Hoạn Thư có thật sự là một người đàn bà ghen tuông, độc ác?

28/04/18, 10:48 Tri thức

Không một người Việt Nam nào mà không biết tên Hoạn Thư và cái “đức” ghen của nàng. Nhưng có lẽ ít người tìm hiểu sâu xa về cái “đức” ghen đó. Ai cũng cho rằng Hoạn Thư là con người thâm độc, nham hiểm, tàn nhẫn khi hành hạ Thúy Kiều. Vì thế, tên Hoạn Thư đồng nghĩa với sự ghen tuông độc ác của một người đàn bà.

Trong thập niên 50, đầu 60, ở miền Nam Việt Nam, báo chí đã tường thuật nhiều vụ đánh ghen rất khủng khiếp. Có người thì đốt cho chồng cháy như cây đuốc (mà danh ca Trần Văn Trạch đã có bài hát “Đốt hay không đốt”), và có kẻ thì tạt át xít vào mặt tình địch, hủy hoại nhan sắc xinh đẹp của một cô vũ nữ… Như vậy, so với cái ghen của Hoạn Thư còn độc ác gấp ngàn lần. Thế mà không ai “nổi tiếng” bằng Hoạn Thư. Và người đời vẫn chỉ nhớ đến Hoạn Thư mỗi khi nói tới ghen tuông.

Thật ra, nếu tìm hiểu kỹ hơn về cách đánh ghen của Hoạn tiểu thư trong Đoạn Trường Tân Thanh, chúng ta sẽ thay đổi thái độ với nàng, chứ không khắc nghiệt như hiện nay. Điều mà những người đọc Kiều ít quan tâm tới là tâm trạng giận chồng của Hoạn Thư. Thoạt tiên, nàng không hề thù ghét Kiều :

Từ nghe vườn mới thêm hoa,
Miệng người đã lắm, tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
Giận người đen bạc ra lòng trăng hoa.
Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dong kẻ dưới mới là lượng trên.
Dại chi chẳng giữ lấy nền,
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình.

Sở dĩ Hoạn Thư không muốn “rước lấy tiếng ghen” vì lễ giáo của nhà Nho không phản đối việc người đàn ông có thể đèo bòng tới “năm thê, bảy thiếp” miễn phải thông báo cho bà chính thất biết. Bà chính thất là “vợ cái con cột” nắm quyền “nội tướng” (tương đương với bộ trưởng Nội vụ) trong gia đình. Ngoài ra, Hoạn Thư không dám ghen vì nàng còn có một nhược điểm quan trọng là chưa có con để nối dõi tông đường.

Khi Thúc Sinh đang đắm đuối trong tình yêu mới được chính quan phủ sở tại ở Lâm truy se duyên, Kiều sáng suốt nhận ra rằng chàng Thúc phải qua thủ tục “thông báo” cho đúng lễ nghi :

Xin chàng liệu kíp lại nhà,
Trước người đẹp ý, sau ta biết tình.
Đêm ngày giữ mực giấu quanh,
Rày lần mai lữa như hình chưa thông!

Dù không muốn xa Kiều, nhưng thấy lời khuyên của nàng rất hợp lý, chàng Thúc “đành lòng Sinh mới quyết lòng hồi trang”. Rồi khi tiễn biệt, Kiều còn nhắc nhở :

Nàng rằng: Non nước xa khơi,
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm.
Dễ lòa yếm thắm trôn kim,
Làm chi bưng mắt bắt chim khó lòng.
Đôi ta chút nghĩa đèo bòng,
Đến nhà trước hãy nói sòng cho minh.
Dù khi sóng gió bất tình,
Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi.
Hơn điều giấu ngược giấu xuôi,
Lại mang những việc tày trời đến sau.

Cái ghen nhân từ của Hoạn Thư

Nhưng khi về đến nhà, Thúc Sinh lại quên hết lời dặn dò của Kiều, chỉ vì Hoạn Thư chẳng đả động gì tới chuyện “vợ lẽ” :

Mấy phen cười nói tỉnh say,
Tóc tơ bất động mảy may sự tình.

Có lẽ nàng Hoạn muốn chồng phải lên tiếng trước. Nhưng Thúc lại không hiểu như vậy, nên :

Nghĩ đà bưng kín miệng bình,
Nào ai có khảo mà mình lại xưng?
Những là e ấp dùng dằng,
Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi.

Phải chăng vì chờ mãi không thấy chồng đề cập tới chuyện có vợ nhỏ ở Lâm Truy, Hoạn Thư đã khéo léo mở hé một cánh cửa cho chồng bước vào :

Rằng: Trong ngọc đá vàng thau,
Mười phần ta đã tin nhau cả mười.
Khen cho những miệng dông dài,
Bướm ong lại đạt những lời nọ kia.
Thiếp dù vụng, chẳng hay suy,
Đã dơ bụng nghĩ lại bia miệng cười.

Nếu nhân dịp này, Thúc mạnh dạn cho biết chàng mới có vợ nhỏ, chắc chắn Hoạn phải đành lòng chấp thuận. Nhưng, tiếc thay, Thúc lại ngu xuẩn nghĩ :

Thấy lời thủng thẳng như chơi,
Thuận lời chàng cũng nói xuôi đỡ đòn.

Thế rồi chàng ở nhà cả năm trời mà không nói được gì. Khi chàng nhấp nhỏm muốn ra đi, nhưng lại nhút nhát không dám ngỏ lời. Hoạn Thư biết ý, khôn khéo lên tiếng trước:

Tình riêng chưa dám rỉ răng,
Tiểu thư trước đã liệu chừng nhủ qua:
Cách năm, mây bạc xa xa,
Lâm Truy cũng phải tính mà thần hôn.

Bất ngờ được vợ cho phép, Thúc mừng quá, bèn :

Vó câu thẳng ruổi nước non quê người.

Thế là bao nhiêu lời dặn dò, cảnh cáo của Thúy Kiều thành vô ích hết. Cái mục đích về để “thông báo” không được thực hiện.

Vì không được chính thức thông báo, Hoạn Thư bây giờ có quyền thi hành kế hoạch riêng của mình với sự tính toán chu đáo.

Kế hoạch của Hoạn Thư là cho một đội “biệt kích” chớp nhoáng vượt biển sang Lâm Truy bắt cóc Thúy Kiều đem về Vô Tích để hành hạ anh chồng phản bội cho bõ ghét. Bọn Khuyển, Ưng, tay sai của họ Hoạn, đã thành công mỹ mãn trong vụ bắt cóc này. Chúng còn khôn khéo đánh tráo một cái xác vô thừa nhận ở bên sông để làm lạc hướng nhà họ Thúc. Chúng không đưa Thúy Kiều thẳng về nhà Hoạn Thư mà đưa về cho phu nhân, mẹ Hoạn Thư, đánh phủ đầu và dạy nghề làm tôi tớ. Khi Kiều đã trở thành một thị tì quen việc, Hoạn Thư mới đưa tình địch về nhà mình. Nhưng nàng ghen thì ít mà giận chồng thì nhiều nên đối với Kiều cũng không khắc nghiệt quá đáng. Một hôm, nàng hỏi đến tài đánh đàn của Kiều :

Phải đêm êm ả chiều trời,
Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày.
Lĩnh lời nàng mới lựa dây,
Nỉ non thánh thót dễ say lòng người !
Tiểu thư xem cũng thương tài,
Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân.

Như vậy, rõ ràng Hoạn Thư không giống những người đàn bà đánh ghen khác. Nàng đã có lòng khoan nhân với tình địch. Những người (cả đàn ông lẫn đàn bà) đang trong cơn ghen, thấy tình địch là muốn băm vằm, đâm chém cho hả cơn ghen. Thế mà Hoạn Thư lại “thương tài” tình địch và còn bớt nghiêm khắc đi vài phần. Như vậy không phải là cái ghen bình thường của những phụ nữ khác. Có thể nói nàng là một người đàn bà hiếm có trên cõi đời này.

Trong khi đó, Thúc Sinh đi đường bộ về đến Lâm truy thì Thúc ông đã lo xong việc tang lễ cho Kiều (thực ra là cái thây vô chủ) :

Lễ thường đã đủ một hai,
Lục trình chàng cũng đến nơi bấy giờ.
Bước vào chốn cũ lầu thơ,
Tro than một đống, nắng mưa bốn tường.
Sang nhà cha, đến trung đường,.
Linh sàng bài vị thờ nàng ở trên.

Thúc vật vã khóc than, rồi nhờ thầy phù thủy đánh đồng thiếp xuống âm phủ tìm Kiều. Thầy pháp xuất thần một lát rồi trở về cho biết Kiều còn sống và phải đợi một năm nữa hai người mới được gặp nhau, nhưng :

Hai bên giáp mặt chiền chiền,
Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay.

Nửa tin nửa ngờ, chàng khắc khoải sống trong nỗi thương nhớ Kiều khoảng một năm trời thì nguôi ngoai. Nhớ nhà, chàng trở về Vô Tích với Hoạn Thư. Sau khi hai vợ chồng hàn huyên, Hoạn cho gọi Kiều ra. Lúc đó hai người mới “tá hỏa tam tinh” .

Nhà hương cao cuốn bức là,
Phòng trong truyền gọi nàng ra lạy mừng.
Bước ra một bước một dừng,
Trông xa nàng đã tỏ chừng nẻo xa.
Phải rằng nắng quáng đèn lòa,
Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc sinh ?
Bây giờ tình mới tỏ tình,
Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai!

Còn Thúc thì hoảng sợ vô cùng :

Sinh đà phách lạc hồn xiêu,
Thương ôi! Chẳng phải nàng Kiều ở đây?
Nhân làm sao đến thế này?
Thôi thôi, ta đã mắc tay ai rồi!

Cả hai đều không dám trái lời Hoạn Thư, nên kẻ thì :

Sợ uy dám chẳng vâng lời,
Cúi đầu nép xuống sân mai một chiều.

người thì :

Sợ quen dám hở ra lời,
Khôn ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ sa.

Bây giờ đến màn đánh ghen của Hoạn Thư. Nàng sai bày tiệc rượu, gọi là tiệc “tẩy trần” và bắt Kiều hầu rượu :

Vợ chồng chén tạc chén thù,
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi.
Bắt khoan bắt nhặt đến lời,
Bắt quì tận mặt, bắt mời tận tay.

Cái ghen nhân từ của Hoạn Thư

Thương người yêu bị hành hạ, Thúc cáo say, từ chối. Hoạn Thư dọa đánh Kiều, chàng đành “chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay.” Sau đó, Hoạn Thư còn bắt Kiều đàn cho Thúc nghe :

Bốn dây như khóc như than,
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.
Cùng trong một tiếng tơ đồng,
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.
Giọt châu lã chã khôn cầm,
Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt sương.

Nhưng khi Kiều bị Hoạn Thư thét mắng về tội làm Thúc buồn, Thúc lại phải

Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua.

Màn đánh ghen của Hoạn Thư đến đây là hết :

Giọt rồng canh đã điểm ba,
Tiểu thư nhìn mặt dường đà cam tâm.
Lòng riêng khấp khởi mừng thầm,
Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay.

Như vậy cuộc đánh ghen quá nhẹ so với bất cứ cuộc đánh ghen nào khác trên cõi đời này. Sau trận đánh ghen nhân từ, rất trí tuệ và độc đáo của Hoạn Thư, Kiều tiếp tục làm bổn phận của một thị tì, nhưng lúc nào cũng tỏ vẻ buồn rầu. Hoạn Thư động lòng mới hỏi nguyên do. Kiều thưa:

Lựa lời nàng mới thưa qua,
Phải khi mình lại xót xa nỗi mình.

Hoạn Thư bèn nhờ chồng hỏi lại cho rõ chuyện. Kiều dâng lên một lá đơn :

Cúi đầu quì trước sân hoa,
Thân cung nàng mới dâng qua một tờ.
Diện tiền trình với tiểu thư,
Thoắt xem dường có ngẩn ngơ chút tình.
Liền tay trao lại Thúc sinh,
Rằng: Tài nên trọng mà tình nên thương!
Ví chăng có số giầu sang,
Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên !
Bể trần chìm nổi thuyền quyên,
Hữu tài thương nỗi vô duyên lạ đời.

Sau đó, Hoạn chiều theo ý Kiều mà cho nàng được đi tu :

Tiểu thư rằng: Ý trong tờ,
Rắp đem mệnh bạc xin nhờ cửa không.
Thôi thì thôi cũng chiều lòng,
Cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra.

Điều này chứng tỏ Hoạn Thư rất rộng lượng với Kiều. Ngoài ra, Hoạn Thư làm như vậy cũng là để giữ thể diện cho bản thân và cho gia đình vì Kiều không phải là một loại con hầu thông thường. Vì hoàn cảnh éo le, nàng đã trở thành một loại nô lệ cho nhà họ Hoạn. Ngay lúc đầu, Hoạn bà đã nói rõ :

Đã đem mình bán cửa tao,
Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này!

Rồi chính Hoạn Thư cũng xác nhận như vậy :

Rằng: Hoa nô đủ mọi tài…

Cái ghen nhân từ của Hoạn Thư

Bây giờ Hoạn cho Kiều đi tu, tình trạng nô lệ vẫn còn nhưng được nhẹ bớt đi rất nhiều. Vì thế, nhân lúc vợ vắng nhà, Thúc sinh lẻn ra “Quan Âm các” thăm Kiều, nàng đã cầu khẩn xin Thúc:

Liệu bài mở cửa cho ra,
Ấy là tình nặng, ấy là ân sâu.

Trong khi hai người đang kể lể, than khóc thì Hoạn Thư trở về. Nhưng nàng không xuất hiện ngay :

Hoa rằng: Bà đến đã lâu,
Dón chân đứng núp độ đâu nửa giờ.
Rành rành kẽ tóc chân tơ,
Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường.
Bao nhiêu đoạn khổ tình thương,
Nỗi ông vật vã, nỗi nàng thở than.
Ngăn tôi đứng lại một bên,
Chán tai rồi mới bước lên trên lầu.

Vụ “nghe lén” này đã làm Hoạn Thư an tâm, không còn sợ mất chồng nữa, vì Thúc đã dứt khoát cho Kiều biết dù còn thương nàng, chàng cũng không thể “lên thác xuống ghềnh” với nàng được :

Đã cam tệ bạc với tình,
Chúa xuân để tội một mình cho hoa.
Thấp cơ thua trí đàn bà,
Trông vào đau ruột, nói ra ngại lời.
Vì ta cho lụy đến người,
Cát lầm ngọc trắng, thiệt đời xuân xanh.
Quản chi lên thác xuống ghềnh,
Cũng toan sống thác với tình cho xong.
Tông đường chút chửa cam lòng,
Cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai.
Thẹn mình đá nát vàng phai,
Trăm thân dễ chuộc một lời được sao?

và chàng còn khuyên Kiều trốn đi :

Liệu mà xa chạy cao bay,
Ái ân ta có ngần này mà thôi.
Bây giờ kẻ ngược người xuôi,
Biết bao giờ lại nối lời nước non?

Hoạn Thư thấy cuộc đánh ghen của mình đã đạt kết quả tốt đẹp, nên khi xem Kiều viết Kinh thì tỏ ra vui vẻ :

Khen rằng: Bút pháp đã tinh,
So vào với thiếp Lan đình nào thua !
Tiếc thay lưu lạc giang hồ,
Nghìn vàng thực cũng nên mua lấy tài.

Phải nói rằng chưa có một người đàn bà nào lại khen ngợi tình địch đến như vậy. Vì thế, khi Kiều báo ân, trả oán, không thể trừng phạt nổi Hoạn Thư mà phải tha kẻ thù của mình. Trong cuộc báo ân, trả oán của Kiều, Hoạn Thư là tội phạm đứng đầu sổ :

Dưới cờ gươm tuốt nắp ra,
Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư.

Cái ghen nhân từ của Hoạn Thư

Ai cũng tưởng Hoạn nương sẽ phải lãnh một hình phạt rất nặng nề, không bị băm vằm thì cũng bị đánh nhừ xương. Nhưng, sau khi nghe Hoạn trình bày, Kiều phải tha cho nàng :

Rằng: Tôi chút dạ đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Nghĩ cho khi các viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng, riêng cũng kính yêu,
Chồng chung chưa dễ ai chiều được ai.
Trót lòng gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?

Trước những lý lẽ vững chắc đó, Kiều đành nói :

Tha ra thì cũng may đời,
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen
Đã long tri quá thì nên,
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.

Hai chữ “nhỏ nhen” chứng tỏ rằng Thúy Kiều cũng biết Hoạn Thư đã dễ dãi và rất rộng lương với mình, nên không có lý do gì mà hành hạ kẻ thù. Hay nói một cách khác Kiều hiểu Hoạn Thư không thực sự đánh ghen mà chỉ muốn “dằn mặt” Thúc Sinh vì cái tội có vợ nhỏ mà không “thông báo” cho đúng phép tắc. Hoạn đã nói rõ điều đó khi về bàn tính với mẹ :

Thưa nhà huyên hết mọi tình,
Nỗi chàng ở bạc, nỗi mình chịu đen.
Nghĩ rằng: ngứa ghẻ hờn ghen,
Xấu chàng mà có ai khen chi mình.

Đến đây chúng ta có thể nói rằng nếu Hoạn Thư đánh ghen (như người ta vẫn gán cho nàng) thì cuộc đánh ghen đã rất nhân từ, độ lượng, không giống những vụ đánh ghen độc ác, tàn nhẫn khác. Riêng chúng tôi nghĩ rằng Hoạn Thư muốn hành hạ Thúc Sinh, nhưng luân lý ngày xưa không cho phép vợ được hỗn láo, lăng loàn với chồng. Hoạn phải chọn Kiều để hành hạ vì biết rằng Thúc sẽ đau khổ hơn chính chàng bị hành hạ. Và Hoạn Thư đã đạt mục đích: Thúc không những đau khổ vô cùng mà còn đành phải “cắn răng bẻ một chữ đồng làm hai”. Hoạn Thư còn mong gì hơn nữa khi đã dành được chồng khỏi tay tình địch. Nàng đã mãn nguyện nên khi Kiều lấy trộm chuông vàng khánh bạc lẻn trốn đi, không sai người đuổi bắt lại.

Theo trithucvn

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

Ad will display in 09 seconds

Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

Ad will display in 09 seconds

LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

Ad will display in 09 seconds

Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

Ad will display in 09 seconds

Tôi vào Viện dưỡng lão, mang theo một chiếc ấm tử sa

Ad will display in 09 seconds

Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

Ad will display in 09 seconds

Bong bóng Chân Thiện Nhẫn

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

Ad will display in 09 seconds

Đấng giác ngộ đã từ bi nhẫn chịu vì chúng sinh như thế nào?

Ad will display in 09 seconds

Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

  • Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

    Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

  • Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

    Sự nghịch lý trong bài tập chống 'chết chìm' của hải quân SEAL

  • LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

    LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

  • Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

    Lương tâm trong sạch thì hạnh phúc

  • Tôi vào Viện dưỡng lão, mang theo một chiếc ấm tử sa

    Tôi vào Viện dưỡng lão, mang theo một chiếc ấm tử sa

  • Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

    Lòng trung thực đáng giá bao nhiêu?

  • Bong bóng Chân Thiện Nhẫn

    Bong bóng Chân Thiện Nhẫn

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Đấng giác ngộ đã từ bi nhẫn chịu vì chúng sinh như thế nào?

    Đấng giác ngộ đã từ bi nhẫn chịu vì chúng sinh như thế nào?

  • Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

    Vì sao kẻ đồ tể lại được về đất Phật ?

x