Internet bùng nổ trên một nền tảng tụt hậu
Báo The Age nhận định Internet là một trong những phát minh vĩ đại nhất và nguồn tài nguyên khổng lồ nhất của con người. Nó gồm hàng tỷ trang nội dung chứa trên hàng trăm triệu máy chủ được điều khiển bởi hàng triệu cá nhân.
Quy mô của Internet ngày nay là nhờ sự ra đời của HTML, viết tắt của Hypertext Markup Language – ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản, được ví như DNA của web. Khi người dùng bấm vào một đường link để xem nội dung trên một website, HTML sẽ can thiệp và trong vài giây sẽ hiển thị trang đó (có thể nằm trên một máy tính cách xa đó hàng trăm nghìn km hay chỉ vài mét).
HTML ra đời từ năm 1990 khi nhà vật lý và chuyên gia lập trình Tim Berners-Lee muốn tạo ra một chuẩn mở và đơn giản để giúp con người chia sẻ thông tin qua web, tạo tiền đề cho sự phổ biến của Internet ngày nay.
Tuy vậy, ngôn ngữ này đã lạc hậu và thế hệ mới HTML5 được cho là sẽ giúp các chuyên gia lập trình xây dựng môi trường tương tác tự nhiên bên trong trình duyệt, cho phép trình duyệt hiển thị mọi nội dung từ text, ảnh, hoạt họa đến video không cần phải cài đặt phần mềm hỗ trợ (plug-in) như Adobe Flash, Oracle JavaScript, Microsoft Silverlight… nữa.
“HTML còn hạn chế và thô sơ. Thời kỳ đầu bạn còn không thể đổi màu nền trang web”, Lawrence Cooke, chuyên gia phát triển thuộc công ty Xazz Creative, cho hay. “HTML5 giúp mọi thứ trở nên thú vị hơn và các nhà phát triển có thể thỏa chí sáng tạo và thực hiện những điều phức tạp, như là xây dựng một game hoàn chỉnh bên trong trình duyệt. Đây là bước tiến lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực giải trí”.
HTML5 được đánh giá là tương lai của thiết kế web, nhưng nó phát triển quá chậm, nhường “đất” cho các công nghệ web độc quyền như Flash, Silverlight… |
Nhưng HTML5 sẽ chỉ trở thành chuẩn chính thức vào năm 2014. Vào thời điểm đó, Adobe, Microsoft và một số công ty khác đã phát hành nhiều phiên bản khác nhau cùng những cải tiến đáng kể cho công nghệ web của riêng họ. Từ lâu, người ta đã luôn tranh cãi về chuyện Internet có nên được quản lý bởi một tổ chức duy nhất hay không? Có nên chỉ tồn tại một chuẩn duy nhất hay không? Các công ty tư nhân như Microsoft, Adobe… có được phép kiểm soát một phần thế giới ảo bằng công cụ của riêng họ hay không? Vấn đề này đã luôn được đặt ra, nhưng không ai có thể và không ai đủ quyền trả lời.
Những người ủng hộ một chuẩn chung như HTML5 cho rằng thế giới web giống như một mớ hỗn độn. Mỗi người chọn các công cụ khác nhau để duyệt web trên nhiều trình duyệt. Sự thiếu một chuẩn chung toàn cầu khiến một website có thể mang đến trải nghiệm khác nhau tùy thuộc vào việc nó được mở trên trình duyệt nào, Google Chrome, Apple Safari, Microsoft Internet Explorer, Mozilla Firefox hay Opera…
Berners-Lee cũng cho rằng các công ty tư nhân không nên nắm trong tay quyền kiểm soát Internet. Nhưng đại diện của các công ty này thì cho rằng chính sự tồn tại của họ mới thúc đấy sự đi lên của Internet.
“Intennet và web luôn là có sự pha trộn giữa các công nghệ được chuẩn hóa và công nghệ độc quyền”, Ian Hickson, một chuyên gia về web, nhận xét. “Cải tiến thường diễn ra ở phía công nghệ độc quyền bởi chúng tiến nhanh hơn và không bị áp đặt”.
Tuy nhiên, Hickson nói thêm rằng ông muốn tự do cài đặt và sử dụng bất cứ phần mềm nào trên thiết bị của mình mà những phần mềm như Adobe Flash không đem lại sự tự do đó. Apple cũng từ chối hỗ trợ Flash trên các sản phẩm iOS nhằm ủng hộ sự ra đời của CSS3 và HTML5. Các trình duyệt cũng đang được xây dựng trên cơ sở tương thích với HTML5.
Phản ứng trước xu hướng này, Adobe cho rằng họ rất vui mừng trước những cơ hội mà HTML5 đem lại, nhưng tin Flash sẽ tồn tại song song với HTML để tạo động lực thúc đẩy HTML phát triển.
Châu An