Cha con ‘người rừng’ hé lộ cách sinh tồn giữa đại ngàn
Nhắc về cuộc sống ở rừng sâu, anh Lang cầm bút vẽ nguệch ngoạc một số loài thú mà mình từng gặp. Chế cung tên bắn chim, lấy thân lồ ô kẹp bắt rắn, bẫy đá gài bắt chuột… là cách họ mưu sinh suốt 40 năm qua.
Ông Hồ Văn Tri (con trai ông Thanh) cho biết, tối 23/8, cha đang ngủ bỗng ngồi bật dậy nói thật to bảo anh Lang bằng tiếng Cor “Bit dop ka zá, Ka di hơi” (ngủ làm gì, thức dậy đi vào rừng thôi). Lang giật mình thức dậy, ngơ ngác đáp “Le é sac” (không biết đường nào vào rừng).
Hai tuần trở về từ rừng sâu, ông Hồ Văn Thanh vẫn quay quắt nhớ cuộc sống hoang dã |
Sau hai tuần trở về từ rừng sâu, Lang bắt đầu trò chuyện nhiều hơn về cuộc sống hoang dã của hai cha con suốt 40 năm qua, trong đó hấp dẫn nhất vẫn là những vũ khí, bẫy thô sơ dùng để săn bắt thú.
Lang kể, cha con họ vào rừng tìm nứa, lồ ô, dây mây rừng làm dụng cụ bờ nen (cung tên) săn bắt chim. Họ dùng chà rả, có nghĩa là thân lồ ô chẻ đôi để kẹp đầu bắt con trăn, con rắn; dùng lúp (bẫy đá) treo lủng lẳng trên cao, mồi nhử là củ mì dưới vực, khi con nhím hay chuột vào ăn động đậy là bị đá trên cao rơi xuống đè.
Ngoài ra, cha con anh Lang còn dùng vũ khí Sroc (giáo, mác) được làm từ những mảnh bom mài trên đá núi sắc nhọn gắn trên đầu các cây nứa dài hơn 1 m để săn loài heo rừng hung dữ.
“Muốn bắt được heo rừng, phải đào hố sâu, che lá rừng lên trên, bên trong cài bẫy chông bằng nứa vót nhọn. Khi heo rừng sa trúng chông, hai cha con tôi dùng giáo mác phóng nó rồi khiêng về”, anh Lang hồ hởi kể.
Thú rừng sau khi săn bắt được mang về bên con suối dưới căn chòi lá để làm thịt, quả mật để riêng phơi khô rồi gói lá dong để giành làm thuốc uống. Trên rẫy gần căn chòi có các loại củ xả, riềng, nghệ dùng làm gia vị ướp thịt thú rừng trước khi cho vào nồi nhôm nấu. Lang cầm hai viên đá đập mạnh vào nhau, tia lửa xẹt ra bén vào bùi nhùi (cạo từ vỏ cây đủng đỉnh trong rừng) thành mồi lửa sáng rực giữa rừng sâu.
Vào mùa đông, bếp lửa của hai cha con “người rừng” âm ỉ cháy mãi không bao giờ tắt. Lang lý giải, nhờ cây ơ pau got (cây đá rừng) cháy suốt 3 ngày. Đoạn này cháy hết lại đưa khúc cây đá khác vào bếp để giữ lửa sưởi ấm cho căn chòi lá trên cao. Ngoài ra, hai cha con ông Thanh còn đập thân cây rừng (loại cây gỗ xơ) to bằng cổ tay người lớn vào tảng đá núi rã ra thành sợi, sau đó mang đem ngâm dưới suối vài ngày rồi phơi khô, bện làm áo, khố mặc giữ ấm cho cơ thể vào lúc giá rét.
Suốt mấy chục năm, hai cha con anh sống trên cây cao là để tránh thú dữ tấn công, nhưng chủ yếu là để tránh Kamot “con ma rừng”.
Tái hiện ký ức cuộc sống ở rừng sâu, Hồ Văn Lang vẽ nguệch ngoạc hình các loài chim, thú mình đã từng gặp trong 40 năm sống hoang dã |
Thông qua “người phiên dịch” ngôn ngữ Cor là anh Tri, Lang còn tiết lộ nhiều bí mật như ông Thanh đã truyền nghề rèn làm vũ khí săn bắn thú, dụng cụ sản xuất cho anh. Lang liệt kê, dùng “măm”(mảnh bom) nhặt trên rẫy tự mài làm rìu, giáo, mác để đốn củi, săn bắt, bảo vệ tính mạng khi bị thú dữ tấn công.
Lang còn tự làm dụng cụ “SDáy” để bảo vệ khu rẫy. Một khúc tre lồ ô gồm hai lóng to được xỏ ngang bằng một khúc cây để nghiêng bên suối. Một đầu ống tre hứng vào vòi nước, đầu kia đặt vào một tảng đá. Khi nước đổ đầy ống tre phía trên, sức nặng của nước khiến ống tre mất cân bằng, chúc xuống để trút nước. Sau khi trút cạn, quán tính làm đầu kia của thanh tre đập vào tảng đá phát ra tiếng kêu như ai đập mạnh ống tre vào khối đá phát ra tiếng “lách cách”.
Ngoài ra, hai cha con anh còn trồng nhiều loại cây mai gan quí dùng chữa bệnh hay chữa lành vết thương mỗi khi gặp nạn. Lang liệt kê, có ba loại cây magan trồng trên rẫy để chữa bệnh, đó là Pogocdot, Tà Rầy, Shớt dùng để bó, đắp mau chữa lành vết thương. “Trong một lần đi rừng, ông già (ông Thanh) vướng phải cây rừng bị thương. Nhờ củ ma gan giã nát đắp cầm máu cho vết thương bớt đau, sau đó con mắt ông già bị mù”, Lang nhớ lại.
Vừa kể chuyện, Lang vừa cầm bút vẽ nguệch ngoạc trên mảnh giấy một số hình loài thú mà mình từng gặp, săn bắt trước đó. Lang chỉ vào từng hình vẽ nói từng chữ, cụm từ bằng ngôn ngữ đồng bào Cor gồm Ship (chim), Ốcane (chuột), Póló (rắn), Ó đót (con khỉ), Ố so Cà ê (con heo rừng). Lang bảo chưa từng gặp hổ, báo đi qua khu rừng mình đã sinh sống.
Giáo, mác được làm từ mảnh bom nhặt trên rẫy, vũ khí dùng đi săn heo rừng của hai cha con “người rừng” |
Hiện sức khỏe của anh Lang đang dần hồi phục, có thể xuất viện, riêng ông Thanh còn tiếp tục theo dõi, điều trị ở Trung tâm y tế huyện Tây Trà trong tâm trạng vẫn bồn chồn nhớ rừng sâu quay quắt.
Trao đổi với PV, ông Trương Ngọc Đông, Chủ tịch UBND xã Trà Phong cho biết, từ các nguồn hỗ trợ của Quân khu 5, tỉnh, huyện (gần 100 triệu đồng), chính quyền địa phương quyết định xây nhà ở cho hai cha con ông Thanh theo mô hình nhà gạch xây ba phòng và một gian bếp. Xã cũng đo đạc, xem xét cấp khoảng 1 ha đất rẫy, sau khi hồi phục sức khỏe, hai cha con ông Thanh vừa có chỗ ở ổn định vừa có đất đai để sản xuất, làm ăn sinh sống.
“Cha con ông Thanh đã nhập hộ khẩu vào chung gia đình anh Tri ở thôn Trà Nga. Họ cũng được cấp chứng minh và thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh người nghèo”, ông Đông cho biết thêm.
Liên quan đến chuyện ông Hồ Minh Lâm (cháu ruột ông Thanh) khẳng định đã đốt căn chòi lá của hai cha con “người rừng”, huyện Tây Trà đã cử đoàn công tác xã Trà Phong vào tận rừng sâu xác minh, sự thật là hai căn chòi lá của cha con ông Thanh vẫn còn nguyên vẹn.
Ông Đông nói, ông Lâm thừa nhận đã tung tin đốt hai căn chòi lá của cha con ông Thanh do bực tức nhất thời; đồng thời cam kết với chính quyền địa phương không lặp lại hành vi này. Về việc “vòi tiền” nhà báo, ông Lâm cho rằng mình đòi “tiền công” dẫn đi vào rừng là đúng, sở dĩ nâng giá cao vài triệu là do bực tức việc một số người bảo mình lấy người nhà ra kinh doanh trước đó.
Theo Trí Tín/VNE (vtc.vn)