Chính trường Malaysia sẽ diễn biến ra sao sau biểu tình?
Theo đánh giá của các nhà phân tích, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhiều khả năng sẽ phải hoãn lại lời kêu gọi bầu cử sớm và tái xem xét các cải cách kinh tế để củng cố sự hậu thuẫn sau cuộc biểu tình bất thường ghi đậm sức mạnh đang tăng lên của phe đối lập vừa qua.
Đây là cuộc biểu tình phản đối chính phủ lớn nhất ở Malaysia kể từ năm 2007 và đã diễn ra bất chấp sự hiện diện của đông đảo cảnh sát sử dụng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông. Hơn 1.400 người đã bị tạm giữ.
Thủ tướng Malaysia tại Đối thoại Shangri-La, Singapore 2011. |
Bầu cử sẽ diễn ra sớm hay muộn?
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2009, nhờ những cam kết cải cách chính trị và kinh tế, tỷ lệ phiếu ủng hộ Thủ tưởng Najib đã tăng từ 45% lên 69% trong tháng Hai năm nay.
Kết quả này cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Malaysia khiến người ta phỏng đoán rằng Thủ tướng Najib có thể sẽ kêu gọi bầu cử sớm vào năm nay mặc dù theo kế hoạch phải tới giữa 2013 các cuộc bầu cử mới diễn ra.
Bất chấp tác động từ cuộc biểu tình, các cuộc bầu cử quốc gia cũng sẽ không được tổ chức trước khi Thủ tướng Najib đệ trình một ngân sách “tiền bầu cử” vào ngày 7/10 cùng những giải pháp xoa dịu các cử tri nắm phiếu bầu mà nhiều khả năng sẽ được triệu tập trong năm tới.
Thủ tướng Najib và phe đối lập: được và mất
Tình huống sáng sủa nhất mà Liên minh mặt trận quốc gia cầm quyền có thể mong đợi là lại giành được đa số 2/3 trong quốc hội và kiểm soát được ít nhất 2 trong số 5 bang đã bị mất vào phe đối lập trong cuộc bầu cử năm 2008.
Một sự ủy trị mạnh mẽ sẽ cho Thủ tướng Najib thêm động lực mới theo đuổi các cải cách kinh tế đã cam kết. Tuy nhiên để đạt được điều đó, Thủ tướng Najib sẽ cần phải xử lý rất hiệu quả tác động của cuộc biểu tình hôm thứ Bảy vừa qua.
Đáng ra ông có thể lựa chọn cách tiếp cận hòa giải hơn nhưng lại chọn một quan điểm cứng rắn khi nói với các đảng viên và những người ủng hộ hôm thứ Bảy rằng Mặt trận quốc gia không sợ đối diện với phe đối lập trong các cuộc bầu cử tới.
Chọn lựa một chiến lược cứng rắn chống lại phe đối lập sẽ tăng cường thêm vị thế cho Thủ tướng Najib như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ trong liên minh nhưng lại bộc lộ thêm rủi ro phân tán cử tri.
Liên minh nhân dân đối lập đã bị thất thế trong các cuộc bầu cử trước nhưng đang đấu tranh giành thêm đà trong cuộc đua lần này.
Lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahi bị dính líu vào một cuộc chiến pháp lý kéo dài liên quan đến cáo buộc đồng tính mà ông cho rằng đó là một âm mưu chính trị nhằm ngăn cản liên minh của ông giành lại quyền lực.
Liên minh đối lập ba đảng này, gồm những người hồi giáo, những người thế tục và các nhà cải cách đô thị, đang đấu tranh tìm tiếng nói chung trong một số vấn đề, gồm cả việc thực thi luật Hồi giáo ở Malaysia.
Vụ biểu tình hôm thứ Bảy chủ yếu bao gồm các đảng viên của phe đối lập mà không huy động được phần lớn dân thường Malaysia, không giống như các vụ biểu tình năm 1998 diễn ra sau khi ông Anwar bị cách chức phó thủ tướng, kéo theo sự ra đời phong trào cải cách ở Malaysia.
Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng thực tế với hơn 10.000 người phản đối bất chấp những cảnh báo của cảnh sát nhiều tuần nay và việc vượt qua được hàng rào đóng cửa thủ đô cho thấy một tín hiệu không vui chống lại liên minh cầm quyền.
Điều gì sẽ xảy ra với các cải cách kinh tế?
Nhiều khả năng thủ tướng Najib sẽ phải hoãn lại các chương trình cải cách, dù tổn thất về chính trị nhưng thiết yếu về kinh tế, như thi hành thuế dịch vụ và hàng hóa đồng thời cắt giảm hơn nữa các trợ cấp nhiêu liệu để tránh xảy ra thêm phản ứng giận dữ của cử tri.
Chính phủ cũng sẽ phải cẩn trọng trước sự tức giận của công chúng với mức giá cả tăng cao nhằm tránh mất uy tín thêm sau hoạt động ảm đạm từ cuộc tổng tuyển cử 2008.
Vào tháng Năm, liên minh cầm quyền đã tăng giá điện lên trung bình 7,1% trong khi đó vẫn còn phải tiếp tục đối diện vấn đề mang tính nhạy cảm chính trị nhiều hơn là trợ giá nhiên liệu mà các nhà kinh tế cho rằng sẽ làm cho giá lương thực và vận tải gia tăng.
Minh Phạm (Theo Reuters-bee.net)