Đi chùa đầu năm: Lý nào cứ xin thì sẽ được?
Mấy năm trước tôi có dịp trò chuyện với một bác lớn tuổi, một phật tử quy y tam bảo. Tôi hỏi “Ngày tết bác có lên chùa xin lộc xuân không”? Bác trả lời: “Những gì bạn xứng đáng được nhận, không xin nó cũng đến. Những gì bạn không xứng đáng được nhận, thì xin bao nhiêu cũng chẳng có ai cho”..
Tôi là người theo chủ nghĩa duy tâm, nhưng không mê tín dị đoan.
Tôi tin là có Thượng Đế, người có thể tạo ra những phép mầu. Tôi tin vào luật nhân quả, gieo gì thì sẽ gặt nấy. Tôi tin vào luật bảo toàn, được cái này thì sẽ mất cái kia. Tôi tin vào vòng luân hồi, như bốn mùa xuân hạ thu đông nối tiếp nhau…
Nhưng tôi không tin vào những chuyện mê tín dị đoan, do những người giả thần giả quỷ bày ra ngày càng nhiều trong các dịp Lễ, Tết gần đây, khiến cho các lễ hội dân gian mất đi vẻ đẹp truyền thống, mà thay vào đó là hương khói mù mịt, là sự chen lấn xô đẩy, là cảnh tranh nhau xin triện xin chữ xin tài xin lộc trong những địa điểm được cho là linh thiêng.
Có người đặt câu hỏi, vì sao người phương Tây đến nhà thờ chỉ để xưng tội, để sám hối, để mong được tha thứ; còn người phương Đông chúng ta cứ lên chùa là xin: nhẹ nhàng thì xin sức khoẻ xin bình an, tham lam hơn thì xin tiền tài xin danh vọng, nói chung xin đủ thứ có lợi cho mình?
Tôi không tin vào chuyện cứ xin thì sẽ được!
Nếu xin mà đỗ đại học thì cần gì ôn thi? Nếu xin mà có thóc ăn thì cần gì gieo hạt? Muốn có sức khoẻ thì hãy ăn uống điều độ tập thể dục hàng ngày, tại sao phải xin?
Có người nói, tôi lên chùa chỉ xin sự bình an thôi. Bình an thôi ư, cũng chẳng ai có thể cho bạn. Bởi vì, sự bình an đến từ bên trong chứ không đến từ bên ngoài. Sự bình an đến từ những việc bạn không làm như: không nói dối, không ăn cắp, không mưu mô, không dèm pha, không ngổ ngáo, không hại người,…
Sự bình an cũng đến từ những việc bạn đã và sẽ làm như: kính già, nhường trẻ, giúp đỡ mọi người…
Đốt hương và vàng mã là một nghi lễ rất đẹp, nó tạo ra một không gian tâm linh giúp chúng ta như được giao tiếp với tổ tiên, với những người đã khuất.
Nhưng khi khói hương mù mịt như đốt một đống rơm thì tôi ngờ rằng, không chỉ những người sống ngạt thở mà những người đã khuất cũng ngán ngẩm.
Và vàng mã ngày nay cũng đi quá xa. Bây giờ người ta đốt xe cộ nhà cửa (giấy) cho người thế giới bên kia, với mong ước được phù hộ để mua nhà cửa xe cộ (thật) ở thế giới bên này.
Cúng đồ giả – cầu đồ thật, không chỉ tham lam mà còn gian dối!
Thực ra, trong đạo Phật nguyên thuỷ, các tín đồ cũng tới chùa để sám hối. Không gian yên tĩnh của chùa cho phép con người tạm xa lánh những bon chen của đời thường, tĩnh tâm nhìn lại, trong những ngày qua, mình đã nói câu gì không nên nói, đã làm việc gì không nên làm.
Tu có nghĩa là sửa. Chùa là không gian thích hợp nhất cho việc tu thân, nhưng không phải duy nhất. Người ta có thể tu tại gia. Nhưng dù ở đâu thì mục tiêu của tu thân cũng vẫn là quay về chính đạo…
Mấy năm trước tôi có dịp trò chuyện với một bác lớn tuổi, một phật tử quy y tam bảo. Tôi hỏi “Ngày tết bác có lên chùa xin lộc xuân không”? Bác trả lời: “Những gì bạn xứng đáng được nhận, không xin nó cũng đến. Những gì bạn không xứng đáng được nhận, thì xin bao nhiêu cũng chẳng có ai cho”..
Ngẫm thấy không sai chút nào!
Xem thêm:
-
Thần Phật không online, Thần Phật nằm trong tâm của mỗi người
-
Nhét tiền vào tượng Phật và sự khủng hoảng về tâm linh của người Việt
Theo Cafebiz