Dân Trung Quốc đang được trải nghiệm giao hàng bằng máy bay không người lái
Công ty DHL đã bắt đầu thử nghiệm việc giao hàng trọn gói ở miền nam Trung Quốc thông qua các thiết bị bay không cần người điều khiển.
Ý tưởng giao hàng bằng máy bay không người lái được đề xuất bởi Jeff Bezos, ông chủ Amazon. Tuy nhiên, vẫn còn phải chờ khá lâu cho tới lúc mọi người có thể được trông thấy một thiết bị bay như thế này lướt tới và đậu xuống cửa nhà mình. Tuy nhiên hiện nay đã có khá nhiều công ty trong lĩnh vực vận chuyển như Zipline, UPS và DHL tiến hành các thử nghiệm để biến ý tưởng này thành hiện thực.
Mới đây tại Trung Quốc, DHL đã bắt đầu thử nghiệm giao hàng trên không cho mục đích thương mại. Các máy bay không người lái sẽ vận chuyển các gói hàng có khối lượng lên tới 5 kg từ trung tâm dịch vụ DHL ở thành phố Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông tới các khu vực xung quanh trong phạm vi 8 km.
Những chiếc máy bay này được cung cấp bởi Ehang, một nhà sản xuất máy bay không người lái có tiếng chuyên phụ trách các chương trình biểu diễn sân khấu hoành tráng và phức tạp bằng các thiết bị tự động. Công ty này cũng đang nỗ lực chế tạo một phương tiện tự bay có thể chở hành khách là con người.
Tuy nhiên, những thiết bị bay này sẽ không hạ cánh trực tiếp trước sân nhà của từng khách hàng. Thay vào đó, nó sẽ di chuyển hàng giữa các khu vực đặt tủ khóa thông minh, nhặt và thả các gói hàng tại đó. Sau đấy, các nhân viên của DHL sẽ mang chúng tới tay khách hàng. Cách tiếp cận này dường như mang tính thực tiễn và hiệu quả cao hơn, nhất là với các khu vực mà người dân sống tập trung như trong các tòa nhà chung cư.
Quá trình giao hàng này nhanh và tốt hơn so với cách giao hàng trên mặt đất. DHL cho biết họ có thể cắt giảm thời gian giao hàng từ 40 phút xuống chỉ còn 8 phút bằng máy bay không người lái. Công ty cũng đang tìm cách triển khai các lộ trình giao hàng mới.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi này cũng vấp phải nhiều khó khăn. Đầu tiên là những thiết bị bay chỉ có thể hoạt động trong phạm vi giới hạn bởi thời lượng pin thấp. Ví dụ như dòng máy bay không người lái Mavic 2 mới nhất của DJI cũng chỉ có thể hoạt động hơn 30 phút cho mỗi lần sạc. Điều đó có nghĩa là trừ khi tuổi thọ pin được cải thiện, các công ty sẽ phải tổ chức nhiều trạm dịch vụ trong các khu vực cần quản lý.
Thách thức tiếp theo là sự an toàn. Không ai muốn một chiếc drone rơi xuống người dân hoặc nhà của họ. Điều đó có thể ít xảy ra hơn ở khu vực nông thôn, nhưng khó hơn nhiều ở các khu vực đô thị đông đúc nơi luôn chật cứng người đi bộ, các tòa nhà và đường dây điện.
Tiếng ồn là một mối quan tâm khác. Như bất cứ ai từng sở hữu thiết bị bay không người lái đều biết, những cánh quạt của chúng gây ra tiếng ồn rất to khi hoạt động.
DHL cho biết các chuyến bay được thực hiện hoàn toàn tự động và có hệ thống theo dõi qua tín hiệu GPS. Ehang cũng cho biết dự án đã được chấp thuận bởi các cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc.
Google cũng có một công ty “anh em” đang thực hiện ý tưởng tương tự, mang tên Wing. Hồi tháng 4, công ty này đã được cấp phép để ra mắt dịch vụ giao hàng tại Canberra, Australia dành cho các doanh nghiệp địa phương như quán cà phê và hiệu thuốc. Còn ở Mỹ, Wing cũng nhận được sự chấp thuận của chính phủ để bắt đầu giao các gói hàng nhỏ ở vùng nông thôn Virginia.
Còn Amazon? Đáng tiếc rằng dự án Prime Air đã không được triển khai một cách nhanh chóng và rầm rộ như kỳ vọng. Công ty đã thử nghiệm một vài phiên bản trong những năm qua, tuy nhiên các thông tin hé lộ cho thấy dự án vẫn đang được phát triển chứ chưa có dấu hiệu hoàn thiện.
Tham khảo Abacus News