Du học thạc sĩ ngành xây dựng về làm nhập liệu, chạy grap sống qua ngày
Anh Phạm Quốc Thái Là một trong 6 người được chọn đưa đi Mỹ học thạc sĩ theo đề án đô thị thông minh, sau khi tốt nghiệp loại giỏi trở về nước, anh được phân công làm… rà soát hồ sơ, nhập liệu với mức lương hơn 2 triệu đồng mỗi tháng.
Từng học kỹ sư tài năng ngành kỹ thuật xây dựng của Trường Đại học (ĐH) Bách khoa TP.HCM. Tốt nghiệp ĐH năm 2017, anh Phạm Quốc Thái về làm cho một công ty của Mỹ với mức lương 12 triệu đồng/tháng.
Tháng 4/2017, TP.HCM đã phối hợp cùng Công ty Intel Products VN (gọi tắt là Intel) thông qua ĐH Arizona (Mỹ) tìm kiếm, đào tạo nhân sự cho các chương trình đô thị thông minh mà TP.HCM xúc tiến, anh đã gửi hồ sơ ứng tuyển tới đại diện ĐH Arizona tại VN vì muốn đóng góp một phần nhỏ công sức của mình cho đất nước.
Tháng 7/2017, anh Thái cùng 5 ứng viên nữa nhận học bổng chương trình thạc sĩ tại ĐH Arizona thời gian 1 năm. Chi phí học hành, sinh hoạt ở Mỹ khoảng 65.000 USD (gần 1,5 tỉ đồng) đều do Intel tài trợ với điều kiện sau khi học xong, ứng viên sẽ làm việc cho các dự án nằm trong đề án thành phố thông minh của TP.HCM ít nhất 3 năm.
Cũng trong thời điểm này, anh Thái còn nhận được học bổng học thạc sĩ đúng chuyên ngành xây dựng ở Ý trong vòng 2 năm do chính phủ Ý tài trợ 100% mà mình ao ước bấy lâu bởi ngoài việc tài trợ học phí, chi phí sinh hoạt, mỗi năm học viên sẽ được cấp hơn 8.000 euro (hơn 200 triệu đồng).
Ngoài ra, sau khi ra trường, người nhận học bổng này sẽ được lựa chọn làm việc tại 3 công ty hàng đầu của Ý. Tuy nhiên, vì muốn được cống hiến cho nước nhà, cuối cùng anh Thái đã chọn học bổng của Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ loại giỏi chuyên ngành kỹ thuật xây dựng trở về nước, tháng 11/2018, anh Thái được phân công về Phòng Quản lý chất lượng thực phẩm của Ban Quản lý ATTP TP.HCM với mức lương gần 2,8 triệu đồng mỗi tháng.
Video: Thạc sĩ ở Mỹ về phải chạy thêm Grab vì nhà nước chỉ trả lương 2.8 triệu (Nguồn: Saigon Entertainment Television)
Công việc hằng ngày của anh là nhận tờ khai của doanh nghiệp thực phẩm nộp vào, kiểm tra việc điền thông tin về truy xuất nguồn gốc có khớp không, nếu không khớp sẽ hướng dẫn điền cho đúng.
Anh Thái chia sẻ: “Công việc giống như lao động phổ thông mà một người trình độ lớp 9 cũng có thể làm được. Điều tôi bức xúc đó là việc tôi học về kỹ thuật xây dựng công trình nhưng lại phân về quản lý thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thịt heo – một lĩnh vực mà tôi không hề có kiến thức gì cả”.
Anh cũng cho biết đã nhiều lần ý kiến lên trên nhưng vẫn không được phản hồi. Với mức lương hàng tháng quá ít ỏi, không đủ để thuê 1 căn trọ bình thường ở Sài Gòn ngoài việc dè sẻn chi tiêu, anh Thái phải xin tiền nhà, cuối tuần làm thêm ở Tây Ninh và xin đi chạy grap vào ban đêm để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Mỗi đêm anh Thái cố gắng kiếm khoảng 100.000 – 150.000 đồng rồi ‘đóng máy’ về phòng trọ.
Thực tế thì đây không phải lần đầu câu chuyện cử nhân, thạc sĩ phải chạy xe ôm kiếm sống được nhắc đến, thế nhưng câu chuyện của anh Thái vẫn thu hút sự chú ý của rất nhiều độc giả.
Nhiều người đã vô cùng ngạc nhiên khi biết đến trường hợp của anh Thái, vì học một đằng, phân công một nẻo, và mức lương quá thấp.
Bạn Tèo Trần (Bình Dương) cho rằng: “Bố trí công việc trái chuyên môn và mức lương như thế thì làm sao mà không nản lòng được chứ?”.
Bạn Vo Thai (TP.HCM) thì nhận định, đồng ý dù có nền tảng kiến thức thế nào cũng cần phải nỗ lực cố gắng mới khẳng định được mình, nhưng phải bố trí họ vào một vị trí thích hợp với chuyên môn thì mới phát huy được. Học kỹ thuật về làm văn thư là đang triệt tiêu kiến thức của người ta.
Riêng Nick name Alain Tran chia sẻ rằng ở góc độ giáo dục, thạc sĩ làm xe ôm là lãng phí nhân lực. Và ở góc độ bản thân, công việc này thể hiện sự kém cỏi của chính những người đã dành 18 năm ấp ủ, cố gắng, miệt mài học tập, cộng thêm tiền của của gia đình để có được tấm bằng thạc sĩ.
Nhiều BĐ đồng tình cho rằng trường hợp của anh Thái là lãng phí nhân tài. BĐ Nguyễn Nhật (Đà Nẵng) cho rằng: “Vấn đề là cách dùng người. Trong khi TP đang tìm người làm đề án TP thông minh thì người được cử đi học đúng chuyên môn về lại cho làm nhập liệu”.
Trước thực trạng này, nhiều kỹ sư, thạc sĩ còn bỏ hẳn chuyên ngành của mình để đi chạy xe ôm kiếm sống qua ngày dù vẫn rất muốn được 1 lần cống hiến cho nước nhà.
Trước đó, một kỹ sư và một thạc sĩ kinh tế tham gia trả lời phỏng vấn trong bản tin ‘Tạp chí kinh tế cuối năm 2017’, phát sóng trên kênh VTV1 vào ngày 17/2 chia sẻ câu chuyện chạy xe ôm công nghệ của bản thân.
Chàng kỹ sư trẻ tuổi cho hay, anh tốt nghiệp đại học đã 2 năm nhưng không tìm được việc làm ưng ý nên chạy xe ôm công nghệ mưu sinh. Mỗi tháng, anh kiếm được 8 triệu đồng trong khi không nhất thiết phải làm toàn thời gian trong ngày.
Còn chàng thạc sĩ kinh thế thì chia sẻ, anh vẫn làm công việc chuyên ngành tại công ty nhưng ngoài giờ chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập, nuôi sống bản thân và gia đình.
Vũ Tuấn (t/h)