Ảnh phim cấp 3 bị đăng tải thành… thi án tử hình
Ngày 6/8 vừa qua, hai tờ báo hàng đầu Trung Quốc đã bị “ê mặt” khi cho đăng tải chùm ảnh được cho là chụp lại một cuộc thi hành án tử hình ở Mỹ. Tuy vậy, thực tế, những bức hình này là những cảnh quay cắt ra từ một bộ phim… cấp 3.
Hãng tin hàng đầu Trung Quốc, được coi như cơ quan ngôn luận chính thống của Chính phủ Trung Quốc – tờ Tân Hoa (Xinhua) đã đăng tải những bức hình này lên trang mạng của mình và đinh ninh khẳng định đây là những bức hình có thật.
Loạt ảnh mà Tân Hoa đăng lên gồm 38 bức khắc họa một người phụ nữ bị cột chặt trên ghế, sau đó bị một “bác sĩ” tiêm một ống xi-lanh chứa chất dung dịch màu đen vào tay phải.
Trang tin điện tử Tân Hoa, trực thuộc hãng tin của nhà nước Trung Quốc đã cho đăng tải những bức hình thực tế được cắt ra từ một bộ phim cấp 3.
Người phụ nữ trong ảnh sau khi bị tiêm, tỏ ra đang phải chịu nỗi đau đớn khủng khiếp.
Người phụ nữ bị nhầm là phạm nhân chịu án tử hình sau đó còn co giật vì đau đớn và phải đón nhận một cái chết từ từ, như thể tra tấn.
Tuy vậy, thực tế những bức ảnh này được chụp từ một bộ phim cấp 3 có tên “Lethal Injection” (Mũi tiêm chết người). Theo “kịch bản hài hước” mà tờ Hollywood Reporter của Mỹ nghĩ ra, rất có thể người thực hiện loạt ảnh này đã xem đoạn video ngắn cắt từ phim “Lethal Injection” trên YouTube và người này đã hoàn toàn tin vào nghĩa đen trong tiêu đề của đoạn video.
Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times), một tờ nhật báo có uy tín của Trung Quốc, cũng cho đăng tải loạt ảnh này với dòng giới thiệu – “Ảnh chụp tại cuộc thi hành án tử hình đối với phạm nhân nữ – phơi bày phần đen tối nhất của thế giới”.
Những bức ảnh này trước đây đã từng được tung lên mạng với lời giới thiệu bịp bợm rằng đây là những bức ảnh được chụp bởi một người chuyên làm nhiệm vụ thi hành án tử hình ở Mỹ có tên “Mark”.
Ngay sau khi những bức hình sai lệch này được đăng tải trên những trang tin lớn và uy tín của Trung Quốc như Tân Hoa và Thời báo Hoàn cầu, một blogger có tên Out Of My Face đã nhanh chóng phát hiện và lật tẩy nguồn gốc thật sự của những bức hình này.
Một Blogger có tên Out Of My Face đã nhanh chóng phát hiện ra sai sót này và đưa ra nguồn gốc thật sự của những bức hình trên. Ngay sau đó, cả hai bài đăng trên Tân Hoa và Thời báo Hoàn cầu đều bị xóa.
Việc đăng bài không kiểm chứng độ chân thực của thông tin đã khiến hai tờ báo lớn tại Trung Quốc phải “ê mặt” vì ngay sau đó, hàng loạt những trang tin lớn trên thế giới như Dailymail của Anh hay Huffington Post và Hollywood Reporter của Mỹ đều đưa tin về sai sót này.
Bích Ngọc Theo Dailymail & Hollywood Reporter
Nguồn: Dân Trí