Khó đối phó bọ xít hút máu
Bên cạnh nỗi lo bọ xít hút máu người bước vào mùa sinh sản và có thể truyền bệnh nguy hiểm thì mới đây, những công bố về loài này kháng hóa chất diệt côn trùng càng khiến nhiều người lo lắng.
Tiến sĩ Phạm Thị Khoa, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, khẳng định khi đã kháng hóa chất, bọ xít hút máu sẽ khó chết và phát triển nhanh bất thường.
Liên tục bị tấn công
PGS.TS Trương Xuân Lam, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, người đầu tiên nghiên cứu về bọ xít hút máu, cho biết gần đây, viện liên tục nhận được thông báo nhiều trường hợp bị bọ xít cắn. “Tuần rồi, một người đàn ông ở huyện Từ Liêm, TP Hà Nội điện thoại đến viện lo lắng cho biết bị bọ xít cắn 3 đốt sưng đỏ ở chân. Một phụ nữ ở quận Ba Đình thì cho biết bé trai 4 tuổi con chị bị bọ xít cắn đã sốt cao…”, PGS.TS Lam lo ngại.
Theo các chuyên gia côn trùng học, hiện nay là thời điểm bọ xít hút máu vào mùa sinh sản, kéo dài khoảng 3 tháng. Để duy trì cuộc sống, chúng buộc phải hút máu người hoặc động vật nên nguy cơ con người bị tấn công là rất lớn.
Một thanh niên bị bọ xít hút máu người cắn sưng bàn tay. Ảnh: LÂM NGUYỄN
PGS.TS Nguyễn Văn Châu, Viện Sốt rét, Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, cho biết nghiên cứu những trường hợp bị bọ xít hút máu cắn cho thấy hiện tượng sưng, ngứa tại vết cắn là phổ biến (99,35%), kéo dài 2-5 ngày. Người bị bọ xít cắn có thể dị ứng rộng, thậm chí bị sốt, nhất là trẻ em.
“Dù Việt Nam chưa có nghiên cứu khẳng định bọ xít hút máu người có truyền bệnh và dẫn tới tử vong như một số nước hay không nhưng người dân nên chủ động để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình” – ông Châu nhấn mạnh.
Hóa chất thông thường vô dụng
Theo TS Phạm Thị Khoa, ngoài lo ngại về nguy cơ truyền ký sinh trùng gây bệnh Chagas cho người, trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học còn phát hiện khả năng sinh sản của bọ xít hút máu rất cao ở nhiều môi trường khác nhau. “Một con bọ xít cái hút máu chuột bạch 2 ngày/lần có thể đẻ 327 trứng trong 7 tháng. Đáng chú ý là thử nghiệm diệt trứng và bọ xít bằng hóa chất diệt ruồi, muỗi thường dùng ở Việt Nam cho thấy chúng kháng thuốc alpha-cypermethrin ở 30 mg/m2”, bà Khoa cảnh báo.
TS Khoa nhận định bọ xít hút máu kháng thuốc có thể do người dân phát hiện chúng nên đã sử dụng nhiều loại hóa chất diệt côn trùng để phun. “Các chuyên gia quốc tế khuyến cáo chúng tôi dùng lượng hóa chất nhiều hơn, thậm chí gấp 10 lần, để tiêu diệt chúng vì bọ xít hút máu lớn hơn ruồi, muỗi. Tuy nhiên, dùng hóa chất hàm lượng lớn sẽ rất nguy hiểm cho con người. Vì thế, chúng tôi vẫn đang nghiên cứu và cân nhắc thuốc có hàm lượng hóa học phù hợp” – bà Khoa cho biết.
Bọ xít hút máu được ghi nhận đang có mặt ở nhiều tỉnh, thành lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… Chỗ ẩn náu của chúng là khe tường, sàn gỗ, gác xép, gầm giường, dưới nệm… Bọ xít hút máu dài khoảng 1-3,5cm, bụng rộng và dẹp, rìa thân có sọc màu vàng, thân màu nâu đặc trưng. Trứng bọ xít hút máu kích thước khoảng 1-1,5mm, màu trắng ngà. Nếu phát hiện bọ xít, tốt nhất là dùng vải ẩm chụp lên, giữ chặt cho chúng chết hẳn rồi bỏ vào thùng rác.
PGS.TS Trương Xuân Lam khuyên khi bị bọ xít hút máu cắn, người dân nên rửa ngay vết cắn bằng xà phòng, không gãi để tránh gây xước, viêm nhiễm, đồng thời đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. “Không nên gãi hay đánh chết bọ xít ngay tại chỗ vì sẽ làm vết cắn trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, người dân cần chú ý dọn dẹp vệ sinh giường, tủ, nơi ở… để loại trừ trứng nở thành ổ bọ xít hút máu phát tán. Ở vùng đã phát hiện có bọ xít hút máu thì nên ngủ màn cẩn thận”, PGS.TS Lam hướng dẫn.
Theo Ngọc Dung
Người lao động
Xem thêm :Khoa học, Việt Nam, Nguyễn Văn Châu, Ký sinh trùng, Viện Sốt, Côn trùng học, Hà Nội, alpha, Tài nguyên, Công nghệ
(dantri.com.vn)