Phát hiện dấu hiệu sự sống ở Nam Cực
Tại một nơi có khí hậu khắc nghiệt như Nam Cực, các nhà nghiên cứu vừa tìm thấy dấu hiệu của sự sống dưới đáy các hồ băng ở nơi đây.
Ảnh chụp Nam Cực từ vệ tinh.
Mới đây các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết của sự sống trong mẫu bùn được lấy từ đáy một hồ nước dưới mặt băng ở Nam Cực. Nhóm các nhà khoa học thuộc viện Nghiên cứu Nam cực của Anh và các viện nghiên cứu khác đã khoan qua lớp băng để lấy các mẫu từ lớp trầm tích sạch dưới đáy hồ Hodgson ở độ sâu 93m. Việc nghiên cứu các vi sinh vật trong điều kiện khắc nghiệt và tách biệt như vậy có thể giúp chúng ta hiểu cách sự sống tồn tại ở những nơi khắc nghiệt nhất trên Trái đất và có thể là cả ở những hành tinh khác.
Nhóm các nhà nghiên cứu đã cho khoan qua lớp băng ở hồ Hodgson để tìm kiếm các vi sinh vật có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt ở Nam Cực.
Ngày nay, hồ nước này được bao phủ bởi một lớp băng mỏng chỉ dày 3-4m, nhưng hàng nghìn năm trước nó bị chôn sâu dưới lớp băng dày hơn 500m. Lớp trầm tích mà các nhà khoa học nghiên cứu được hình thành khi hồ nước bị băng bao phủ. Theo ông David Pearce, tác giả của nghiên cứu thuộc đai học Northumbria thì đây là lần đầu tiên một mẫu trầm tích dưới băng được nghiên cứu. Và trong mẫu trầm tích này, các nhà nghiên cứu đã tìm được các mẫu sinh vật có tuổi thọ gần 100 nghìn năm. Việc hiểu được lí do các vi sinh vật cũng như các dạng sống khác có thể tồn tại trong những nơi lạnh lẽo, tối tăm và thiếu dinh dưỡng dưới lớp băng dày sẽ giúp các nhà nghiên cứu biết thêm về nguồn gốc sự sống trên Trái đất và khả năng về sự sống trên các hành tinh khác, như mặt trăng Europa của sao Mộc.
Hiện có rất nhiều nhóm nghiên cứu đang cùng nhau thu thập các mẫu vật từ gần 380 hồ băng ở Nam Cực. Họ vừa tìm thấy các dấu hiệu của vi khuẩn sống ở hồ Whillans, nằm sâu 800m dưới lớp băng phía Tây. Ngoài ra một nhóm các nhà khoa học Nga đang phân tích mẫu nước thu thập ở hồ Vostok, nằm ở độ sâu 3km dưới lớp băng và chưa hề được lộ ra trong 14 triệu năm. Tuy nhiên vẫn cần tiến hành rất nhiều nghiên cứu khác bởi các nhà khoa học cho rằng có rất nhiều loài sinh vật sống trong hệ sinh thái tách biệt này là xa lạ với những gì mà con người từng biết đến.
Nguồn: Dân Trí