Bộ trưởng “vô tình” đến khi nào?
Quyết định số 60/2011/QĐ-TT ngày 26/10/2011 đã hỗ trợ mỗi cháu học sinh đang học tại các trường miền núi 120 nghìn đồng/tháng ăn trưa. Hơn một năm sau, thông tư liên bộ hướng dẫn thi hành quyết định vẫn chưa có.
Chiều 22/3, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Lê Minh Thông đã nhắc đến một số bức thư của TS. Trần Đăng Tuấn gây xôn xao dư luận thời gian qua.
TS. Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) là người khởi xướng chương trình “Cơm có thịt” dành cho trẻ em vùng cao, một chương trình thiện nguyện được bắt đầu khi ông Tuấn tận mắt chứng kiến cảnh đói ăn thiếu mặc của hàng nghìn trẻ em tuổi mầm non.
Lý do khiến ông Tuấn phải viết đến hai lá thư là sự quá chậm trễ trong việc thực hiện Quyết định số 60/2011/QĐ-TT ngày 26/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ với hai nội dung quan trọng.
Một là trẻ mầm non 3, 4 tuổi tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn…được hỗ trợ 120 nghìn đồng/tháng để duy trì bữa ăn trưa tại trường.
Hai là giáo viên mầm non ngoài biên chế (hợp đồng lao động) được hưởng chế độ trả lương và bảo hiểm cùng các chính sách khác giống như giáo viên mầm non có cùng trình độ đào tạo trong biên chế.
Sau hơn một năm quyết định nói trên có hiệu lực, thông tư hướng dẫn vẫn… chưa có. Theo lời ông Tuấn thì “hàng chục vạn bé mầm non 3-4 tuổi, cả hơn chục vạn giáo viên mầm non diện hợp đồng lao động vẫn khắc khoải “sống để yêu thương” với đồng lương ngang bằng hoặc thấp hơn lương tối thiểu”.
Trả lời chất vấn về “trách nhiệm của Bộ trưởng và của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chậm trễ thi hành quyết định của Thủ tướng và giải pháp nào để đẩy nhanh việc này” của đại biểu Thông, ông Luận thừa nhận đây là “thiếu sót”.
Ông Luận cũng cho hay, cách đây hai tuần khi họp với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về cải cách hành chính, ông đã đề nghị cơ chế phân công soạn thảo văn bản sắp tới nên giao cho một cơ quan chủ trì quyết định, còn phối hợp với ai thì tuỳ bộ đó, nếu nhầm, nếu sai, nếu thiếu thì cơ quan chủ trì sẽ chịu trách nhiệm. Ông cũng không quên nhấn mạnh việc “không ai phải chịu trách nhiệm” nếu vẫn duy trì cơ chế phối hợp như hiện tại.
Một câu hỏi được đặt ra là sự “vô tình” sẽ còn kéo dài đến khi nào?
Theo Quyết định 12/2013/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được Thủ tướng Chính phủ ban hành, học sinh ở vùng này sẽ được hỗ trợ tiền ăn và tiền nhà ở.Cụ thể, học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn mỗi tháng được hỗ trợ 40% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương tối thiểu chung và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. |
Lược theo VnEconomy