Những người đàn bà tàn ác nhất trong lịch sử
Họ là những người phụ nữ tàn ác, giết người không ghê tay đến mức khét tiếng trong lịch sử.
Nữ hoàng Mary I (1516-1558)
Tranh chân dung của nữ hoàng Mary I vẽ năm 1554
Bà là hậu duệ duy nhất còn sống đến tuổi trưởng thành từ cuộc hôn nhân yểu mệnh giữa Henry VIII với người vợ đầu của ông, Catherine xứ Aragon. Lên ngôi sau cái chết của người em trai cùng cha khác mẹ của bà – vua Edward VI, Mary I được nhớ tới với việc đưa nước Anh tạm thời trở lại với Công giáo một cách đầy bạo lực. Rất nhiều tín đồ theo đạo Tin Lành đã bị hành hình vào thời điểm đó, dẫn tới biệt danh “Mary khát máu”. Sợ hãi trước án tử cho mình, hơn 800 tín đồ khác phải rời bỏ nước Anh và không thể trở lại cho tới khi Mary I qua đời.
Nữ bá tước Elizabeth Báthory (1560-1614)
Chân dung nữ bá tước khát máu Elizabeth Báthory.
Nữ bá tước Elizabeth Báthory là một nữ bá tước thuộc dòng họ quý tộc Báthory người Hungary, nổi tiếng là xinh đẹp và tàn ác. Bà có lẽ là một trong số phụ nữ giết người nhiều nhất được ghi nhận trong lịch sử tính đến thời điểm hiện nay. Các lý do biện hộ đưa ra cho tội ác của bà là do mong muốn giữ và khôi phục sắc đẹp sau khi đã qua tuổi 40. Với việc hành hạ người làm thú vui, sự tàn ác, khát máu của bà đã góp phần xây dựng lên nhân vật bá tước Dracula và các tác phẩm nghệ thuật về sau này.
Belle Gunness (1859-1931)
Ảnh chụp Belle Gunness và các con của mình năm 1908
Belle Gunness là một trong những kẻ giết người hàng loạt kinh khủng nhất nước Mỹ. Với chiều cao 1.83m và nặng hơn 90kg, bà ta là một người gốc Nauy rất cao lớn và mạnh mẽ. Người phụ nữ này giết 2 ông chồng, người thứ nhất bằng cách đầu độc, người thứ hai bằng cách thả máy nghiền lạp xưởng lên đầu, và rất nhiều người tình khác của bà. Động cơ giết người là do lòng tham; tất cả tiền bảo hiểm sinh mạng và tài sản lấy được từ người tình chính là nguồn tiền bạc nuôi sống bà ta. Hầu hết các báo cáo cho rằng con số nạn nhân là hơn 20 người, nhưng một số cho rằng con số đó vượt quá mức 100. Có nhiều mâu thuẫn trong việc khám nghiệm tử thi của Belle Gunness, cái xác được cho là của bà ta lại có chiều cao thấp hơn 5cm so với chiều cao 1.83m. Vì thế, nó đã đưa Belle Gunness vào những câu truyện rùng rợn, bí ẩn về tội phạm của Mỹ.
Ilse Koch (1906-1967)
Chân dung Ilse Koch – phù thủy khát máu của Đức Quốc xã
Ilse Koch là vợ của Karl-Otto Koch, chỉ huy các trại tập trung Buchenwald (1937-1941) và Majdanek (1941-1943) của Đức Quốc xã. Ilse là một trong những nhân vật nổi trội của Đức quốc xã bị Quân đội Mỹ bắt đầu tiên. Bị ảnh hưởng từ quyền lực của chồng, bà ta thích thú với những màn tra tấn tại đây. Bà ta là một con người phóng đãng đồng thời trở nên khét tiếng với những thứ đồ lưu niệm khủng khiếp như các hình xăm lấy từ xác các tù nhân. Sau phiên xét xử được những phương tiện truyền thông trên toàn thế giới chú ý, các nhân chứng còn sống đã kể lại việc bà hành hạ các tù nhân một cách tàn bạo, bà là hiện thân của “nữ sát nhân trong các trại tập trung”, một hình ảnh thông dụng trong xã hội Đức thời hậu chiến. Ilse Koch đã tự tử bằng cách treo cổ tại nhà tù Aichach vào ngày 1 tháng 9 năm 1967, khi đó Ilse đã 60 tuổi.
Irma Grese (1923-1945)
Chân dung Irma Grese chụp năm 1945 khi bà đang chờ xét xử
Thêm một sản phẩm của bộ máy Đức Quốc xã, Irma Grese với biệt danh là “Con quỉ Belsen” là một cai ngục ở các trại tập trung Ravensbrück, Auschwitz và Bergen-Belsen. Sau khi được chuyển tới Auschwitz năm 1943, cô ta được thăng chức Quản giáo cấp cao vào cuối năm đó và trở thành người phụ nữ có quyền lực thứ hai ở trại tập trung. Phụ trách hơn 30 nghìn nữ tù nhân Do Thái, cô ta rất thích thú với công việc của mình. Có thể kể tới việc để tù nhân bị ăn thịt bởi các đàn chó đói, bắn giết tùy ý, đánh đập dã man các tù nhân và lựa chọn những ai sẽ phải vào buồng hơi ngạt. Cô ta thích việc tra tấn cả thể xác và tinh thần đối với các nạn nhân của mình. Năm 1945, tại tòa án Belsen, Irma đã bị kết án vì những tội ác chống lại nhân loại và bị xử tử.
Phan Hạnh Theo ListverseXem thêm :Mỹ, Đức Quốc Xã, Nauy, chồng, Hungary, Quản giáo, Edward, em trai, Bá tước Dracula, Henry
(dantri.com.vn)