đã cứu sống gần 200 mạng người của mình.
2. Chó Laika
Laika sinh vào năm 1954 thuộc giống chó cái và có tên gốc là Kudryavka. Laika đã đi vào lịch sử khi là sinh vật đầu tiên được đưa lên vũ trụ và bay vòng quanh Trái đất.
Sau phóng thành công vệ tinh Sputnik 1, mở đường cho việc khám phá vũ trụ bao la, Liên Xô quyết tâm phóng thêm một chiếc Spunik nữa để kỉ niệm 40 Cách mạng Tháng 10 Nga, cũng như nghiên cứu sâu hơn môi trường bên ngoài Trái đất.
Hình ảnh Laika trong thời gian huấn luyện.
Một số nhà khoa học tin rằng, con người có thể sống sót bên ngoài không gian nên đã quyết định thử nghiệm bằng cách đưa một sinh vật sống lên tàu vũ trụ. Và chó là loài động vật được chọn.
Năm đó Laika 3 tuổi, nặng 16kg và có những tố chất cần thiết nên đã trở thành 1 trong 3 “phi hành gia” được huấn luyện để thực hiện nhiệm vụ cao cả. Laika cùng Albina và Mushka phải trải qua nhiều cuộc thử nghiệm và tập luyện gắt gao để thích nghi với điều kiện sống trên tàu vũ trụ. Cuối cùng, Laika được chọn để lên đường bay vào không gian.
Laika trước thời điểm phóng lên vũ trụ.
Ngày 3/11/1957, Laika sau khi được tắm rửa sạch sẽ và gắn các thiết bị theo dõi chức năng cơ thể đã lên con tàu vũ trụ Sputnik bay lên quỹ đạo Trái đất. 6 ngày sau, tàu Sputnik hoàn toàn mất liên lạc, các thông tin do Cơ quan nghiên cứu Vũ trụ Liên Xô cung cấp vào thời điểm đó đã cho thấy, Laika sống đến được ngày thứ 4 của chuyến du hành.
Để tưởng nhớ “anh hùng Laika”, nhiều nước đã phát hành những bộ tem kỉ niệm và bưu thiếp có in hình Laika rất đáng yêu.
Không lâu sau khi được phóng đi, các nhà khoa học Liên Xô đã thừa nhận rằng, chuyến bay mang theo Laika đã được tính trước là một chuyến bay cảm tử, nghĩa là số mệnh của Laika cũng đã được định sẵn – Laika phải hy sinh. Sau 163 ngày bay, ngày 14/4/1958, Sputnik 2 đã rực cháy khi trở về Trái đất.
Mặc dù không sống sót trở về, nhưng sự hy sinh cao cả của Laika không hề uổng phí, bởi nó đã chứng minh được rằng, sinh vật có thể tồn tại trong tình trạng không trọng lực ngoài không gian.
Tượng đài tưởng nhớ Laika được dựng vào năm 2008.
50 năm sau ngày Laika được hỏa thiêu trong khí quyển của Trái đất, người Nga đã dựng một tượng đài tưởng niệm Laika tại Viện Quân Y ở Moskva – nơi mà Laika đã tập luyện để thực hiện nhiệm vụ.
3. Cừu Dolly
Cừu Dolly ra đời vào ngày 5/7/1996, là động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính trên thế giới. Dolly được tạo ra bởi Ian Wilmut, Keith Campbell và các cộng sự tại viện Roslin ở Scotland. Dưới sự tài trợ của chính phủ Anh, viện Roslin đã bắt tay nghiên cứu việc nhân bản nhờ sử dụng công nghệ chuyển nhân tế bào soma.
Quá trình tạo ra Dolly.
Tính ra, Dolly có đến ba người mẹ. Cừu mẹ giống Finnish Dorset cho nhân tế bào, sau đó, tế bào được được chuyển sang một noãn bào chưa được thụ tinh của giống Blackface. Tế bào đó được kích thích phân chia bằng phương pháp sốc điện và phát triển thành phôi bào, khi đó nó được đem cấy vào tử cung của con cừu mẹ thứ ba.
Sau một thời gian mang thai, mẹ thứ ba đã sinh ra Dolly khỏe mạnh bình thường, Dolly giống hệt mẹ Finnish Dorset về cả tính tình lẫn hình dáng.
Cừu Dolly và đứa con của mình.
Dolly ra đời và sống bình thường đã cho thấy, những tế bào soma đã biệt hóa và trưởng thành từ cơ thể động vật dưới một số điều kiện nhất định. Chúng có thể chuyển thành những dạng toàn năng chưa biệt hóa và sau đó phát triển thành những bộ phận của cơ thể con vật. Đó là một bước đột phá lớn trong sinh học di truyền.
Sau khi mất, xác của Dolly được nhồi bông và trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Scotland.
Dolly sống cả đời trong viện Roslin, trải qua ba lần sinh nở và có sáu đứa con. Vào ngày 14/2/2003, cừu Dolly đã có một “cái chết êm ái” sau khi được tiêm một mũi tiêm nhằm giúp Dolly thoát khỏi cảnh bị căn bệnh ung thư phổi nghiêm trọng hành hạ.
(kenh14.vn)