Chủ tịch tập đoàn Huawei: ‘Cả gia đình tôi toàn dùng sản phẩm của Apple’
Hôm 21/5, nhà sáng lập và giám đốc điều hành gã khổng lồ Trung Quốc Huawei đã nói rằng, những thành viên trong gia đình ông đều dùng điện thoại Apple và còn thường mua máy tính hiệu Apple cho ông khi đi du lịch nước ngoài về.
“Rất nhiều thành viên trong gia đình nói với tôi rằng hệ sinh thái của Google tốt hơn của chúng ta“, ông Nhậm Chính Phi nói tại một buổi họp báo tổ chức tại trụ sở công ty ở Thẩm Quyến ngày 21/5.
Tháng 12 năm ngoái, con gái của ông Nhậm, Mạnh Vãn Châu, kiêm giám đốc tài chính tập đoàn cũng bị phát hiện mang theo một số sản phẩm của Apple, gồm một iPhone 7 Plus và một MacBook Air khi bà bị bắt theo yêu cầu của nhà chức trách Mỹ tại phi trường Vancouver, Canada.
Mặc dù vậy, một số nhân viên của Huawei bị trừng phạt vì sử dụng sản phẩm Apple trong quá khứ. Hồi đầu năm, 2 nhân viên Huawei đã bị hạ cấp và trừ 700 USD tiền lương vì gửi lời chúc mừng năm mới lên tài khoản Twitter của hãng bằng điện thoại iPhone.
Huawei là công ty sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới và là một trong những kình địch của Apple. Công ty sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới này đang phải đối mặt với sự dò xét ngày càng tăng của phương Tây liên quan tới những quan ngại làm gián điệp cho Bắc Kinh, vì mối quan hệ mất thiết của họ với quân đội Trung Quốc.
Huawei bị đưa vào danh sách đen
Lo ngại về an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/05 đã ra lệnh cấm các công ty Mỹ làm ăn với công ty Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ hôm 20/5 nói họ sẽ cấp cho Huawei thời hạn 90 ngày mua các linh kiện của Mỹ để duy trình các hệ thống hiện hữu và nâng cấp phần mềm cho các điện thoại Huawei hiện đang lưu hành trên thị trường.
Trong bài phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc sau lệnh cấm xuất khẩu của Mỹ, ông Nhậm đã cố gắng hạ thấp các tác động, nói rằng công ty đã có kế hoạch dự phòng trong trường hợp bị cắt nguồn cung từ Mỹ.
Nhà sáng lập này bổ sung rằng động thái của Trump không có gì là bất ngờ: “Các cá nhân và gia đình công ty tôi đã hy sinh chỉ vì mục tiêu duy nhất là đứng đầu thế giới. Với lý tưởng này, sớm muộn gì cũng sẽ có xung đột với Mỹ”, tạp chí kinh tế Caixin có trụ sở tại Bắc Kinh dẫn lại lời ông Nhậm tại cuộc họp báo kể trên.
Huawei nói rằng họ có thể đảm bảo nguồn cung ổn định mà không cần các nhà cung cấp Mỹ. Thế nhưng chỉ trong năm 2018, công ty này đã chi 11 tỷ USD để mua các linh kiện công nghệ Mỹ, trên tổng số 70 tỷ USD, chiếm khoảng 16%.
Một số nhà sản xuất chíp, kể cả bên ngoài nước Mỹ, đã tạm ngưng kinh doanh với Huawei. Ngày 20/5, công ty sản xuất chíp Infineon Technologies của Đức đã ngừng giao hàng cho Huawei để tuân thủ lệnh cấm của Mỹ, theo kênh truyền thông Nikkei của Nhật.
Tại nước Anh, công ty thiết kế chíp ARM cũng đã chỉ đạo toàn bộ nhân viên ngừng giao dịch với Huawei, theo BBC. ARM tin rằng họ phải tuân thủ lệnh cấm của Mỹ vì những thiết kế của mình có chứa “các công nghệ có xuất xứ từ Mỹ“, BBC cho biết.
Google, công ty tạo rạ hệ điều hành Android và các dịch vụ cho điện thoại Huawei, đã thông báo tạm ngưng các giao dịch của mình với hãng này kể từ ngày 19/5. Trong khi đó, nhiều nhà mạng trên thế giới thông báo sẽ ngừng đặt hàng điện thoại Huawei, vì quan ngại các lệnh cấm của Mỹ sẽ ảnh hưởng lâu dài tới việc hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho các thiết bị.
Những lo ngại về an ninh
Huawei đã liên tục phủ nhận những cáo buộc về việc các thiết bị của công ty này có thể bị chính quyền Trung Quốc lợi dụng để gián điệp. Trong phần thanh minh cho công ty, ông Nhậm thường nói rằng không có luật nào ở Trung Quốc bắt buộc phải cài đặt cửa hậu.
Mặc dù không có luật nào của Trung Quốc bắt buộc một công ty nước này cài cửa hậu, nhưng có vài quy định an ninh có ngôn ngữ rất chung chung khiến giới chuyên gia và các chính quyền phương Tây lo lắng.
“Theo luật an ninh mạng của Trung Quốc, các công ty như Huawei buộc phải cung cấp quyền truy cập theo yêu cầu mà có rất ít hoặc không có khả năng thách thức điều đó“, Giám đốc FBI Christopher Wray nói trong một cuộc họp báo vào tháng 1.
Trong số những luật này có luật Tình báo Quốc gia năm 2017, yêu cầu tất cả các công dân và tổ chức Trung Quốc phải cung cấp các thông tin tình báo cho giới chức nếu được yêu cầu.
Trong những tháng gần đây, Hoa Kỳ đã thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao để cảnh báo các đồng minh về Huawei, đặc biệt là liên quan tới công nghệ không dây thế hệ tiếp theo 5G, hiện đang được triển khai trên khắp thế giới.
“Với tôi thật dễ hiểu khi không trao những chìa khoá quan trọng của toàn bộ xã hội cho một diễn viên có lối hành xử nham hiểm như vậy“, Gordon Sondland, đại sứ Hoa Kỳ ở Liên minh Châu Âu, nói với Reuters hồi tháng 2.
Khi được hỏi về những bằng chứng chứng minh thiết bị của Huawei được dùng để gián điệp. Sondland nói rằng “có những bằng chứng được phân loại tuyệt mật“. Ông từ chối cung cấp thêm thông tin ngoài việc nói rằng không còn nghi ngờ gì Huawei có “năng lực để hack một hệ thống” và “có nghĩa vụ phải thực hiện khi được chính phủ yêu cầu“.
Hạ Chi (Theo The Epoch Times)