Tết Trung thu xưa trong ký ức thế hệ 8X, 9X đời đầu
Tết Trung thu cách đây khoảng 10-20 năm diễn ra rất giản dị, chỉ với chiếc đèn ông sao giấy bóng kính xanh đỏ, những mâm cỗ bánh kẹo nhỏ xinh cùng tiếng trống lân rộn ràng, và bọn trẻ cứ thế vui đùa suốt tối…
Cận kề ngày Tết Trung thu, thế hệ 8X, 9X đời đầu lại không khỏi bồi hồi nhớ lại tuổi thơ một thời hồn nhiên, vui vẻ, ai cũng từng háo hức mong Trung thu đến. Nhớ khi xưa, đứa trẻ nào cũng đòi bố mẹ mua cho những món đồ chơi như đèn lồng, đèn ông sao, mặt nạ hề… để cùng đám nhỏ trong xóm rộn ràng phá cỗ, trông trăng.
Những chiếc đèn ông sao khung tre, bọc giấy bóng kính xanh, đỏ, bên trong cắm nến từng là thứ đồ chơi yêu thích quen thuộc ngày nhỏ của nhiều người. Vào ngày hội trăng rằm, đứa có đèn ông sao, đứa được mẹ mua cho chiếc đèn cù quay tít, đứa đeo mặt nạ đủ hình thù Ngộ Không, Bát Giới… Cả khu phố rộn ràng tiếng trống múa lân. Tuổi thơ của nhiều người từng trôi qua êm đềm như thế.
Ngày đó, cuộc sống khá vất vả nhưng trẻ con rất háo hức và luôn chờ đợi tết Trung thu. Trong suy nghĩ của người lớn và trong tâm hồn của trẻ thơ, không khí của ngày tết Trung thu có trước hàng tháng.
Nhà nào cũng có không khí của ngày tết, nhà nào cũng có mâm cỗ Trung thu mang tính truyền thống dân tộc và có đầy đủ các loại hoa quả trong mùa như: chuối tiêu, na chín, ổi, bưởi,… Ở những nơi như Hà Nội, trên mâm cỗ Trung thu xưa còn có đèn ông sao, có ông Tiến sỹ giấy, ông Phỗng (mang ý nghĩa khuyến khích tinh thần học tập, giáo dục và hướng thiện). Mâm cỗ Trung thu không phải để thắp hương cúng tổ tiên mà được bày dưới ánh trăng ở sân nhà cùng với một chậu nước sạch.
Những đứa trẻ vùng thôn quê xưa thì ít có dịp tiếp xúc với nhiều loại đồ chơi đa dạng như bạn bè cùng trang lứa ở thành phố, nhưng đồ chơi của chúng chẳng kém phần thú vị. Đám trẻ tự mày mò, rủ nhau lăn lê trên đất làm những chiếc đèn lồng bằng giấy, đèn cù từ ống bơ…Tết Trung thu xưa rộn rã và tưng bừng! Có cỗ, có đèn, trống, bánh Trung thu,… nhưng từng đó vẫn chưa đủ, phải có thêm cả những màn múa lân, múa sư tử hoành tráng.
Buổi tối Trung thu, những đoàn lân tập hợp lại và tổ chức các đám múa lân, múa sư tử. Trẻ em (không phân biệt giàu – nghèo nhưng đa số là trẻ em con nhà nghèo) rất náo nức và thích thú theo các đoàn múa lân, múa sư tử đi biểu diễn khắp các con đường và đến tận khuya mới giải tán.
Tiếng cười nói râm ran, tiếng dế kêu inh ỏi, hương lúa chín phảng phất trong đêm trăng sáng… là phần ký ức đẹp nhất của những ai có tuổi thơ ở vùng quê Việt.
Những cô bé, cậu bé mới ngày nào háo hức đi lượm ống bơ thiếc, cặm cụi làm từng chiếc xe lon để chơi trong tối ngày rằm tháng 8, giờ đã trưởng thành, bồi hồi nhớ về tuổi thơ trong không khí cận kề Trung thu.
Trong mỗi gia đình hiện đại có lẽ không còn những mâm cỗ trong đêm rằm, nếu có thì cũng không đầy đủ hương vị của tết Trung thu. Trẻ nhỏ thì “ngại” ra đường, chúng được người lớn đưa đi chơi công viên, đi xem phim trong rạp… Tết Trung thu hiện đại, có rất ít trẻ con chạy theo xem múa lân, múa sư tử khắp phố phường.
Trung thu ngày nay trẻ con có thể chẳng thiếu thứ gì, nhưng có lẽ, chúng sẽ không được cảm nhận không khí mộc mạc, bình dị của những đêm rước đèn, phá cỗ tưng bừng khắp xóm làng cách đây hàng chục năm trước. Ngày nay, liệu còn đứa trẻ nào háo hức, cặm cụi ngồi trên đất làm từng chiếc đèn lồng, những chiếc xe lon, những chiếc đèn cù đơn sơ…?
Nói về Trung thu truyền thống và Trung thu hiện đại, nhà văn Băng Sơn tâm sự: “Cuộc sống hiện đại ở thế kỷ 21, chúng ta hội nhập, tiếp thu tinh hoa của văn hoá thế giới để phát triển con người và xã hội. Thế nhưng… chúng ta lại tiếp thu quá nhiều. Những thói quen và lối sống mới ảnh hưởng rất nhiều từ văn hoá phương Tây nên dần dần chúng ta đã mất đi nhiều nét văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc. Tết Trung thu xưa và nay, thay đổi quá nhiều! Tôi thấy “tiếc”, thấy “xót xa” về điều đó!”.
Tết Trung thu nay có thể khác xưa, nhưng ý nghĩa của ngày này có lẽ không thay đổi, vẫn là những buổi đoàn viên, gia đình sum họp, là đêm hội rộn ràng của thiếu nhi.
Hồng Liên (t/h)
Xem thêm: