Người Hàn Quốc “chai sạn” với đe dọa chiến tranh từ Triều Tiên
Gần 20 năm trước, người Hàn Quốc đã đổ xô đi tích trữ lương thực khi Triều Tiên dọa biến Seoul thành “biển lửa”. Đến ngày hôm qua, khi lời đe dọa trên được người láng giềng lặp lại, phản ứng từ người Hàn Quốc đã khác rất nhiều.
Không ít người Hàn Quốc đã lớn lên cùng với những đe dọa “đao to búa lớn” từ người láng giềng phía Bắc. Bởi vậy cho dù hiểu rõ áp lực đang ngày một tăng khi Triều Tiên nổi giận trước những cuộc tập trận Mỹ – Hàn sắp diễn ra cùng lệnh trừng phạt mới của Liên hợp quốc, ít người Hàn Quốc cho rằng sẽ có điều gì nghiêm trọng diễn ra.
Tại trung tâm Seoul, mọi người vẫn chụp ảnh và cười đùa khi đi ngang một màn hình lớn đăng tải những đe dọa chiến tranh từ Triều Tiên. “Xác suất chết vì bom của Triều Tiên có lẽ còn nhỏ hơn khả năng bạn tử vong vì tai nạn giao thông.
Tôi sẽ dành thời gian để làm những việc cần thiết thay vì ngồi đó lo lắng về chiến tranh”, Oh Jin-young, một nhân viên văn phòng cho biết khi đang đi dạo cùng con trai. “Triều Tiên biết rằng tiến hành chiến tranh chẳng khác nào tự sát”.
Tuy nhiên, cũng có những người tỏ ra lo lắng bởi đã có không ít vụ đụng độ gây thương vong những năm qua. Trong đó phải kể đến vụ một tàu chiến Hàn Quốc bị bắn chìm.
Dù kết quả một cuộc điều tra quốc tế do Seoul chủ trì khẳng định Triều Tiên có liên quan nhưng Bình Nhưỡng vẫn bác bỏ. Ngoài ra còn có một vũ nã pháo của Triều Tiên vào một hòn đảo tiền tiêu của Hàn Quốc năm 2010 khiến 4 người thiệt mạng.
Tuần qua, Bình Nhưỡng đã tuyên bố rút khỏi các hiệp ước về việc không tấn công nhau. Nước này cũng đe dọa tấn công hạt nhân phủ đầu nước Mỹ. Những người Triều Tiên được phóng viên APphỏng vấn tại thủ đô Bình Nhưỡng còn bày tỏ sự căm phẫn với lệnh cấm vận của Liên hợp quốc.
“Tôi giận dữ sôi sục”, Sin Myong Sil, một người Triều Tiên, cho biết. “Nhiều nước có thể phóng vệ tinh và một nước có thể tự do thử hạt nhân nhưng không ai trừng phạt họ. Vậy nhưng đất nước tôi lại bị cấm thử hạt nhân và phóng vệ tinh. Điều này thật vô lý và khó chấp nhận”.
Tại Hàn Quốc, sự lo lắng của người dân có thể được cảm nhận rõ nhất trên internet, nơi nhiều người tin rằng những người Hàn Quốc cảm thấy ít e ngại hơn khi phải bày tỏ cảm giác thật.
Một phụ nữ có 2 con cho biết trên một trang web về nấu ăn rằng bà đã lo sợ trước những lời đe dọa chiến tranh của Triều Tiên đến độ phải xin nghỉ ngày thứ Sáu vừa qua. “Tôi sợ nhất là mình có thể không kịp chạy về với các con nếu có chuyện gì xảy ra”. Đáp lại lời chia sẻ này là hàng loạt những lời trấn an.
Về phần mình, các quan chức Hàn Quốc làm an lòng dân chúng bằng tuyên bố đủ khả năng bảo vệ đất nước. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố hôm 8/3 rằng chính phủ Triều Tiên sẽ “bốc hơi khỏi bề mặt Trái Đất” nếu họ dám sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo các chuyên gia, Triều Tiên hiện vẫn thiếu công nghệ để tạo một đầu đạn thu nhỏ có thể đặt vào đầu một tên lửa liên lục địa.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thì tuyên bố rằng bất kỳ quốc gia nào chỉ tập trung vào phát triển vũ khí hạt nhân thay vì nuôi sống người dân “cũng sẽ tự hủy diệt mình”.
“Triều Tiên khiến tôi đôi chút lo lắng nhưng tôi còn quá bận rộn với việc quản lý quầy hàng thực phẩm của mình để quan tâm tới đe dọa đó”, một cư dân Seoul 52 tuổi có tên Shin Jeong-sook khẳng định. “Tôi cũng không thấy khách hàng nói gì về chuyện Triều Tiên. Chẳng phải lúc nào họ cũng làm vậy hay sao?”.
Bridget Hogan, một giáo viên tiếng Anh người Mỹ tại đảo Jeju cho biết hầu hết những người bạn Hàn Quốc của cô đều tỏ ra bình thản. “Có thể tôi không thực sự khôn ngoan nhưng tôi không thấy lo lắng”, Hogan, một người đến từ California tuyên bố.
Không có gì ngạc nhiên khi người Triều Tiên đã tỏ ra quá quen với tình trạng đối đầu, vốn đã kéo dài từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. “Chai sạn chính là cách để đối phó với những đe dọa bởi nếu không nỗi sợ hãi sẽ khiến họ gặp nhiều vấn đề đến mức không thể sống một cách bình thường”, Kwak Keum-joo, một giáo sư tâm lý học tại đại học quốc gia Seoul khẳng định.
“Hãy thử tưởng tượng nếu ai cũng hoảng sợ mỗi khi bị đe dọa. Có lẽ chúng tôi cần tỉnh táo hơn”. Vị giáo sư này cũng cho biết, ngay cả khi một hòn đảo bị pháo kích năm 2010, người dân ở đây cũng không đổ xô đi tích trữ lương thực như đã từng xảy ra năm 1994.
Park Sin-young, một sinh viên 22 tuổi thì nói: “Chúng tôi sống chung với áp lực và có lẽ chuyện này sẽ kéo dài cả đời. Liệu chúng tôi có thể làm gì khác được?”
Theo dantri