Về thăm mẹ, người phụ nữ Canada bị chính quyền TQ bắt cóc, ngược đãi 33 ngày liên tục
Tháng 5/2001, hay tin mẹ trải qua 2 ca phẫu thuật tim, cô Ying Zhu đã từ Montreal, Canada về Trung Quốc thăm mẹ. Tuy nhiên, bắt cóc, thẩm vấn, đe dọa và ngược đãi tinh thần là cách mà nhà cầm quyền Trung Quốc đối xử với cô.
Kể từ khi di cư năm 1997 và trở thành công dân vĩnh viễn của Canada, đó là lần đầu tiên cô về thăm Trung Quốc. Nhưng khi đến nhà ga xe lửa ở thành phố Quảng Châu, cô đã bị người của Bộ An ninh Quốc gia giam giữ và tra hỏi. Sau đó cô bị đưa đến nơi khác, bị thẩm vấn và gây áp lực trong hơn 30 ngày.
Cô Zhu nói: “Tôi không được phép bước ra khỏi phòng trong suốt 33 ngày. Tôi không được phép liên lạc với bất kỳ ai hay gọi điện thoại. Tôi hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài”.
Lúc đó, bố mẹ cô Zhu hay tin con về nước và vẫn đang chờ đợi con. Tuy nhiên, họ không thấy con về và cũng không biết con mình đang ở đâu. Chính quyền địa phương nói với bố mẹ cô rằng họ không biết gì về việc cô Zhu bị mất tích.
12 người cả nam và nữ đã chia ra 3 ca để theo dõi cô Zhu, kể cả khi cô ngủ và dùng nhà vệ sinh. Trong gian phòng giam giữ cô, phòng tắm cũng không có cửa.
Cô Zhu nhớ lại: “Tôi không tài nào ngủ được khi có ba người theo dõi tôi và bóng đèn 120 watt bật suốt 24 giờ một ngày. Họ không bao giờ tắt đèn”.
“Họ ghi lại mỗi một cử động, tính khí, biểu cảm và cảm xúc của tôi. Tôi cảm thấy rất căng thẳng và lo lắng. Thật xấu hổ và bất tiện khi sử dụng nhà vệ sinh vì họ cũng theo tôi vào trong đó. Sức khỏe của tôi bắt đầu xấu đi và các cơ quan trong cơ thể trở nên hỗn loạn. Tôi biết họ đang cố gắng hạ gục tôi”.
Tra tấn tâm lý bằng cách rọi đèn cao áp vào mặt người bị thẩm vấn để người đó không ngủ được suốt 24 giờ đồng hồ hoặc hơn là một trong những chiến thuật tra tấn tâm lý mà các nhà tù Trung Quốc thường áp dụng.
Cuối năm 2018, nổi lên vụ việc ông Michael Kovrig, cựu nhân viên ngoại giao Canada bị giam giữ tại Trung Quốc để trả đũa cho việc giám đốc điều hành Huawei, ông Wan Wanzhou bị bắt giữ. Ông Kovrig đã thiếu ngủ trong nhiều giờ, dẫn tới tổn thương tâm lý.
Một trường hợp nổi tiếng khác là cô Ying Zhu, người Canada gốc Hoa. Năm 2001, cô đã phải chịu đựng 33 ngày tra tấn tâm lý liên tục khi cô về thăm Trung Quốc.
Zhu là người kiên định tập luyện môn thiền định Pháp Luân Đại Pháp, còn gọi là Pháp Luân Công. Việc ép buộc các học viên từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem là vấn đề then chốt khi họ thực hiện chiến dịch đàn áp chống lại việc tu luyện môn này. Thế nên mỗi ngày, ngoài lính canh, còn có 3 người nữa đến thẩm vấn cô. Họ ra sức thuyết phục cô từ bỏ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Họ cũng dò hỏi cặn kẽ về từng người trong cuốn danh bạ của cô.
‘Giáo sư tâm lý học’ cũng ra tay bức hại
Một người đàn ông tự xưng là “Giáo sư Tâm lý học” đã đến thăm cô Zhu 2 lần. Ông ta nói với cô rằng ông đã buộc nhiều học viên Pháp Luân Công từ bỏ tu luyện, và nhiều người đã được gửi đến các bệnh viện để “điều trị tâm thần”. Ông còn nói ở Trung Quốc việc kết án oan sai rất dễ dàng. Ông ta lấy ra ví dụ một vị tướng nổi tiếng của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã bị dàn cảnh vu khống rồi tống vào tù, sau đó chết trong tù.
Cô kể: “Tôi thấy lo lắng, vì tôi không có ý định từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp nên không biết họ có đem tôi đến bệnh viện tâm thần hay không”.
“Tôi biết ông ta đang cố dọa dẫm tôi thôi, nhưng tôi vẫn sợ. Tôi biết rõ những gì ông ta nói đang thực sự diễn ra ở Trung Quốc. Hơn 50 năm dưới sự thống trị của ĐCSTQ, nhiều người dân vô tội đã bị kết án oai sai và bị bức hại nghiêm trọng với nhiều lý do. Tôi lo rằng nếu tôi chết ở đây, thì không ai biết được tôi đã biến mất như thế nào hay có chuyện gì xảy ra với tôi”.
Khi đó chính phủ Canada đã có một chiến dịch phối hợp giải cứu mạnh mẽ, thậm chí một lính canh trong tù đã đề cập với cô Zhu về chiến dịch này. Cuối cùng cô Zhu đã được thả sau 33 ngày chịu bức hại, tuy nhiên sau đó cha mẹ cô đã bị chính quyền Trung Quốc giám sát.
Trước khi trở về Canada, cô Zhu bị yêu cầu cam kết bằng văn bản rằng sẽ không tham gia vào các hoạt động chống chính quyền Trung Quốc ở Canada và hứa sẽ báo cáo tất cả các hoạt động liên quan cho quan chức chính phủ, nhưng cô đã từ chối. Họ cũng đe dọa cô rằng cuộc sống và học tập ở Canada có thể gặp nguy hiểm nếu cô dám kể lại quá trình giam giữ.
Thiên Hoa (Theo Epoch Times)