Trung Quốc: Đường về gian nan của giới tinh hoa
Du học sinh trở về quê hương để giúp xây dựng một Trung Quốc hiện đại. Nhưng tại sao họ lại đang chịu cảnh sống dở chết dở với thị trường lao động ở quê nhà
“Tôi rời quê hương chỉ với 3 đô la trong túi” – Li Sanqi nhớ lại. Anh là một trong những người đầu tiên được đi học nước ngoài sau những tháng ngày đen tối của cuộc Cách Mạng Văn Hóa.
Giống như hầu hết những người thuộc giới thượng lưu, anh học hành rất tốt và giành được một vị trí mà nhiều người thèm muốn ở ĐH Texas, đồng thời thành lập một số công ty công nghệ.
Hiện tại, anh là giám đốc điều hành cấp cao ở Huawei – gã khổng lồ về viễn thông Trung Quốc. Anh mong muốn trở về quê hương với tham vọng xây dựng một công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới.
“Gấu trúc” đang được trọng dụng hơn “rùa biển” |
Li là một hình mẫu điển hình của một con rùa biển – hay còn gọi là “hai gui” (trong tiếng Trung cụm từ “trở về nước” phát âm giống với tên loài động vật này). Sự trở về của những người như anh – mang theo những kỹ năng học hỏi từ trời Tây – từng được xã hội Trung Quốc khuyến khích và đánh giá cao.
Trước đây, những người trở về như Li thường có được những vị trí quan trọng ở thị trường lao động trong nước, nhưng bây giờ chuyện đó chỉ là còn quá khứ . Những “con rùa biển” này không còn được ca ngợi khắp nơi.
Sự khác biệt về mức lương giữa họ và người lao động trong nước đang dần hẹp lại. Một số người thậm chí còn không có việc làm. Li nói rằng bây giờ họ nên được gọi là “hai dai” – có nghĩa là rong biển, chứ không phải rùa biển. Đây là một chuyển biến đáng ngạc nhiên sau những đóng góp trước đây của đối tượng này.
Ông Wang Huiyao tới từ Hiệp hội Trí thức phương Tây trở về Trung Quốc – nơi sắp kỷ niệm 100 năm thành lập – nhận xét rằng “rùa biển” trở về quê hương theo 5 phong trào.
Phong trào thứ nhất là vào thế kỷ 19, sự trở về của họ mang đến những người xây dựng đường sắt đầu tiên của Trung Quốc và hiệu trưởng đại học đầu tiên của nước này. Phong trào thứ hai và thứ ba vào trước năm 1949 sản sinh ra nhiều nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Đảng Dân tộc chủ nghĩa. Phong trào thứ tư là vào những năm 50, sản sinh ra những nhà lãnh đạo như Giang Trạch Dân và Lý Bằng.
Phong trào hiện tại – cũng là lớn nhất cho tới bây giờ – bắt đầu vào năm 1978. Kể từ đó đến nay đã có khoảng 2,6 triệu người Trung Quốc sang nước ngoài học tập.
Những cuộc di cư giáo dục này đã có lúc lên tới đỉnh điểm – 400.000 người mỗi năm. Phần lớn không trở về nước, nhưng 1,1 triệu người trở về đã tạo nên sự khác biệt. Ông Wang cho biết trong khi 3 phong trào đầu tiên đã làm nên cuộc cách mạng hóa Trung Quốc thì phong trào thứ tư làm hiện đại hóa đất nước, và phong trào thứ năm đang toàn cầu hóa quốc gia này.
“Rùa biển” đang giúp kết nối nền kinh tế Trung Quốc với thế giới. Họ thành lập những công ty công nghệ hàng đầu như Baidu. Nhiều người là quản lý cấp cao chi nhánh Trung Quốc ở các công ty đa quốc gia. Họ giúp kết nối Trung Quốc với nền văn hóa, chính trị, thương mại của các quốc gia khác.
Vậy tại sao sau này tầm quan trọng của họ lại giảm sút? Một số nghiên cứu cho thấy “rùa biển” bây giờ phải chờ đợi lâu hơn để tìm được một vị trí cấp cao thấp hơn với mức lương cũng thấp hơn ở các doanh nghiệp trong nước.
Thị trường việc làm ảm đạm là một trong số lý do. Một nguyên nhân khác là do thị trường nội địa Trung Quốc đang thay đổi. Những ngành công nghiệp như thương mại điện tử đang phát triển theo những cách thức mà những người đã sống và học tập ở nước ngoài nhiều năm chưa thể quen được.
Ông Gary Rieschel tới từ Qiming Ventures – một công ty đầu tư mạo hiểm – cho biết nếu như cách đây khoảng 10 năm, các nhà đầu tư thường chỉ rót vốn cho những người trở về từ thung lũng Silocon thì bây giờ họ lại quay trở lại với các doanh nhân được đào tạo ở các trường đại học trong nước.
Bởi vì người học trong nước nắm bắt được tốt hơn mô hình tiêu thụ, thói quen sử dụng máy tính và các mạng truyền thông xã hội của người Trung Quốc như Weibo và Weixin.
Khi Trung Quốc phát triển, các nhà quản lý trong nước bắt đầu có biểu hiện của “phức cảm tự ti”. Một giám đốc điều hành cấp cao của Tencent – gã khổng lồ về truyền thông xã hội của Trung Quốc – cho rằng ông vẫn săn những “con rùa biển” của các doanh nghiệp nước ngoài, tuy nhiên ông nhận thấy rằng họ gặp khó khăn trong việc quản lý các kỹ sư trong nước.
Một ông chủ ngân hàng đầu tư của châu Âu nói rằng “rùa biển” thường áp dụng những phương châm lạ của phương Tây, ví dụ như minh bạch, trọng dụng nhân tài hay đạo đức. Những phương châm này gây ra những bất lợi cho họ trong nền kinh tế cạnh tranh cao của Trung Quốc – nơi mà người lao động sẵn sàng làm mọi thứ mà ông chủ hoặc khách hàng muốn.
Ngay cả những công ty nước ngoài ở Trung Quốc cũng ngày càng kén chọn người lao động hơn. Ông Yannig Gourmelon, giám đốc dự án cấp cao của Roland Berger – công ty tư vấn quản lý của Đức – tin rằng sức ép lợi nhuận nặng hơn ở các công ty đa quốc gia cũng làm giảm mạnh mức lương thưởng của “rùa biển”.
“Rùa biển” hạng C
Một lý giải khác cho việc “rùa biển” gặp khó khăn khi về nước là: nhiều người của phong trào du học cuối cùng không phải là những người xuất sắc. Trước đây, chỉ những người xuất sắc nhất mới được đi du học, vì thế để giành một suất học bổng của Nhà nước thực sự là đầy khó khăn và khốc liệt.
Nhưng khi thu nhập của người dân tăng lên, nhiều gia đình Trung Quốc có con với sức học bình thường đủ khả năng chi một khoản tiền khổng lồ để con cái được học ở những trường đại học mà chất lượng còn nhiều bàn cãi.
Họ đi học không phải là để thu nhận kiến thức, mà để cải thiện triển vọng nghề nghiệp. Tệ hơn nữa, một phần do sự suy giảm của các nền kinh tế phương Tây mà nhiều người trở về nước với con số 0 về kinh nghiệm làm việc.
Thậm chí, những đối tượng ít có khả năng xin việc ở nước ngoài thì có xu hướng về nước, trong khi những người xuất sắc nhất vẫn ở lại trời Tây. Một nghiên cứu được tài trợ bởi Hội Khoa học quốc gia Mỹ cho thấy 92% người Trung Quốc có bằng Tiến sĩ của Mỹ vẫn sống ở Mỹ sau 5 năm tốt nghiệp. Với người Ấn Độ, con số này là 81%, người Hàn Quốc là 41% và người Mexico là 32%.
Để thu hút người tài trở về nước, Chính phủ Trung Quốc đang rót tiền vào một dự án có tên gọi “1.000 Nhân Tài”. Dự án này cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng và nhiều đặc quyền khác cho những người giỏi trở về.
Vụ Tổ chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang đề nghị lãnh đạo các tỉnh thành và hiệu trưởng các trường đại học phải tuyển đủ chỉ tiêu nhân tài được giao.
Trong một bài viết sắp xuất bản, ông Wang và ông David Zweig tới từ ĐH Khoa học và Công nghệ Hồng Kông nhận xét, Trung Quốc có lẽ là “quốc gia quyết đoán nhất trên thế giới” trong những nỗ lực như thế này.
Và liệu Trung Quốc có thành công? Mặc dù Chính phủ cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ, song những người trở về vẫn gặp phải nhiều vướng mắc. Giá nhân công và giá nhà đất đang tăng, trong khi vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn tràn lan, tham nhũng thì rộng khắp.
Vì thế, vẫn ít nhà khoa học hàng đầu trở về nước. Bài viết của ông Wang và ông Zweig lý giải: “Nếu Trung Quốc muốn những người giỏi nhất trở về, nước này cần một cuộc cải cách cơ bản ở các cơ sở khoa học và giáo dục” nhằm phá vỡ chức năng quản lý bị chính trị hoá trong vấn đề tuyển dụng và rót vốn.
Một sự thật khó khăn là người Trung Quốc ở nước ngoài thường có thái độ nước đôi với quê hương. Vợ và con của anh Li – những con “rùa biển” nguyên mẫu – vẫn đang sống ở Mỹ. Thay vì chỉ đưa ra những ưu đãi, có lẽ các quan chức Trung Quốc nên làm nhiều hơn để tăng cường sức mạnh của luật pháp, loại bỏ tham nhũng, cũng như đảm bảo vệ sinh không khí, nước, thực phẩm. Làm được vậy chắc chắn “rùa biển” sẽ lưu tâm.
Nguyễn Thảo (Theo The Economist)
(vietnamnet.vn)