Đường đến đỉnh cao quyền lực của các lãnh đạo TQ
Ngày càng có nhiều ủy viên bộ Chính trị Trung Quốc có bằng tiến sĩ, thạc
sĩ. Chỉ có 4 kỹ sư, ít hơn hẳn các cộng sự với những nền tảng kinh tế,
tài
chính và quản trị doanh nghiệp.
Tôn Chính Tài có bằng tiến sĩ tại ĐH Nông nghiệp Trung Quốc năm 1997. Luận án của ông là sự thử nghiệm các loại phân bón khác nhau cho luân canh cây trồng.
Đối với nước tiêu thụ và trồng ngũ cốc lớn nhất thế giới, loại hình nghiên cứu này là rất quan trọng để cải thiện mùa màng. Nhưng nó khác với cái gọi là “nền tảng” của các nhà lãnh đạo chính trị tại Trung Quốc – nước có truyền thống các nhà lãnh đạo hàng đầu với xuất phát điểm là kỹ sư.
Ông Tôn đại diện cho một trong những xu hướng thay đổi của nền chính trị Trung Quốc. Những người có nền tảng giáo dục cao trong nhiều lĩnh vực đang ngày một gia tăng ở hàng ngũ lãnh đạo cấp cao.
Ông Tôn Chính Tài, 49 tuổi, trở thành uỷ viên bộ Chính trị Trung Quốc tại kỳ đại hội đảng tháng 11 vừa qua, là một trong 5 tiến sĩ của cơ quan quyền lực cao nhất Trung Quốc.
Ban Thường vụ bộ Chính trị Trung Quốc. Ảnh: foreignpolicy |
Một số chuyên gia nói sự gia tăng đội ngũ lãnh đạo trình độ cao phản ánh sự tiến bộ trong đảng cầm quyền Trung Quốc. Một thế hệ những người lính làm cách mạng đã nhường chỗ cho các kỹ sư kỹ trị dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá tiếp sau. Những kỹ sư ấy giờ đây lại dần chuyển giao quyền lực cho các nhà lãnh đạo khả năng tốt hơn để điều hành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Khi xã hội trưởng thành, sẽ luôn là có lợi nếu có một đội ngũ lãnh đạo với các nền tảng đa dạng”, Gong Peng, giáo sư tại Trung tâm hệ thống khoa học trái đất, ĐH Thanh Hoa nói. “Họ sẽ mang tư duy và những kỹ năng khác nhau tới cho việc quản lý”.
Lãnh đạo tương lai
Ngày càng có nhiều thành viên bộ Chính trị Trung Quốc có bằng tiến sĩ. Tổng bí thư Tập Cận Bình từng nghiên cứu về thị trường nông thôn tại ĐH Thanh Hoa, phó thủ tướng Lý Khắc Cường lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại ĐH Bắc Kinh. Bà Lưu Diên Đông nghiên cứu phát triển chính trị Trung Quốc tại ĐH Cát Lâm và ông Lý Nguyên Triều theo đuổi ngành văn hoá nghệ thuật xã hội chủ nghĩa trong luận án tại trường đảng trung ương Trung Quốc.
Bộ Chính trị còn có 9 thành viên có bằng thạc sĩ và ba người có bằng cấp cao hơn. Nó khác hẳn với các thành viên bộ chính trị khoá 14 năm 1992. Chỉ có ông Hồ Cẩm Đào và ông Ôn Gia Bảo – những người trở thành lãnh đạo Trung Quốc một thập niên sau đó – là có bằng đại học.
Sự thay đổi về bề rộng cũng khá ấn tượng. 10 năm trước, 15/20 thành viên bộ Chính trị theo ngành kỹ sư hay khoa học vật lý. Ở những vị trí cao nhất, nền tảng kỹ sư chiếm ưu thế.
Trong 9 thành viên Thường vụ bộ Chính trị được bổ nhiệm năm 2002 có 8 người là kỹ sư và 1 nhà địa chất, 4 người trong số đó tốt nghiệp ĐH Thanh Hoa. Bộ Chính trị hiện nay chỉ có 4 kỹ sư, ít hơn hẳn các cộng sự với những nền tảng kinh tế, tài chính và quản trị doanh nghiệp. Nó cũng thể hiện sự gia tăng đáng kể các thành viên theo ngành luật học, nhân văn và khoa học xã hội. 7 thành viên Thường vụ bộ Chính trị cũng chỉ có hai kỹ sư: ông Tập Cận Bình có bằng kỹ sư hoá chất và ông Du Chính Thanh – Học viện Kỹ thuật quân sự ở Cáp Nhĩ Tân, chuyên ngành tên lửa đạn đạo.
Với một số nhà giáo dục Trung Quốc, sự hiện diện ít hơn của các kỹ sư trong hàng ngũ lãnh đạo là xu hướng tiến triển đáng hoan nghênh sau nhiều thập niên mà các nhà lãnh đạo kỹ trị – thường được đào tạo ở Liên Xô – chiếm ưu thế trong bộ máy hoạch định chính sách. “Các kỹ sư không học nhiều về quản lý có thể không phải là những nhà quản lý tốt, những nhà lãnh đạo tốt”, giáo sư Gong của ĐH Thanh Hoa nói. “Tôi nghĩ điều này sẽ cải thiện chất lượng quản lý ở Trung Quốc”.
Lãnh đạo am hiểu
Đầu những năm 1980, lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã chỉ thị thúc đẩy một đội ngũ các nhà lãnh đạo được giáo dục tốt hơn, những người có thể thúc đẩy cải cách thị trường của Trung Quốc.
Các nhà phân tích chính trị và đào tạo cho rằng, trong bước phát triển tiếp theo, việc Trung Quốc trở thành một quốc gia thương mại lớn với sức mạnh quân sự ngày một phát triển cũng là áp lực khiến đảng cầm quyền phải chọn lựa các nhà lãnh đạo có nền tảng giáo dục tốt hơn, am hiểu hơn.
“Vì quốc gia đang thay đổi và thế giới đang thay đổi, nó đòi hỏi sự am hiểu hàng loạt vấn đề một cách sâu sắc hơn”, Yu Maochun, chuyên gia chính trị Trung Quốc tại Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, Maryland nhấn mạnh.
Một số chuyên gia khác còn đề cập tới việc liệu bằng cấp giáo dục có quan trọng như sự trung thành và mối quan hệ gia đình trong một hệ thống chính trị mà rất nhiều nhà lãnh đạo cấp cao (gồm cả ông Tập Cận Bình) là các “thái tử” hay con cháu những nhà lãnh đạo cách mạng kỳ cựu trước đây.
Trải nghiệm địa phương
Năm 1992, chỉ có 9 trong số 23 thành viên bộ Chính trị Trung Quốc từng là bí thư tỉnh uỷ hay thành uỷ. Trong bộ Chính trị hiện tại, 19/25 thành viên đã từng hay đang nắm giữ các vị trí tương đương, trong đó có ông Tôn Chính Tài làm bí thư thành uỷ Trùng Khánh.
Rất nhiều người làm kỹ sư nắm giữ vị trí cấp cao, trong đó có chủ tịch Hồ Cẩm Đào, từng dành thời gian lớn làm việc ở những lĩnh vực không liên quan. “Họ không thực sư là kỹ sư theo khái niệm phương Tây”, chuyên gia Yu nói. “Họ tiến thân vào chính trị. Sự nghiệp của họ không dành cho khoa học mà tập trung vào hệ thống chính trị”.
Mặc dù đội ngũ lãnh đạo cấp cao ngày càng đa dạng về nền tảng giáo dục, nhưng một đặc trưng chưa từng thay đổi, đó là ưu thế thuộc về nam giới. Chỉ có hai gương mặt nữ trong bộ Chính trị nước này hiện nay là bà Lưu Diên Đông và Tôn Xuân Lan.
Thái An (theo Reuters)
(vietnamnet.vn)