TQ điều siêu tàu đổ bộ đến Hoàng Sa của Việt Nam?
Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 10 tháng 6 có bài viết cho rằng, gần đây, Trung Quốc đã nhận bàn giao tàu đổ bộ đệm khí Zubr do Ukraine chế tạo. Loại tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới này trong một lần có thể vận chuyển 500 nhân viên tác chiến tới bãi đổ bộ, có khả năng tác chiến độc lập mạnh.
Trả lời phỏng vấn chương trình “Giải mã quân sự” của Đài truyền hình Bắc Kinh, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, việc biên chế tàu đệm khí Zubr có thể tăng cường năng lực phòng thủ biển gần cho Hải quân Trung Quốc và tăng cường mức độ “chấp pháp” trên biển.
Trong bối cảnh tranh chấp quần đảo Trường Sa liên tiếp xảy ra hiện nay (thực ra là do Trung Quốc gây ra), có tin cho rằng Trung Quốc có thể sẽ triển khai loại tàu này ở biển Đông.
Tàu đệm khí Zubr là tàu đệm khí lớn nhất thế giới
Báo Trung Quốc cho rằng, nếu triển khai (trái phép) tàu đệm khí Zubr ở đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam), phạm vi tác chiến của tàu đệm khí này có thể bao trùm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng đoạt của Việt Nam).
Về vấn đề này, người phát ngôn thông tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh từng cho biết, Trung Quốc triển khai tàu đổ bộ đệm khí này ở đâu sẽ dựa vào yêu cầu nhiệm vụ để quyết định.
Có dư luận cho rằng, Trung Quốc mua tàu đổ bộ đệm khí Zubr để đối phó với các nước láng giềng trong tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông (đảo Senkaku) và biển Đông. Đối với vấn đề này, Đỗ Văn Long ngang nhiên cho rằng, Trung Quốc sở hữu tàu Zubr và triển khai nó ở các vùng biển xung quanh là “chuyện bình thường”, cứ vùng biển nào Trung Quốc tuyên bố chủ trương chủ quyền (kể cả bất hợp pháp) thì việc phái nó đến đó để huấn luyện và tác chiến là “hợp lý”.
Do đó, Đỗ Văn Long nhấn mạnh, bất kể là “bảo vệ chủ quyền biển”, diễn tập trên biển thì đều không “quá mức”, nên nước khác chớ có “nói ra nói vào” khi tàu này xuất hiện trong phạm vi “chủ quyền” (phi pháp) của Trung Quốc.
Về vai trò của tàu đổ bộ đệm khí Zubr, Đỗ Văn Long cho rằng, không gian thể hiện năng lực của loại tàu này chủ yếu là ở “phòng thủ biển gần”. Tàu đổ bộ Zubr rõ ràng không phải là trang bị tác chiến biển xa, nhìn vào kích cỡ, vũ khí trang bị và năng lực vận chuyển của nó, thì thấy nó lấy tuần tra kiểm soát biển gần làm điểm xuất phát cơ bản, không thể sử dụng loại tàu này làm trang bị biển xa.
Trong điều kiện vùng biển phức tạp, nó có thể đóng vai trò nổi bật. Nếu trang bị loại tàu đổ bộ đệm khí này, năng lực kiểm soát biển gần của Hải quân Trung Quốc sẽ được tăng cường.
Đỗ Văn Long cho rằng, loại tàu đổ bộ này không chỉ sử dụng cho lĩnh vực quân sự, Trung Quốc có thể tiến hành nội địa hóa, rồi trang bị nó cho các lực lượng như hải giám, ngư chính, vì vậy trong tương lai mức độ tuần tra sẽ lớn hơn, mạnh hơn.
Việc truy đuổi, khám xét đối với các mục tiêu không rõ của đối phương sẽ có hiệu quả hơn, thủ đoạn chấp pháp sẽ phong phú hơn. Vì vậy bất kể là phòng thủ biển gần của Hải quân hay hoạt động chấp pháp trên biển, vai trò của nó đều rất nổi bật.
Theo GDVN