Trung Quốc bị “tố” khai man GDP 1.000 tỷ USD
Những con số được công bố không trung thực một cách có chủ ý đã khiến quy mô nền kinh tế của Trung Quốc bị “thổi phồng” một cách giả tạo, với khoảng 1.000 tỷ USD bị cho là con số ảo.
Trong vòng 11 năm, giá nhà đất tại đô thị của Trung Quốc tăng dưới 10% là điều bất hợp lý
Từ lâu các số liệu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới luôn bị không ít nhà phân tích nghi ngờ. Tuy nhiên bản báo cáo mới nhất của trường kinh doanh HSBC, đại học Peking đã thử định lượng cụ thể mức độ sai lệch. Theo đó có khoảng 1000 tỷ USD trong GDP của Trung Quốc bị cho là “ảo”.
“Có những bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng tốc độ tăng trưởng GDP thực sự và con số GDP thật của nước này có thể đã bị thổi phồng đáng kể”, Christopher Balding, phó giáo sư tại trường kinh doanh HSBC, đại học Peking, tác giả của bản báo cáo khẳng định.
Thông qua “những sự bất thường một cách có hệ thống và đáng kể”, các con số ước tính chính thức đã “thổi phồng” GDP thực của Trung Quốc từ 8% – 12%, tương đương 1000 tỷ USD, ông Balding nói.
Để đưa ra kết luận này, ông đã nghiên cứu các dữ liệu về kinh tế Trung Quốc trong 11 năm, từ 2000 đến 2011 và nhận thấy các con số về lạm phát bị khai man nhằm thay đổi các thông số khác, như GDP và thu nhập khả dụng.
“Nếu dữ liệu về lạm phát không chính xác, hoặc bị gian lận một cách có chủ ý, như đã thấy trong trường hợp này, nó sẽ ảnh hưởng tới nhiều dữ liệu khác của ngành tài chính và kinh tế, tạo ra một sự sai lệch lớn theo thời gian”, ông Balding nói tiếp. “Thật khó chấp nhận khi một cơ quan thống kê lại rõ ràng thao túng và đưa ra những dữ liệu giả mạo một cách trắng trợn”.
Cụ thể, bản báo cáo đã tập trung nghiên cứu dữ liệu về lạm phát giá nhà ở, một trong những thành phần lớn nhất của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc. Nền kinh tế phát triển mạnh của nước này đã khiến người dân đổ xô từ nông thôn ra thành thị, khiến giá nhà tăng phi mã tại các khu vực được công nghiệp hóa.
Vậy nhưng các con số thống kê chính thức lại cho thấy giá nhà ở nông thôn tăng nhanh hơn khu vực thành thị, ông Balding chỉ rõ. Theo Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, giá nhà ở tư nhân ở nông thôn tăng 1,67% so với cùng kỳ năm trước, nhanh hơn 3 lần so với giá nhà tại đô thị, khi mức tăng ở đây chỉ trung bình là 0,53%.
Thêm vào đó, các số liệu thống kê chính thức cho thấy giá nhà ở tư nhân tại Trung Quốc tăng rất thấp, chỉ khoảng 8,14% trong vòng 11 năm nghiên cứu, cho dù thị trường nhà đất bùng nổ trong giai đoạn này và GDP danh nghĩa tăng gấp 5 lần.
“Việc khẳng định chỉ số giá nhà ở trong CPI tăng ít hơn 10% trong giai đoạn 2000 – 2011 không khác nào một trò hề”, ông Balding viết tiếp.
Đây không phải lần đầu tiên các nhà phân tích tỏ ra hoài nghi các con số chính thức của Trung Quốc. Qinwei Wang, nhà phân tích kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, khẳng định với kênh tin tức tài chính CNBC rằng sự lệch pha giữa con số GDP chính thức của Trung Quốc với các chỉ số được Capital Economics tự thu thập trở nên rõ ràng hơn trong năm 2012.
“Kể từ năm 2012, các chỉ số của chúng tôi cho thấy kinh tế Trung Quốc giảm tốc nhanh hơn con số chính thức. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP của nước này thấp hơn 1-2% so với công bố, chỉ đạt khoảng hơn 6%”, chuyên gia Wang cho biết.
Ông Balding bày tỏ hy vọng nghiên cứu của ông có thể làm thay đổi cách giới chức Trung Quốc xử lý các dữ liệu. “Tôi nghĩ rằng cá nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thực sự vật lộn với các con số. Tôi không nghĩ họ biết điều gì đang thực sự diễn ra trong nền kinh tế của mình. Hy vọng rằng bản báo cáo này sẽ khiến chính phủ Trung Quốc đưa ra những thống kê tốt hơn để biết rằng điều gì đang diễn ra với nước mình”.
Hồi tháng 6 vừa qua, cơ quan chức năng Trung Quốc đã phát hiện một loạt hoạt động làm giả hóa đơn xuất khẩu, được dùng để che giấu các dòng tiền. Và sau đó tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nước này trong tháng 5 được công bố chỉ còn tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, sụt mạnh từ mức 14,7% của tháng 4, và cũng thấp xa so với ước tính 7,4% được các chuyên gia Bloomberg dự báo.
Thanh Tùng Tổng hợp
Nguồn: Dân Trí