Tác phẩm “Bán gạo” – Trong hạt gạo có mùi mồ hôi và nước mắt

28/06/18, 09:34 Đọc & Suy ngẫm

“Bán gạo” có lẽ nổi tiếng cũng bởi sự chân thực đúc kết từ đời sống của nữ tác giả. Ngôn từ gần gũi, có thể cảm nhận được mùi của gạo, của mồ hôi, nước mắt, cái gì đó đọng lại nơi cuống họng cảm giác nghẹn ngào. Khiến ta trân quý hơn từng hạt gạo.

Ảnh minh họa qua anhdep.pro.

Nữ tài tử Phi Hoa, tên thật là Trương Bồi Tường, là tác giả của truyện ngắn nổi tiếng “Bán gạo”. Cô từng đoạt giải nhất cuộc thi sáng tạo văn học lần thứ nhất của trường Đại học Bắc Kinh, dù tài cao nhưng bạc mệnh, một năm trước khi trao giải, cô vì căn bệnh bạch cầu nên đã ra đi.

Trương Bồi Tường sinh năm 1979, trong một gia đình nông thôn miền núi ở Lễ Lăng, Hồ Nam, từ nhỏ đã học tập trong sự khắc khổ. Năm 1997, cô thi vào trường Đại học Luật Bắc Kinh; năm 2001 lấy bằng thạc sĩ Luật; năm 2003  mắc phải căn bệnh bạch cầu, 3 tháng sau Trương Bồi Tường gần 24 tuổi thì qua đời. Lúc giới thiệu về cuộc đời của cô, toàn trường đã khóc lóc nghẹn ngào.

Trương Bồi Tường sinh năm 1979, trong một gia đình nông thôn miền núi ở Lễ Lăng, Hồ Nam. (Ảnh qua onesiteworld)

Những tác phẩm văn học của Trương Bồi Tường thực chất là sự tái hiện cuộc sống của chính cô, thậm chí nó còn gập ghềnh hơn cả những gì viết ra trong tác phẩm. Trương Bồi Tường khi còn sống từng làm phiên dịch và sáng tác, bao gồm tiểu thuyết, văn xuôi,… những chi tiết miêu tả trong các tác phẩm này đều là những gì mà chính tác giả đã trải qua.

Tác phẩm “Bán gạo” này không dùng ngôn từ hoa lệ, chỉ có những lời chân tình chất phác. Đọc xong chúng ta sẽ hiểu được, cuộc sống thật không dễ dàng, hi vọng chúng ta có thể dưỡng thành thói quen tốt đó là cần kiệm, trân quý cuộc sống tươi đẹp hiện tại.

_***_

Bán gạo

Tác phẩm “Bán gạo” – Đó là mùi mồ hôi và nước mắt của mẹ cha. (Ảnh qua onesiteworld).

Trời vừa mới tờ mờ sáng, mẹ đã gọi tôi dậy: “Quỳnh Bảo, hôm nay có phiên họp chợ, chúng ta gánh một ít gạo lên chợ bán lấy tiền mua thuốc cho cha con”.

Tôi mơ mơ màng màng mở mắt nhìn ra bên ngoài cửa sổ, mặt trời còn chưa xuất hiện. Tôi thực sự rất mệt nên cố nằm trên giường một lát.

Tiếng ho khan của cha từ phòng bên cạnh vọng qua, mẹ thì đang bận việc dưới bếp, mùi hương của thức ăn bay qua, từ từ xua tan cơn buồn ngủ của tôi. Tôi ngồi dậy, mặc quần áo vào, thu dọn giường chiếu.

“Chị ơi, em đi chợ với mẹ và chị được không? Chị mua kem cho em ăn nhé!” – Đứa em trai chạy đến phòng tôi, đầu tóc còn rối bù.

“Nghị Bảo, con không được đi, con ở nhà tưới nước”, tiếng của cha xen với tiếng ho khan từ phòng bên vọng tới. Đứa em trai có chút miễn cưỡng nói: “Cha, thời tiết nóng như thế này, hôm qua cha mới bị cảm nắng, hôm nay lại bảo con đi tưới nước, cha không sợ con cũng bị cảm nắng hay sao!”.

“Con người sợ nắng chẳng lẽ hoa màu không sợ à? Không ai đi tưới nước thì đất sẽ khô cằn, lúa mạ đều chết hết, cả nhà lấy không khí mà ăn chắc”, cha vừa tức giận, cơn ho đã trở nên nặng hơn.

Em trai lè lưỡi giả làm mặt hề chọc tôi, rồi chạy đến phòng của cha. Chỉ nghe được cha bắt đầu dặn dò nó tưới nước như thế nào, đi vào trong con đường nào để dẫn nước, tưới nước trước cho những gò đất cao, chỗ nào cần để ý tránh người khác chặn nước…

Ăn cơm xong, em trai liền đi tìm cây cuốc mà cha thường ngày vẫn hay dùng rồi đi ra ngoài. Tôi và mẹ bắt đầu xúc gạo vào sọt, sau đó cân lên một cái được hơn 80 cân (khoảng 40kg), còn cái kia được hơn 60 cân.

Tôi nói: “Mẹ, con gánh cái sọt nặng kia nhé”

“Con còn nhỏ, vai còn yếu, cứ để mẹ gánh”. Mẹ nói xong, khẽ khòm người gánh cái sọt gạo nặng kia lên. Tôi gánh cái nhẹ đi theo mẹ ra ngoài.

“Đi đường cẩn thận! Gạo nhà ta là gạo tốt, đừng bán rẻ nhé!”, cha khoác chiếc áo trên vai đứng trước cửa dặn dò.

Mẹ quay đầu lại dặn dò: “Biết rồi! ông vào giường nằm đi. Đồ ăn ở trong nồi, trưa ông gọi Nghị Bảo hâm lại mà ăn!”.

Chợ cách nhà chúng tôi khoảng 4 dặm, tôi và mẹ gánh gạo trên con đường ruộng nhỏ, vừa đi vừa nghỉ, phải mất hơn một giờ mới tới nơi. Người trên chợ đã đông, chúng tôi vội vàng tìm một chỗ trống, đặt đòn gánh xuống và ngồi lên đó, rồi cầm nón quạt.

Mới sáng ra đã nóng như thế này, buổi trưa thì sẽ càng nóng không chịu nổi, tôi lo lắng thay cho em trai. Nó đi tưới nước là phơi nắng cả ngày ở bên ngoài. Tôi nhìn quanh, phát hiện trên chợ có rất nhiều người bán gạo, hẳn là họ cũng đang cần tiền.

Người trên chợ đa số nhìn rất quen, đều là người ở vùng lân cận cách chừng 8 – 10 dặm, họ cũng đều là người làm ruộng. Tôi hỏi: “Vậy ai sẽ đến mua gạo hả mẹ?”. Mẹ nói: “Có nhà buôn sẽ tới thu mua gạo. Họ đi xe tới chợ vùng nông thôn thu mua gạo, rồi đưa lên thành phố, có thể kiếm được nhiều tiền”.

Tôi nói: “Họ dựa vào đâu mà kiếm được tiền vậy nhỉ? Hay chúng ta cũng đưa đến thành phố bán!”. Thực ra bản thân tôi cũng biết rõ là mình đang nói nhảm.

Quả nhiên mẹ nói: “Chúng ta có ít gạo thế này, lại không có xe, mang vào thành phố bán tiền kiếm được còn không đủ lộ phí đó. Trước kia khi cha con còn khỏe, một mình gánh 100 cân vào thành phố bán, cách mấy ngày lại đi một chuyến, tính ra cũng lời một ít”.

Trong lòng tôi thắt lại, thấy thương cha làm sao! Từ nhà đến thành phố cũng khoảng 30 dặm đường núi, ông gánh nặng như thế, hẳn là rất vất vả. Cũng bởi vì kiếm thêm chút tiền mới làm khổ mình như thế, thật không đáng. Nhưng chẳng còn cách nào khác, ngoài trồng trọt ra thì nhà cũng không có thu nhập khác, không bán gạo, thì lấy tiền đâu để cho tôi và em trai đi học?

Nghĩ đến đây, trong lòng tôi cảm thấy thật buồn. Nhìn người mẹ đang ở bên cạnh, tóc đã điểm hoa râm, gương mặt đen sạm cùng nhiều nếp nhăn, trên trán đầy mồ hôi, mắt có chút sưng đỏ. “Mẹ uống nước đi”, tôi đưa ấm nước cho mẹ, cầm nón quạt thay mẹ.

Những người buôn gạo cuối cùng cũng đã tới. Họ đi quanh xem xét chất lượng gạo của từng người, cắn thử hạt gạo, rồi cầm lên một nắm gạo nhìn kĩ càng.

Nhà buôn ra giá: “Một đồng lẻ năm”. Người bán gạo dường như thấy giá quá thấp, liền lên tiếng cò kè mặc cả. Các nhà buôn chắc nịch: “Không trả giá, chỉ một giá thôi, có bán hay không?”.

Thái độ nhà buôn rất cương quyết, dù sao, cả chợ đều là người bán gạo, chỉ có bọn họ là nhà buôn, bây giờ không thừa cơ ép giá thì chờ đến khi nào?

Mẹ chú ý quan sát tình hình rồi nói: “Một đồng lẻ năm thì rẻ quá, ở chợ còn bán được một đồng mốt rồi”.

Đang nói thì có một nhà buôn đi tới chỗ chúng tôi. Ông ta bốc một nắm gạo, nhìn kĩ qua ánh nắng: “Gạo này ngon đấy! Vừa trắng vừa đều, lại vừa sàng sạch sẽ, một hạt cát cũng không có!”. Mẹ cười, trong giọng nói có phần tự hào: “Đúng vậy, gạo nhà tôi là ngon nhất so với gạo của những người bán trên chợ này”.

Người đó gật đầu nói: “Gạo ngon thì ngon thật, nhưng mấy ngày nay trong thành phố giá gạo đang giảm, dù cho gạo có ngon cũng không bán được giá tốt, một đồng lẻ năm có bán không?”.

Mẹ lắc đầu: “Giá này có rẻ quá không? Trên chợ cũng đã bán một đồng mốt rồi. Hơn nữa, ông là người biết nhìn hàng, tiền nào của nấy, gạo của tôi khẳng định tốt hơn gạo nhà khác đấy!”.

Người kia lại nhìn gạo, do dự một chút rồi nói: “Vốn dĩ không thể trả giá, nhưng thấy gạo nhà chị ngon, tôi tăng giá lên một chút, một đồng lẻ tám, thế nào?”.

Mẹ vẫn lắc đầu, nói: “Không được, gạo nhà tôi đây ít nhất cũng bán được một đồng mốt. Ông tăng giá thêm một chút đi?”.

Người kia cười khẩy một cái, nói: “Hôm nay khẳng định chị không bán được giá một đồng mốt, tôi mua giá một đồng lẻ tám mà không bán, đợi lát nữa tan chợ, một đồng lẻ năm chị cũng không bán được đâu!”.

“Bán không được thì chúng tôi gánh về nhà!”, thái độ của nhà buôn đã chọc tức mẹ.

“Vậy bà đợi gánh về nhà đi nhé!”, người kia cười khẩy, nói xong rồi bỏ đi.

Tôi đứng bên cạnh nhìn, trong lòng tính toán, một đồng lẻ tám đến một đồng mốt, mỗi cân chênh lệch 2 xu. Ở đây có 150 cân gạo, tổng cộng là 3 đồng, đường xa như vậy, hà cớ gì lại phải gánh về? Bờ vai của tôi đang còn nhức đây.

Tôi nhẹ nhàng nói với mẹ: “Mẹ, một đồng lẻ tám thì một đồng lẻ tám, dù sao cũng chỉ là 3 đồng. Hơn nữa còn chờ tiền để mua thuốc cho cha nữa”.

Dường như mẹ có chút tức giận: “Vậy đâu được, 3 đồng không phải là tiền sao? Hơn nữa, không chỉ là chuyện của 3 đồng, làm kinh doanh cũng phải có chút lương tâm, gạo chúng ta vất vả mới trồng ra, chất lượng cũng tốt, sao có thể bán đổ bán tháo như vậy?”

Tôi không dám nói lại, tôi biết rằng làm ruộng mệt đến cỡ nào. Cả mùa hè phải đi tưới nước, chẳng phải đã khiến cha mệt đến đổ bệnh đó sao? Đứa em trai mới chỉ 12 tuổi, còn phải vác cuốc đi tưới nước. Dù sao đây cũng là kế sinh nhai của gia đình!

Lại có mấy nhà buôn đi tới họ đều đưa ra giá một đồng lẻ năm. Có một vài người trả lên một đồng lẻ tám, và không chịu thêm giá. Mẹ vẫn không chịu bán. Người dần dần ít đi, tôi có chút sốt ruột, tôi nghĩ mẹ nhất định cũng đang lo lắng. Tôi nói: “Mẹ, mẹ đi qua bên gốc cây mát mẻ kia ngồi một chút đi!”. Mẹ vừa lau mồ hôi, vừa lắc đầu: “Không được. Mẹ đi rồi, người ta tới mua gạo thì làm thế nào? Con lại không biết trả giá!”.

Tôi cảm thấy xấu hổ, “trăm người vô dụng nhất là thư sinh”, tuy rằng học tốt ở trên trường, nhưng với những chuyện như thế này lại kém xa mẹ.

Lại có vài người đến mua gạo, bởi vì gạo nhà tôi ngon, nên tất cả mọi người đều qua đây xem, nhưng ai cũng không chịu trả giá một đồng mốt. Nhìn mặt trời đã lên trên đỉnh đầu, tôi cảm thấy đói bụng, liền mang cơm ra 2 mẹ con cùng ăn. Mẹ ăn được 2 bát rồi không ăn nữa, tôi biết mẹ lo bán không được gạo, trong lòng sốt ruột.

Mẹ thở dài: “Không biết có bán được không đây?”

Tôi liền nói: “Bằng không thì bán giá rẻ một chút đi mẹ”.

Mẹ nói: “Mẹ biết phải làm gì mà”.

Buổi chiều càng ít người, nắng càng gắt, ai tình nguyện ở trên chợ phơi nắng chứ. Nhìn mẹ, mồ hôi làm áo dính hết trên lưng, gương mặt đen nhánh lộ ra vết ửng đỏ vì phơi nắng. “Mẹ, để con thay mẹ trông, mẹ đi vào suối ngâm tí đi”. Nhưng mẹ vẫn lắc đầu: “Không được, mẹ bị phong thấp, không thể ngâm trong nước. Con sợ nắng thì qua bên gốc cây kia ngồi đi”.

“Không cần đâu, con không sợ phơi nắng”

“Vậy con đi mua kem ăn đi”. Mẹ nói xong liền móc trong túi quần ra 2 đồng.

Tôi thích ăn kem, ngon nhất là loại kem bồ đào, 2 đồng một cây, cũng không phải là đắt. Nhưng đột nhiên hôm nay tôi lại không muốn ăn nữa: “Mẹ, con không ăn, uống nước được rồi”.

Thời điểm nóng nhất cũng qua rồi, trong chớp mắt chợ đã tàn. Những người bán tạp hóa cũng bắt đầu hạ giá bán phá giá, người bán rau, bán dưa hấu cũng đều hô lớn: “Chợ tan rồi, bán rẻ đây!”.

Tôi nhìn bốn phía, người bán gạo trên chợ đã ít đi, đa số họ đã bán hết và đi về rồi. Mẹ cũng lo lắng, mồ hôi ra càng nhiều. Cuối cùng có nhà buôn đến: “Gạo này có bán không? Một đồng lẻ năm, không trả giá!”.

Mẹ nói: “Ông xem gạo của tôi ngon như thế này! Trên chợ còn mua một đồng mốt…”

Không đợi mẹ nói hết câu, người kia sốt ruột nói: “Giá thị trường không giống nhau! Muốn bán một đồng mốt, bà phải đợi gánh gạo về đấy!”.

Kỳ lạ ở chỗ mẹ không tức giận, mà còn cười nói: “Vậy một đồng lẻ tám, ông muốn mua hay không?”

Người kia khịt mũi, nói: “Chị ra cái giá này, ngay lúc bắt đầu còn khó bán, bây giờ chợ đã tan rồi, ai mà mua nữa? Nằm mơ à!”

Mặt mẹ đột nhiên trắng bệch ra, trắng lên cả môi, nhưng mẹ không nói gì cả. Tôi đứng bên cạnh nhịn không được bèn xen vào: “Không mua thì thôi, ai mà thèm? không mua thì ông đừng có đứng đây cản đường!”.

Người kia cười khẩy nói: “Cô gái, đừng tức giận như thế, giữ sức đợi lát nữa gánh gạo về nhà đi!”.

Người kia đi rồi, tôi bực bội trách mẹ: “Lúc bắt đầu người ta ra giá một đồng lẻ tám mẹ không bán, giờ thì hay rồi, người ta còn không muốn mua nữa”.

Dường như mẹ có chút xấu hổ, nhưng cũng không chịu nhận: “Vốn dĩ tiền nào của nấy, gạo ta là gạo tốt, đâu thể bán đổ bán tháo được. Lúc ra khỏi nhà cha con cũng dặn phải bán giá tốt còn gì?”.

“Mẹ còn nói cha nữa à! Cha bệnh ở nhà, trông chờ vào tiền bán gạo này để chữa bệnh! Người quan trọng hay tiền quan trọng?”

Mẹ không nói lại gì, một lát sau, khẽ nói: “Lát nữa người ta ra giá một đồng lẻ năm cũng bán nhé!”

Thế nhưng không có người đến mua gạo nữa, nhà buôn đã chở xe gạo mua được đi về rồi. Chợ vãn rồi, tôi và mẹ phơi nắng cả ngày, một hạt gạo cũng không bán được.

“Mẹ, về thôi, đừng sững sờ ở đó nữa”, tôi thu dọn khăn mặt, ấm nước, cà mèn, thúc giục mẹ về. Mẹ đang chần chừ, cuối cùng cũng đứng dậy.

“Mẹ, con gánh cái nặng nhé”

“Con còn nhỏ, vai còn yếu…..”

Không đợi mẹ nói xong, tôi đã gánh đòn gánh nặng lên. Mẹ cũng không nói gì nữa, gánh phần gạo nhẹ kia lên theo sau tôi, lên đường về nhà. Đòn gánh trên vai tôi rất nặng, tôi chỉ cảm thấy giống như một ngọn núi đè nặng. Đột nhiên tôi bị trượt chân, suýt nữa bị ngã. Tôi dồn hết sức lực còn lại vào đôi chân, nhưng đòn gánh trên lưng tôi vẫn cứ nghiêng xuống, làm rơi nhiều gạo ra ngoài.

“Con sao vậy?”, mẹ cũng đặt đòn gánh xuống rồi đi tới, nói, “Mẹ bảo con đừng gánh nặng như thế, con lại không nghe, làm đổ rồi đây này. Thật lãng phí quá”.

Lãng phí quá là câu cửa miệng của mẹ, tôi và em trai làm việc gì mẹ cũng đều trách mắng chúng tôi như thế.

Nhưng hôm nay tôi cảm thấy thật oan ức, cũng không biết tại sao lại như vậy.

“Con đứng đây đợi một lát, mẹ quay về nhà cầm cái gầu xúc đến quét gạo trên đất vào. Phí phạm thật đáng tiếc, nhặt lại có thể cho gà ăn!”, mẹ cũng không hỏi tôi có bị trật khớp không, chỉ lo tiếc gạo đổ.

Tôi biết tính của mẹ, bà luôn luôn là người “nói năng chua ngoa, lòng như đậu hũ”, tuy cũng thương tôi nhưng miệng lại phải mắng tôi vài câu. Nghĩ đến đây, tôi cũng không thấy uất ức nữa.

Tôi nói: “Mẹ đi về rồi phải quay lại cũng đi 6, 7 dặm đường, thời gian không còn sớm nữa”.

Mẹ hỏi: “Vậy gạo rơi trên đất này phải làm sao?”

Tôi nhanh trí tháo cái nón đội trên đầu xuống: “Đựng trong cái này được rồi!”

Mẹ tôi cười nói: “Vẫn là con thông minh, học sinh thông minh”

Nói xong, chúng tôi liền ngồi xổm người xuống, lấy tay hốt những hạt gạo rơi trên nền đất để vào nón, sau đó đặt nón vào cái sọt, rồi tiếp tục gánh về nhà.

Chúng tôi về tới nhà, em trai cũng đã về rồi, mẹ liền vội vàng nấu cơm tối, tôi kể lại với cha quá trình bán gạo. Cha nghe xong, cũng không trách mẹ mà chỉ nói: “Các nhà buôn cũng thật quá đáng, cả thành phố đều mua một đồng lẻ năm, áp giá thấp như vậy! Như thế là kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt của nông dân, thật không có lương tâm!”.

Tôi nói: “Cha, cũng không có tiền mua thuốc cho cha, làm sao đây?”

Cha nói: “Cha đã nói không cần mua thuốc rồi mà, qua hai ngày sẽ khỏi thôi, tiêu tiền vào mấy cái uổng phí làm gì!”

Buổi tối, cơn ho của cha càng nặng hơn. Mẹ nói với tôi: “Quỳnh Bảo, ngày mai là phiên chợ huyện, chúng ta vất vả một chút, gánh gạo tới chợ đi bán, để lấy tiền mua thuốc cho cha con”.

“Chợ huyện ư? Xa thế, mười mấy dặm đó mẹ!”

Cha nói: “Ngày mai 2 mẹ con gánh ít gạo thôi, mỗi người gánh 50 cân là đủ rồi”.

Tôi nghĩ đến đường núi dài dằng dặc kia, không khỏi có chút chán nản: “Vậy ngày mai bán không được cũng lại gánh về hả mẹ? Mười mấy dặm đường núi đi về, còn gánh gạo nữa, không phải là nói đùa đấy chứ?”.

Mẹ nói: “Không đâu, ngày mai một đồng lẻ tám cũng được, một đồng lẻ năm cũng được, nói chung đều bán hết!”.

Trong lời nói của mẹ có ít nhiều chua xót và bất đắc dĩ, tôi nghe được điều đó, nhưng không biết an ủi mẹ thế nào. Trong lòng tôi rất buồn, cảm thấy muốn khóc. Tôi nghĩ đừng để mẹ nhìn thấy, muốn khóc thì trốn trong chăn mà khóc. Nhưng thực sự tôi quá mệt rồi, đầu mới kề đến gối đã ngủ thiếp đi, ngủ thật ngon thật say…

_***_

Tác phẩm không dài, nhưng đọc xong khiến người ta có cảm giác chua xót, cảm thấy có cái gì đó nghẹn ngào trong lòng. Ai biết trong mâm cơm mỗi ngày, mỗi hạt cơm đều là sự vất vả, đối với một gia đình mà nói, mỗi hạt gạo đều phải được trân trọng, đều không dễ dàng có được, đều là sự sống còn.

Ngập tràn những chông gai khúc khuỷu, đó mới là bản chất của cuộc sống. Chỉ mong mỗi người khi đối diện với khổ nạn, đều có thể giữ được tâm thái lạc quan, nỗ lực làm việc. Cuộc sống luôn có hồi báo.

Tuệ Tâm, theo Onesiteworld

Ad will display in 09 seconds

Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Vén màn vở kịch được diễn suốt 20 năm tại Trung Quốc

Ad will display in 09 seconds

Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

Ad will display in 09 seconds

Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

Ad will display in 09 seconds

Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

Ad will display in 09 seconds

Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Obama đã lừa dối nước Mỹ như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nhiều người luôn cảm thấy cuộc đời đau khổ

  • Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

    Bí ẩn dự án du hành thời không Montauk

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Vén màn vở kịch được diễn suốt 20 năm tại Trung Quốc

    Vén màn vở kịch được diễn suốt 20 năm tại Trung Quốc

  • Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

    Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

  • Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

    Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

  • Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

    Phần 1: Tiết lộ sự thật về tam giác quỷ Bermuda

  • Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

    Khoa học đã lừa gạt chúng ta như thế nào?

  • Obama đã lừa dối nước Mỹ như thế nào?

    Obama đã lừa dối nước Mỹ như thế nào?

  • Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

    Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

  • Vì sao nhiều người luôn cảm thấy cuộc đời đau khổ

    Vì sao nhiều người luôn cảm thấy cuộc đời đau khổ

x