Cơn “địa chấn” #MeToo làm rung chuyển làng giải trí Hàn Quốc
Phong trào #MeToo ở Hàn Quốc đang “nóng” lên từng ngày, nhiều nghệ sĩ là những nhân vật “có máu mặt” trong làng giải trí xứ Kim chi tiếp tục bị vạch trần.
Ngày 5/10/2017, tờ The New York Times gây chấn động khi đăng tải bài viết vạch trần quá khứ đen tối của nhà sản xuất Harvey Weinstein , cáo buộc ông trùm Hollywood quấy rối tình dục hàng chục phụ nữ trong suốt 30 năm qua. Đã có hơn 80 phụ nữ, trong đó có những diễn viên nổi tiếng như Angelina Jolie, Gwyneth Paltrow, Cara Delevingne, lên tiếng tố cáo “vị chúa giải Quả cầu vàng” từng quấy rối hoặc tấn công tình dục họ.
Xuất phát từ scandal của Harvey Weinstein, một cuộc vận động đã được khởi xướng trên mạng xã hội với hashtag #MeToo (#TôiCũngVậy) nhằm vạch trần những hành vi quấy rối và tấn công tình dục, đặc biệt là tại nơi làm việc.
Hashtag này lần đầu được sử dụng bởi nhà hoạt động người Mỹ Tarana Burke và trở nên phổ biến nhờ bài đăng khuyến khích phụ nữ tweet #MeToo cùng câu chuyện của họ của nữ diễn viên phim Phép Thuật Alyssa Milano.
Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hàng triệu lượt hashtag #MeToo xuất hiện trên internet, đưa cuộc vận động #MeToo lan tỏa ra nhiều quốc gia trên thế giới và làm nên những sự thay đổi nhanh chóng chưa từng thấy trong nhiều năm trở lại đây.
Đến tháng 12/2017, tạp chí Time gây bất ngờ khi công bố danh hiệu Nhân vật của năm thuộc về “The Silence Breakers” – những người phá vỡ sự im lặng. Không phải Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Time đã trao danh hiệu này cho chính những nạn nhân từng dũng cảm đứng ra tố cáo nạn quấy rối tình dục.
Năm 2018, #MeToo đã không còn dừng lại ở phạm vi Hollywood hay Mỹ mà nó đã lan rộng trên khắp thế giới và gần đây đã đổ bộ làng giải trí xứ Hàn. Hàn Quốc tuy là nước phát triển nhưng vẫn là nước theo truyền thống Á Đông, nơi tiếng nói của phụ nữ luôn bị xem nhẹ. Rất nhiều những vụ xâm hại tình dục để lại hậu quả nặng nề ở quốc gia này đã được phanh phui nhưng kết quả sau đó hoàn toàn mập mờ, nói cách khác, những tên tội phạm vẫn sống một cách yên bình.
Cụ thể là trường hợp của nữ diễn viên phim Vườn Sao Băng Jang Ja Yeon năm 2009. Cô mắc bệnh trầm cảm và tự sát sau khi bị chính quản lý công ty ép quan hệ với đại gia và nhiều tên tuổi “máu mặt” trong giới giải trí. Di thư cô để lại đã tố cáo hàng loạt cái tên, nhưng sau khi điều tra cảnh sát lại khẳng định “không đủ bằng chứng” chứng minh những người này đã “cưỡng dâm” Ja Yeon.
Nhưng khi làn sóng nữ quyền và những chiến dịch đấu tranh cho phụ nữ bùng nổ, có rất nhiều nữ nghệ sĩ đã can đảm, đứng lên vạch trần những tên “yêu râu xanh”, vốn là những nghệ sĩ lớn, gạo cội trong ngành và được khán giả hết sức yêu mến. Và lần này, giới giải trí Hàn đã chung tay, cùng nhau chống lại những con người cũng như những hành vi xấu, ảnh hưởng đến hình ảnh của làng giải trí có sức ảnh hưởng nhất Châu Á.
Làn sóng #MeToo trong giới nghệ sĩ Hàn
Một số nghệ sĩ đã liên tục chia sẻ sự ủng hộ của bản thân đối với chiến dịch #MeToo trên các phương tiện truyền thông. Hastag #MeToo và #Withyou đã được sử dụng.
Nam diễn viên Lee Soon Jae
Một trong những cây đại thụ của nền điện ảnh Hàn Quốc, nam diễn viên 82 tuổi Lee Soon Jae được gọi với danh hiệu “Người ông quốc dân” luôn xuất hiện trong các vai diễn người ông, người bố đáng kính như trong phim Gia đình là số một.
Trong một bài phỏng vấn gần đây, vị diễn viên gạo cội đã chia sẻ suy nghĩ của mình. Ông nói: “Chứng kiến chiến dịch #MeToo nổ ra, tôi đã có cơ hội soi xét lại chính bản thân mình. Tôi đã vài lần tự hỏi, liệu trong suốt quá trình làm việc của mình, tôi có những hành vi như vậy hay không. Tôi nên đối xử tôn trọng với mọi người và tôi không thể cho phép bản thân mình được tùy tiện với các học viên của mình. Đây là cơ hội để tất cả mọi người trong xã hội soi xét lại chính mình”.
Nữ diễn viên Shin So Yul
So Yul trở thành nhân vật quen mặt của màn ảnh Hàn sau vai Yoojung trong phim Reply 1997. 12 năm trong nghề, nữ diễn viên xinh đẹp rất ủng hộ chiến dịch bảo vệ quyền lợi phụ nữ.
“Có bao nhiêu người phụ nữ đang phải âm thầm chịu đựng nỗi đau này? Tôi sẽ luôn ở bên các bạn”, So Yul chia sẻ trên trang cá nhân của mình.
Nữ diễn viên Choi Hee Seo
Làm “Diễn viên mới xuất sắc nhất năm 2017”, nữ diễn viên Choi Hee Seo cũng lên tiếng, khẳng định bản thân “muốn là một phần của chiến dịch này”.
“Tôi không thể thay đổi thế giới chỉ với vài ký tự trên lòng bàn tay, nhưng tôi hy vọng, từ hành động nhỏ này có thể biến thành làn sóng, tiến đến Nhà Xanh”.
Nữ diễn viên Lee Joo Young
Lee Joo Young là nữ diễn viên trẻ của màn ảnh nhỏ Hàn Quốc. Những phim có sự góp mặt của cô luôn đạt rating cao. Có thể kể đến phim Tiên nữ cử tạ Kim Bok Ju.
“Một số đồng nghiệp và người quen của tôi là nạn nhân. Khi tôi nhìn lại, tôi đã im lặng bất chấp sự giận dữ khi chứng kiến những tin tức này. Nghệ thuật không phải là cái cớ cho tội phạm. Giấc mơ luôn yếu hơn quyền lực, nhưng mọi thứ đang thay đổi. Sự thay đổi này không chỉ là một xu hướng, nó sẽ không biến mất, nó sẽ tiếp tục được lan truyền. Tôi xấu hổ, vì vậy tôi không thể nói rằng tôi đang ủng hộ hoặc cổ vũ. Thay vào đó, tôi sẽ luôn song hành (cùng các nạn nhân). Tôi sẽ cảnh giác và tỉnh táo hết sức có thể”, nữ diễn viên trải lòng.
Những động thái tích cực của chính quyền
Trên thực tế, các nạn nhân của nạn quấy rối tình dục không chỉ là nghệ sĩ hay những người làm trong ngành giải trí, mà nó có thể là bất cứ ai, bất cứ lĩnh vực nào.
Mới đây, một cán bộ đứng đầu tỉnh Nam Chungcheong, ông Ahn Hee-jung, đã dính cáo buộc quấy rối tình dục với nữ thư ký của mình trong thời gian còn đương nhiệm. Sau khi nhận được đơn thư tố cáo từ người thư ký, ngay lập tức ông này bị sa thải và phải đưa ra lời xin lỗi công khai đến nạn nhân.
Một linh mục Công giáo cũng bị cáo buộc đã có hành vi đồi bại với một nữ giáo dân. Một giáo sĩ cao cấp khác đã phải thay mặt nhà thờ gửi lời xin lỗi. Giáo phận thành phố Suwon đã đình chỉ công tác đối với linh mục trên.
Trích lời của tờ báo Yonhap Hàn Quốc, nhờ #MeToo mà “xã hội Hàn Quốc sẽ có sự thay đổi chóng mặt nhờ vào sự lớn mạnh của nữ quyền cũng như sự phản đối của các tầng lớp thấp đối với các thế lực lớn”.
Trước sự phản ứng mạnh mẽ của dân chúng, người đứng đầu Nhà Xanh, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định ông và chính quyền Hàn Quốc “luôn ủng hộ chiến dịch này”.
“Đây là một vấn đề đã bị trì hoãn lâu đến mức nó có thể bùng nổ bất cứ lúc nào”. Ông yêu cầu các cơ quan pháp lý mở các vụ điều tra hình sự, bởi vì số vụ án lạm dụng tình dục đang gia tăng. “Tôi hoan nghênh những người can đảm chia sẻ câu chuyện của họ”.
Ông Moon cũng nói thêm rằng Hàn Quốc “không thể chỉ giải quyết vấn đề này thông qua các luật lệ mà còn cần thay đổi về văn hoá cũng như thái độ của mọi người”.
Luật pháp Hàn Quốc cũng đã có những thay đổi về khung hình phạt cho tội danh quấy rối, xâm hại tình dục, đó là kéo dài từ 5 năm tù lên thành 7 năm tù giam.
Những người “trong tối” rốt cuộc cũng phải bước ra ánh sáng
Đến nay, đã có không ít những “yêu râu xanh” đã bị chiến dịch #MeToo vạch trần. Trong số đó có những diễn viên, đạo diễn hạng A, từng được nhận những giải thưởng danh giá và được nghệ sĩ trong ngành hết sức tôn trọng.
Choi Yong Min
Ở tuổi 65 và đảm nhiệm chức vụ giáo sư chuyên ngành diễn xuất tại Đại học Myungji, Choi Yong Min bị một phụ nữ tố cáo ông đã có hành vi quấy rối cô trên taxi. Một số nạn nhân khác của vị giáo sư này cũng đã được xác nhận, tuy vậy họ vẫn giữ im lặng. Sau khi bị dư luận lên tiếng chỉ trích, Choi đã cúi đầu nhận tội và bị tước bỏ vị trí giáo sư đại học.
Lee Yoon Taek
Một trong những cây đại thụ của nền giải trí Hàn, nhà thơ, đạo diễn, kiêm biên kịch Lee Yoon Taek cũng xuất hiện trong danh sách “đáng xấu hổ” này. Hàng loạt nạn nhân là các nữ diễn viên làm việc trong nhà hát của ông đã lên tiếng tố cáo đồng thời đưa ra bằng chứng cụ thể. Người dân Hàn đã hết sức bất ngờ khi Lee Yoon Taek chính thức nhận tội.
Jo Jae Hyun
Tài tử hạng A Jo Jae Hyun đã bị nhiều diễn viên đàn em, trong đó có nữ diễn viên ít nổi Choi Yool lên tiếng vạch trần. Choi Yool đã trình với cơ quan điều tra nhiều chứng cứ cho thấy rằng cô đã bị Jo Jae Hyun dọa giết khi dám lên tiếng tố cáo. Hiện những vai diễn của Jo Jae Hyun đã bị các nhà sản xuất phim loại bỏ hoàn toàn.
Han Myung Goo
Một cái tên gạo cội khác trong giới diễn viên xứ Hàn bị đưa ra ánh sáng đó là Han Myung Goo. Sau khi bị các sinh viên của Học viện nghệ thuật Seoul tố cáo có hành vi dâm ô cũng như qua đêm tại nhà của các nữ sinh, Han Myung Goo đã phải cúi đầu xin lỗi toàn thể lãnh đạo cũng như sinh viên Học viện nghệ thuật Seoul và đồng thời bị tước bằng giáo sư.
Rotta
Nhiếp ảnh gia tai tiếng Rotta cũng không nằm ngoài danh sách này. Một người mẫu đã tố cáo Rotta thường chủ động liên hệ với các người mẫu để mời chụp ảnh. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, Rotta luôn yêu cầu các người mẫu chụp ảnh với những tư thế nhạy cảm.
Ngoài ra, một số cái tên khác cũng đã bị đưa ra ánh sáng như nam diễn viên Jo Min Ki – người vừa tự tử vào hôm 9/3, Kim Tae Hoon, Choi Il Hwa, nhà sản xuất phim Yun Ho Jin, đạo diễn sân khấu Oh Tae Seok, đại thi sĩ Go Eun, đạo diễn Kim Ki Duk… tất cả họ đều là những cây đại thụ, những tiền bối lớn trong ngành, thậm chí có người còn được đưa vào sách giáo khoa, giáo trình giảng dạy. Tuy vậy, những hành vi xấu hổ của họ vẫn bị vạch trần nhờ sức mạnh của chiến dịch #MeToo.
Vì sao Hàn Quốc có quá nhiều yêu râu xanh, nhưng phải tới #MeToo các nạn nhân mới dám đưa thủ phạm ra ánh sáng? Xã hội Hàn Quốc nói chung, showbiz Hàn nói riêng và ngay cả chính công chúng vẫn đang tồn tại cái nhìn khắt khe với phụ nữ. Ví dụ như trong làng giải trí, một nam tài tử ngoại tình có thể chỉ mất một thời gian ngắn để khôi phục lại tên tuổi và được yêu mến như thường, nhưng các nghệ sĩ nữ dù có tài năng đến đâu thì dường như không được may mắn như vậy.
Với những nghệ sĩ ít tiếng tăm, quyền lực, việc dám đem tên tuổi của mình ra để tố cáo càng trở nên khó khăn hơn nên họ đành nhắm mắt làm ngơ. Vì vậy, khi #MeToo bùng lên bằng vụ việc của một công tố viên, các nạn nhân biết rằng đang có rất nhiều người giống như họ, ủng hộ họ và cần sự lên tiếng của họ. Nhờ đó mà chúng ta mới thấy được một Uhm Ji Young dũng cảm nói rõ họ tên mình trên sóng trực tiếp, một cựu diễn viên quyết đấu tranh tới cùng dù cơ thể đang bị hủy hoại từng ngày vì căn bệnh ung thư.
Không còn là những nỗi sợ sẽ bị hãm hại sau khi tố cáo, không còn là nỗi sợ những lời đổ tội của những người xung quanh: “Ai bảo cô mặc bộ đồ đó làm gì?”, “Chính cô đã cho con yêu râu xanh đó cơ hội đấy chứ”. Giờ đây, phụ nữ và cả đàn ông Hàn Quốc đều đang được cả xã hội ủng hộ để nói ra nỗi đau của họ. Các ca sĩ Park Hye Kyung, Amber , loạt diễn viên Lee Soon Jae, Kim Nam Joo , Kim Ok Bin, Kim Tae Ri, UEE, Lee Joo Young, Shin So Yul, Choi Hee Seo, Kim Ji Woo,… là những nghệ sĩ đã công khai ủng hộ chiến dịch với các hashtag #MeToo #WithYou #MeFirst #WeToo.
Nếu như trong quá khứ, các vụ án quấy rối, tấn công tình dục của người nổi tiếng thường chỉ được đưa lên mặt báo một cách nhỏ lẻ, không tạo thành một làn sóng trong xã hội và thậm chí còn bị khép lại khi vẫn còn quá nhiều uẩn khúc, thì #MeToo lại cho thấy những điều ngược lại. Đã vài tháng trôi qua nhưng sức nóng của phong trào này vẫn rất dai dẳng và chưa có dấu hiệu bị lụi tắt. Có thể nói, trong lịch sử chưa từng có một chiến dịch nào đạt được những thành công như vậy. Liệu #MeToo sẽ duy trì như thế nào và sẽ còn lan tỏa ra sao trong thời gian tới, thật đáng để chờ đợi.
Trong khi những yêu râu xanh chỉ chịu trách nhiệm riêng về bản thân họ vì những gì chính họ tự gây ra, thì các nạn nhân và các tập thể, tổ chức liên quan thậm chí còn bị liên lụy và ảnh hưởng nghiêm trọng hơn bội phần. Mọi chuyện dù có thể kết thúc bằng một mạng sống, nạn nhân hay thủ phạm dù có thể chọn cách kết liễu đời mình để trốn tránh những khủng hoảng tâm lí, áp lực dư luận, nhưng hậu quả mà tội ác ấy để lại sẽ không thể nào tan biến.
Tuệ Tâm (t/h)