Hệ quả của chính sách thắt chặt tiền tệ
Báo cáo tổng kết tình hình kinh tế xã hội sáu tháng đầu 2011, được trình trước quốc hội sáng thứ Năm, cho thấy hệ quả của chính sách thắt chặt tiền tệ mà Việt Nam áp dụng thời gian qua đã bắt đầu lộ diện và làm nặng hơn các vấn đề khó khăn trong những tháng cuối năm.
Dẫn tới nhiều khó khăn
Mặt trái của chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu bộc lộ, kéo thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán sụt giảm, sản xuất kinh doanh giảm sút, khó khăn những tháng cuối năm rất nặng nề.
Đó là lời ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách, vào khi báo cáo tổng kết tình hình kinh tế xã hội sáu tháng đầu năm 2011 trước Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam sáng thứ Năm vừa qua.
Đây là báo cáo chính phủ do Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách và Ủy Ban Kinh Tế thực hiện. Về điều gọi là mặt trái hay hệ quả của chính sách thắt chặt tiền tệ đang bắt đầu rõ nét, một chuyên gia kinh tế trong nước là giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thành Xương, giải thích khi thắt chặt chính sách tiền tệ thì nhà nước không phát hành tiền nhiều nữa, và việc cho vay đối với các hoạt động kinh doanh vướng lãi suất cao.
Ông nói không phát hành tiền nhiều thì phải huy động vốn trong dân, nhưng nếu lãi suất huy động tăng lên thì lãi suất cho vay cũng nhiều lên, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động mua bán. Đặc biệt đối với các ngành phi sản xuất vật chất như ngành bất động sản thì nhà nước không chủ trương cho vay nhiều ở lãnh vực này, vì thế dư nợ ở khu vực này ít lại. Đó là lúc khó khăn bắt đầu lộ diện, ông nói tiếp, và đây là chuyện đương nhiên:
“Điều này buộc phải chấp nhận như vậy vì đối với Việt Nam hiện nay chủ trương lớn nhất là cố gắng làm thế nào chống lạm phát và ổn định vĩ mô, đó là mục tiêu cao nhất. Để thực hiện mục tiêu cao nhất này thì những yếu tố khác buộc lòng phải chấp nhận phải trả giá, ý là như thế.”
Người nghèo càng nghèo thêm
Cũng tại buổi họp quốc hội hôm thứ Năm, chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế, ông Hà Văn Hiền, báo cáo chỉ số giá tiêu đang ở mức cao vì mới sáu tháng mà đã lên tới 13,26% tức là vượt quá chỉ tiêu 7% đề ra cho cả năm, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân. Ông đặc biệt nhấn mạnh đến sự khó khăn mà ba triệu hộ nghèo và một triệu sáu trăm ngàn hộ cận nghèo phải gánh chịu.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thành Xương, sự đánh giá của chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế Hà Văn Hiền phản ảnh đúng thực tế của Việt Nam hiện tại: “Mà cái thực tế đó hiện nay trong hoàn cảnh là Việt Nam, để đạt được mục tiêu chống lạm phát và ổn định vĩ mô, thì buộc lòng phải chấp nhận sự trả giá. Hiện nay ở Việt Nam chỉ số tiêu dùng tăng lên khá nhanh. Trước kia nhà nước, thông qua quốc hội chỉ định, chỉ là 7% mà thôi. Mà thực tế cho thấy 7% rất khó nên có điều chỉnh lại 15%. Đến thời điểm này sáu tháng đầu năm mà đã trên 13% rồi, như vậy khả năng 15% đến cuối năm cũng khó. Nhiều nhà hoạch định chính sách dự đoán sẽ lên đến 17, 18%.
Khi chỉ số giá cả tăng nhanh hơn tốc độ thu nhập thì người thu nhập thấp bị tác động. Giá cả tăng mà thu nhập không tăng cùng tỷ lệ không tăng tương ứng thì đó là điều không vui, là điều nhức nhối nhưng mà phải chấp nhận. Bởi vì mục tiêu là phải ổn định vĩ mô để cho nền kinh tế ổn định rồi mới phát triển sau này tốt hơn. Cho nên phải nói là cắn răng chấp nhận một số điều không như ý mình muốn.”
Khi chỉ số giá cả tăng nhanh hơn tốc độ thu nhập thì người thu nhập thấp bị tác động.
TS Nguyễn Thành Xương
Theo nguồn trên báo điện tử Dân Trí, không loại trừ những nguyên nhân khách quan như lạm phát, giá cả thế giới tăng ảnh hưởng đến vật giá trong nước, Ủy Ban Kinh Tế còn cho rằng nguyên nhân chính là vì những yếu tố nội tại như mức thâm hụt thương mại lớn, bội chi ngân sách cao trong nhiều năm và hiệu quả đầu tư thấp.
Dưới mắt chuyên gia kinh tế Nguyễn Thành Xương, đây cũng là một thực tế trước mắt:
“Bội chi ngân sách vẫn có, thậm chí mình cố gắng hạn chế đầu tư công thì mức độ hạn chế nó vẫn chưa đúng như ý muốn. Tất cả những điều đó đang là khó khăn thực tế buộc phải chấp nhận.
Khi mà nền kinh tế ổn định, mà hiện nay thực sự bắt đầu có những tín hiệu cho thấy rằng lãi suất cho vay bắt đầu có tín hiệu giảm lại. Đấy là tín hiệu rất tốt. Thực sự mà nói kinh tế đang ở bước khó khăn cho nên không có cách nào khác là phải làm thế nào ổn định vĩ mô thật tốt. Cái nền tốt rồi mới đi vào giải quyết một số vấn đề thấu đáo. Quan điểm của tôi là phải vì cái lớn mà chấp nhận một số mất mát trước mắt.”
Đây có thể được coi là một trong những lần hiếm hoi mà báo cáo chính phủ vạch thẳng ra những khó khăn phải trực diện trong những ngày tới. Vấn đề là nếu vật giá tiếp tục leo thang, đồng tiền tiếp tục mất giá, thì không chỉ ba triệu hộ nghèo hoặc trên triệu rưỡi hộ cận nghèo gặp khó khăn mà phải nói là mọi ngành nghề mọi khu vực đều bị tác động.
Được hỏi về hướng giải quyết trong lúc vẫn phải chấp nhận khó khăn thực tế, tiến sĩ Nguyễn Thành Xương trả lời: “Đẩy mạnh chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ hỗ trợ người nghèo. Trong hoàn cảnh này chỉ có cách đó là tốt nhất.”
Viện dẫn kết quả điều tra sáu tháng đầu năm của Tổng Cục Thống Kê cho thấy khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng, tiến sĩ Nguyễn Thành Xương khẳng định vấn đề lớn của nhà nước bây giờ là lo nâng đỡ cho các hộ nghèo bằng nhiều giải pháp:
“Thí dụ ở các thành phố, ở các nơi mà đang có chương trình bình ổn giá, cố gắng thế nào để một số các mặt hàng chủ yếu cho đời sống người dân nhất là dân nghèo, thì cơ bản là giá tăng không cao. Nhà nước phải cố gắng giải quyết chương trình bình ổn giá để giúp những hộ nghèo. Ngoài ra nhà nước có chủ trương thí dụ như điện tăng giá thì những hộ nghèo trong giới hạn nào đó thì được nhà nước hỗ trợ tiền điện, v.v…”
Vẫn theo tiến sĩ Nguyễn Thành Xương, để giải quyết khó khăn trong cuộc sống hàng ngày của người nghèo, đang có khuynh hướng tăng lên vì kinh tế khó khăn, nhà nước cần một hệ thống và chính sách an sinh xã hội thực tiễn đối với người nghèo.
Ông kết luận đó là một điều kiện mà cũng là một nỗ lực rất lớn của chính phủ.