Gia Lai: Người dân đổ xô đi đẽo vỏ thông bán cho thương lái Trung Quốc
Việc thương lái Trung Quốc thu mua những thứ lạ đời làm náo loạn các vùng quê từ Nam chí Bắc ở Việt Nam không còn là điều hiếm gặp. Từ việc mua đỉa, ốc bươu vàng, dứa, dừa non hay rễ sim rồi hoa ngâu, lá cây phong ba… đều để lại cho người dân những bài học nhớ đời. Tuy nhiên vẫn có nhiều người vì cái lợi trước mắt mà bất chấp tất cả.
Đẽo vỏ cây thông bán cho thương lái Trung Quốc, nhiều cánh rừng thông xác sơ, tiêu điều
Mới đây, người dân lại được phen rúng động khi thương lái Trung Quốc thu mua toàn bộ vỏ cây thông tại Gia Lai khiến hàng ngàn cây thông chết úa cả 1 vùng rừng.
Theo đó, lực lượng công an TP Pleiku vừa bắt và tạm giữ đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép vỏ thông cũng là nghi phạm gây ra nguyên nhân hàng ngàn cây thông nơi đây bị đẽo vỏ, chết khô.
Qua điều tra và theo dõi, cơ quan chức năng TP Pleiku đã phát hiện Phạm Minh Ngọc (1981, ngụ xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa, Gia Lai) có hành vi mua bán, vận chuyển vỏ thông trái phép.
Cuối cùng vào 11 giờ ngày 8/5, Công an TP.Pleiku đã tóm gọn đối tượng này khi hắn đang trên đường vận chuyển vỏ thông mua được về điểm tập kết.
Tại hiện trường điểm tập kết, số nhà 36 đường Ung Văn Khiêm, TP Pleiku, Gia Lai, lực lượng chức năng đã thu giữ 103 bao vỏ thông tang vật được bọc kín, phủ bạt với tổng trọng lượng gần 3,5 tấn.
Theo thông tin điều tra ban đầu, Ngọc khai nhận thu mua số vỏ thông này tại một số xã của huyện Đắk Đoa để vận chuyển ra các tỉnh miền Bắc, bán cho thương lái Trung Quốc với giá khoảng 8.000 đồng/kg.
Theo thống kê tại khu rừng thông cổ thụ có tuổi thọ hơn 40 năm của TP. Pleiku, có tổng số 589 cây thông ba lá được trồng năm 1978 bị bóc, đẽo cạo vỏ từ gốc lên thân khoảng 2 – 3m. Trong đó đã có 76 cây bị chết.
Mới đây, lực lượng chức năng cũng phát hiện tại tiểu khu 309 (Lâm phần Ban quản lý Rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, thuộc xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) có gần 1.000 gốc thông chết khô.
Các đối tượng dùng thủ đoạn ken gốc, đẽo vỏ như trên khiến cây thông chết dần sau đó bóc lấy vỏ. Huyện Đắk Đoa cũng ghi nhận nhiều diện tích rừng thông bị bức tử bằng thủ đoạn tương tự.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Hoàng Nguyện, Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai cho biết, rừng thông bị bức tử, trong đó có nhiều cây đã được khoảng 30-40 năm tuổi gây thiệt hại rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân, khí hậu biến đổi.
Đặc biệt là khi Gia Lai đang bước vào giai đoạn đầu mùa mưa, không còn cây để giữ lượng nước dư thừa. Nguy cơ xói mòn đất, sạt lở,… là rất cao. Hiện, đơn vị đã đề nghị phía cơ quan công an vào cuộc điều tra.
Đừng vì lợi trước mắt, hãy cảnh giác với chiêu trò của các tiểu thương Trung Quốc
Gần 20 năm qua, khi Việt Nam – Trung Quốc nối lại quan hệ bị gián đoạn, nhiều đoàn thương lái người Trung Quốc đã vào ta mua những mặt hàng nông sản quái dị. Mới đây nhất là vụ mua vỏ cây thông ở Gia Lai, còn trước đó, từ đỉa cho đến ốc bươu vàng, gỗ sưa đến lá điều rồi quả dứa,…đều là những mặt hàng thương lái nước bạn ghé mua.
Đơn cử là vào năm 2013, sau khi đổ xô đi săn đỉa thì người dân xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) lại đi khắp nơi “săn lùng” ốc bươu vàng – loài sinh vật vốn dĩ chuyên phá hoại mùa màng – mang bán cho thương lái Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp đã lo lắng và lên tiếng cảnh báo. Khi “cơn sốt” thu mua ốc bươu vàng lan rộng, người nông dân sẽ… đào ao nuôi ốc bươu vàng. Rồi khi thương lái Trung Quốc không thu mua nữa sẽ gây ra hậu quả lớn, trong đó vùng trồng lúa chịu thiệt hại nặng nhất.
Hay vào những tháng cuối của năm này (2013), thương lái Trung Quốc ồ ạt mua mỡ lợn với giá cực cao. Nhà nhà vỗ béo lợn để lấy mỡ đem bán kiếm lời. Thế rồi, thương lái bất ngờ dừng mua không kèn, không trống. Đến khi mỡ lợn ế và giá thấp tới mức không thể thấp hơn được nữa thì những gã thương lái Trung Quốc quay lại thu mua…
Với mặt hàng nào người nông dân Việt Nam cũng được cho ăn một đòn chí mạng. Đau đớn là họ đã mang hết tài sản của mình đi thu gom nông sản cho thương lái Trung Quốc.
Thường thì các thương lái Trung Quốc sẽ bắt đầu tung tin, đẩy giá lên cao ngất trời. Với một lượng lớn nông sản đang là hàng hot đã thu gom được, thương lái Trung Quốc tiếp tục bán ngược trở lại cho người Việt Nam với giá thấp hơn chút đỉnh.
Vòng xoáy cứ thế tiếp diễn, rất nhiều người nông dân và thương lái Việt Nam đã bán hết tài sản để gom hàng chờ ngày giá lên cao rồi bán ra hòng kiếm lời. Khi thương lái Trung Quốc bán hết lượng hàng gom được thì cũng là lúc nông dân Việt Nam điêu đứng.
Vũ Tuấn (t/h)