Nếu ruột có thể nói chuyện, đây là 10 điều nó tiết lộ
Trên thực tế, khoảng 70% hệ thống miễn dịch nằm ở ruột. Do đó, đảm bảo hệ thống tiêu hóa luôn khỏe mạnh có thể là chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề khác của cơ thể. Nhưng làm thế nào để chúng ta hiểu được những “cảm xúc” của ruột để có cách ứng xử phù hợp?
Cơ thể vẫn luôn nói chuyện với chúng ta nếu ta biết cách lắng nghe.
Ruột chịu trách nhiệm đáng kể để giúp cơ thể hoạt động suôn sẻ vì nó phân giải các loại thực phẩm chúng ta ăn, hấp thụ các chất dinh dưỡng hỗ trợ cho các chức năng của cơ thể. Sản xuất năng lượng, cân bằng hormone, chăm sóc da dẻ và tinh thần, thậm chí xử lý độc tố và chất thải đều do ruột đảm nhận.
Trên thực tế, khoảng 70% hệ thống miễn dịch nằm ở ruột. Do đó, đảm bảo hệ thống tiêu hóa luôn khỏe mạnh có thể là chìa khóa để giải quyết nhiều vấn đề khác của cơ thể. Nhưng làm thế nào để chúng ta hiểu được những “cảm xúc” của ruột để có cách ứng xử phù hợp?
Ruột đúng là không biết nói theo nghĩa đen, nhưng nó giao tiếp dưới dạng dấu hiệu, từ hoàn toàn im lặng đến những cơn đói cồn cào và thói quen trong phòng tắm của bạn. Dưới đây là một số cách giải mã những gì đang xảy ra với ruột.
1. Bài tiết nên thường xuyên
Bài tiết bình thường là từ 3 lần một tuần đến 3 lần một ngày. Tuy ruột mỗi người mỗi khác, nhưng hệ thống ruột khỏe mạnh thì thường là thế này:
Xét về thời gian hoạt động, thức ăn di chuyển trong đường tiêu hóa mất từ 24 đến 72 giờ. Sau 6 đến 8 giờ, thức ăn mới đến ruột kết, vì vậy sau đó ta sẽ cảm thấy muốn dùng toilet. Bạn không cần phải lo đến nỗi ngồi trong toilet mãi. Làm vậy có thể dẫn đến bị trĩ.
Nếu quá trình này bị chậm, có thể là do táo bón. Táo bón có nhiều nguyên nhân, có thể là mất nước, thiếu chất xơ, hoặc vấn đề về tuyến giáp. Tốt nhất là nên kiểm tra chế độ ăn uống trước đã. Hãy đảm bảo rằng bạn uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, rau quả.
Nói nhỏ nhé! Nếu bạn không thường xuyên đi vệ sinh, có lẽ ruột của bạn đang giữ lại thực phẩm nạp vào vài ngày – thậm chí vài tuần trước. Chất thải tồn đọng lâu cũng có nghĩa là nó phân hủy trong cơ thể của bạn lâu hơn. Đó là nguyên nhân chính có thể gây ra xì hơi nặng mùi và các vấn đề sức khỏe khác.
2. Luôn chiến đấu với những thực phẩm chế biến công nghiệp
Thực phẩm chế biến công nghiệp có thể gây viêm trong niêm mạc hệ tiêu hóa – nơi hấp thụ thức ăn. Ruột có cơ chế để nhận dạng các loại xi-rô bắp fructose cao phân tử hoặc thành phần nhân tạo là “kẻ tấn công”.
Cơ thể chiến đấu với những loại đồ ăn đó vì cho rằng chúng gây nhiễm trùng, từ đó gây viêm. Nếu bạn siêng dùng các loại thực phẩm nguyên chất, như trái cây tươi, rau và thịt không qua chế biến công nghiệp, thì nhiều vấn đề của cơ thể sẽ được giải quyết.
3. Không phải lúc nào cũng thích Gluten
Có bằng chứng cho thấy gluten làm tăng khả năng thấm ruột (còn gọi là “rò rỉ ruột”), ngay cả khi bạn không bị bệnh celiac (cơ thể chống lại protein trong lúa mì và những ngũ cốc khác). Khi bị rò rỉ ruột, các vi hạt của thực phẩm, chất thải chưa tiêu hóa, các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn… có thể đi qua lớp ruột bị thấm, xâm nhập vào máu, gây viêm tổng thể và các bệnh khác.
Để xem liệu gluten có phải là nguyên nhân dẫn đến rò rỉ ruột hay không, hãy loại bỏ gluten hoàn toàn trong ít nhất 4 tuần. Sau đó, xem ruột của bạn phản ứng thế nào khi bạn thử ăn lại gluten.
Hãy nhớ đọc kỹ thành phần trên bao bì. Bạn sẽ không ngờ, trong rất nhiều loại thực phẩm cũng có lúa mì hoặc các tinh bột khác để dùng làm chất kết dính, chất độn, v.v, chẳng hạn như kẹo cao su, sốt xà lách, khoai tây chiên, gia vị…
Loại bỏ gluten một thời gian dài có thể làm giảm các enzym giúp phân giải gluten. Điều này có thể gây ra nhiều triệu chứng hơn khi bạn ăn lại sau này, vì vậy hãy đề phòng.
Với những người bị nhạy cảm với gluten, những người cần tuân theo chế độ ăn không có gluten lâu dài nhưng muốn giảm thiểu các triệu chứng do tình cờ ăn phải, bổ sung enzyme AN-PEP có thể hữu ích.
4. Ruột sẽ cô đơn nếu không có Prebiotic
Nếu gần đây bạn hay dùng thuốc kháng sinh, bạn cần giúp ruột của mình kết thêm bạn mới. Thuốc kháng sinh loại bỏ tất cả vi khuẩn, kể cả những vi khuẩn tốt được gọi là probiotic, như khuẩn sữa (lactobacillus) và bifidobacterium. Thuốc tránh thai cũng có thể làm thay đổi môi trường ruột.
Prebiotic, như hành tây, tỏi, măng tây, chuối và các loại đậu, đóng một vai trò khác với probiotic. Chúng là các sợi thức ăn để nuôi những vi khuẩn có lợi trong ruột của bạn, giúp tái tạo và hỗ trợ cho của hệ vi sinh đường ruột bị thay đổi.
5. Cho tôi xin đồ muối chua!
Cùng với bạn bè prebiotic, ruột cần một lượng probiotic để giúp các cơ quan trong cơ thể được khỏe mạnh. Thực phẩm lên men như kim chi, dưa cải muối, miso, tempeh, và đồ uống như kefir, sữa chua, kombucha sẽ cấy vi khuẩn vào ruột giúp phân giải thức ăn, khiến hệ thống miễn dịch mạnh mẽ hơn.
Nếu trước giờ bạn không ăn các loại thực phẩm lên men, hãy bắt đầu dùng một lượng nhỏ rồi tăng dần lên. Đường ruột cũng sẽ phản ứng nếu bạn lao vào ăn một lượng lớn đồ lên men.
6. Đồ ăn cũng có thể dẫn đến chán nản và khó tập trung
Khi tiêu hóa có vấn đề, cơ thể chúng ta có thể sản xuất chất dẫn truyền thần kinh ít hơn mức cần thiết như serotonin vì 95% serotonin được tạo ra trong ruột non. Serotonin thấp có liên quan đến lo lắng, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Không phải ai cũng đều gặp những vấn đề này, tuy nhiên chế độ ăn uống lành mạnh có thể giảm bớt hiện tượng mất tập trung, ủ dột, thiếu năng lượng.
7. Ngủ nhiều hơn vào cuối tuần
Đừng cảm thấy tội lỗi nếu bạn ngủ thêm một tiếng, đặc biệt nếu trong tuần bạn ngủ không ngon. Các nhà nghiên cứu vẫn đang loay hoay xác minh xem cải thiện sức khỏe đường ruột có ảnh hưởng đến giấc ngủ hay không. Tuy nhiên, chắc chắn giấc ngủ kém có liên quan tới môi trường vi khuẩn trong ruột của bạn.
Ngủ đủ giấc giúp giảm mức cortisol và cho ruột có thời gian để tự hồi phục. Vậy thì, hãy đi ngủ sớm và đón một buổi sáng dậy muộn nào!
8. Chậm mà chắc
Nếu bạn là người ăn chậm, xin chúc mừng! Kiên nhẫn nhai thức ăn thực sự là cách hay để khởi động hệ tiêu hóa. Khi nhai nhỏ thức ăn, kích thích tiết nhiều nước bọt, bạn đang ra hiệu cho các cơ quan khác của cơ thể cùng kêu gọi hệ tiêu hóa hoạt động.
9. Thư giãn đầu óc để thiết lập lại đường ruột
Bạn càng thoải mái, bạn càng có thể nuôi dưỡng cơ thể của mình tốt hơn – và đó không chỉ nói về tiêu hóa.
Căng thẳng có thể làm môi trường ruột bị thay đổi, gây rối loạn và khó chịu. Nghiên cứu cho thấy dành thời gian thiền định có thể giúp giảm bớt các triệu chứng rối loạn đường ruột. Để tăng thêm kiến thức, hãy tìm hiểu xem loại probiotic cụ thể nào phù hợp với tâm trạng của bạn.
10. Không có tin gì tức là tin tốt
Nếu bạn không thấy ruột có gì bất ổn, bạn bài tiết thường xuyên, không bị đau hay chướng bụng, vậy thì rất tốt. Nếu ruột có thể nói chuyện, nó sẽ cảm ơn bạn đã nuôi dưỡng nó khỏe mạnh và tạo ra môi trường hài hòa cho cơ thể phát triển!
>>> Cách tăng mức Serotonin để kiểm soát sự thèm ăn và tâm trạng
>>> Y học Ấn Độ cổ chỉ cách chọn thảo mộc phù hợp nhất cho cơ thể dựa trên Dosha
Tú Văn, theo The Epochtimes