Dự kiến tăng giá điện từ 1.7: Doanh nghiệp nông thôn lo phát sốt
Dù mới dự thảo giá điện cho sản xuất sẽ tăng từ 2-7%, song nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã “phát sốt” vì lo lắng.
Gánh nặng chi phí đè doanh nghiệp
Như NTNN đã phản ánh, Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo lần 3 quyết định quy định về biểu giá bán lẻ điện. Theo đề xuất của Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện tính cho ngành sản xuất so với mức giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng khoảng từ 2-7%. Về vấn đề này, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam than thở:
Tôi đọc dự thảo mà thấy quá lo ngại. Bởi các DN trong ngành chăn nuôi hiện đang “sống dở chết dở”. Nhiều DN vừa và nhỏ đã bị phá sản. Hiện cả nước có 234 DN thức ăn chăn nuôi, trong đó chỉ còn 194 cơ sở, DN đang hoạt động, có 40 nhà máy chủ yếu vốn trong nước đã ngừng sản xuất, hoặc chuyển hướng kinh doanh. “Nguyên nhân cơ bản là do giá đầu vào cao, chi phí cao, nay lại nghe nói giá điện còn dự kiến tăng lên từ 1.7 thì DN chúng tôi chỉ có nước “chết””- ông Lịch nói.
|
Giá điện tăng sẽ khiến cơ sở may Lê Sỹ Tu ( Đông Hưng, Thái Bình) gặp nhiều khó khăn.
|
Ông Phạm Đức Bình – Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai) chuyên về thức ăn chăn nuôi cũng than thở rằng, suốt một thời gian dài chúng tôi đã chịu hàng loạt chi phí đầu vào cao “ngất ngưởng” như lãi suất vay vốn ngân hàng, chi phí nguyên liệu, phí vận chuyển… khiến DN gần như bế tắc trong sản xuất. Giá điện chưa tăng thì chúng tôi đã phải chật vật cạnh tranh với DN ngoại trong lĩnh vực này, nếu giá điện lại tăng cao cho sản xuất thì chúng tôi sẽ rơi vào tình trạng khốn đốn là cầm chắc.
Ông Châu Văn Liệt – Phó Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long cũng cho hay, ngành thủy sản từ đầu năm đến nay liên tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. “Đối với ngành thủy sản, chúng tôi phải dùng điện rất lớn cho các khâu làm lạnh, cấp đông. DN nhỏ cũng phải chi hàng trăm triệu đồng tiền điện mỗi tháng. Do vậy, nếu giá điện tăng thì DN sẽ không thể cạnh tranh nổi để có lãi”- ông Liệt nói.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN cũng cho biết: Xuất khẩu thủy sản liên tục gặp khó từ năm ngoái đến nay. DN lo chi phí liên tục tăng lên. Giá điện tăng chắc chắn sẽ khiến nhiều DN không xoay xở nổi. Có thể giá điện sẽ làm nhiều DN bế tắc, phá sản bởi càng sản xuất thì càng thua lỗ, nợ nần…
Cân nhắc thời điểm tăng giá
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, điện cho sản xuất hiện chiếm 70%, điện cho sinh hoạt chỉ chiếm 30%; nên việc tăng giá điện cho sản xuất như dự thảo của Bộ Công Thương là tính toán “quá lãi” cho ngành điện. Trong lúc Chính phủ còn đang tìm các giải pháp để hỗ trợ cho DN vực dậy, hỗ trợ cho khu vực nông thôn thì tại sao lại đề xuất tăng giá điện gấp gáp vậy. “Nhiều DN nông thôn còn đang cần được khơi thông nguồn vốn để quay trở lại sản xuất, nếu tính đến tăng giá điện với họ thì khác nào đi ngược lại các chính sách của Chính phủ”- ông Doanh nói.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, các cơ quan Chính phủ cần xem xét tính tác động của việc tăng giá điện theo nhiều phương án khác nhau để có cái nhìn tổng thể và cân nhắc việc tăng giá là bao nhiêu với tần suất bao nhiêu. Bởi khó khăn của DN hiện nay là thật. Chúng ta đang cố gắng giảm, dãn nợ thuế cho DN, hạ lãi suất cho DN để họ cầm cự, quay trở lại kinh doanh; nếu tăng giá điện một cách “bổ đầu” như hiện nay sẽ đi ngược lại các nỗ lực “cứu” DN. Chưa kể, theo bà Lan, hiện DN nông thôn chưa nhận được nhiều các ưu đãi, hỗ trợ, nhưng các chính sách tăng giá cứ “cào bằng” với họ là điều hết sức phi lý.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, thời điểm hiện nay sức mua đang xuống rất thấp, gần như DN đang phải vật lộn với việc đẩy sức mua, nếu tăng giá điện đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào tăng thêm. Do đó, nên cân nhắc thời điểm tăng giá điện và trước khi tăng thì nên có những nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các tác động tiêu cực tới sản xuất như thế nào để từ đó có những đề xuất phù hợp. Chỉ cần tăng giá điện lên 1% thì DN và nền kinh tế đã đủ “chết”. Nếu giá điện tăng 2-7% thì cầm chắc nhiều DN đang yếu hiện nay sẽ “chết hẳn”. Theo ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, hiện nay mỗi năm công ty chi hơn 20 tỷ đồng tiền điện. Nếu giá điện tăng thêm 5%, khoản phát sinh sẽ lên tới 1 tỷ đồng mỗi năm. Chưa kể, giá điện chỉ tăng chứ chưa bao giờ giảm càng làm hàng loạt các nguyên phụ liệu khác tăng theo. Trong khi đó, hàng hóa của DN thì tồn đầy trong kho, DN kinh doanh kiểu gì để có thể trả được tiền điện?!
(theo danviet)