Đổi mới chương trình bỏ quên giáo viên?
– Với đầu vào sư phạm như hiện nay thì việc đổi mới chương trình, sách giáo
khoa (SGK) phổ thông sau năm 2015 – được dự báo “nhìn trước sự không thành công”.
Đề án Đổi mới Chương trình, SGK phổ thông sau 2015 do Bộ GD-ĐT chủ trì đang
trong giai đoạn chuẩn bị. Nhiệm vụ đổi mới lần này thực hiện theo tinh thần Nghị
quyết lần thứ XI của Đảng yêu cầu “Tích cực chuẩn bị để từ sau năm 2015 thực hiện
chương trình giáo dục phổ thông mới”. Tuy nhiên vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về
tính khả thi của đề án.
Muốn làm đổi mới cần quan tâm cải thiện chất lượng trường lớp và đời sống giáo viên. (Ảnh: Lê Anh Dũng). |
“Trước đây mỗi môn học có một cuốn SGK. Nay có thể đưa ra “môn học tích hợp, nguyên
liệu được tập trung để giáo viên và học sinh dễ nắm bắt” – GS Báo nói. Chương trình
có thể thiết kế sẵn những chủ đề để thầy trò hoạt động, tập trung khắc phục năng lực
học sinh còn yếu kém hay thế giới đang hướng đến.
Tuy nhiên theo giảng viên Đỗ Thị Minh Đức
(Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) nêu thực tế, các giáo viên đang cực lực đấu tranh để ra
khỏi sự tích hợp này. Họ phản ánh cả cô/trò đều khổ. Họ nói chúng tôi chưa “bị tích
hợp” là còn hạnh phúc. Tôi rất sợ việc tích hợp”.
“Lâu nay ta vẫn làm đổi mới theo kiểu áp đặt, nhìn
sang bên cạnh có cái hay và nghĩ phải làm theo. Giáo viên sẽ thực sự gặp khó khi phải
dạy tích hợp mà không được chuẩn bị” – lời bà Đức.
Giáo viên bị bỏ quên
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Chủ tịch Hội cựu giáo Việt
Nam GS Phạm Minh Hạc cho rằng: “Thực tế cho thấy, một trong những
điều thời gian qua chúng ta làm chưa tốt là chưa tận dụng được sự tham gia của các
trường sư phạm vào trong quá trình đổi mới CT, SGK. Trường sư phạm thực chất là cái
nôi để đào tạo ra đội ngũ giáo viên phục vụ cho đổi mới. Nếu cái nôi này không tốt,
kéo theo tất cả sản phẩm làm ra đều không tốt”.
Theo GS Hạc: “Ở nước ngoài, giáo viên dạy tích hợp
đòi hỏi nhiều công sức, cần có sự đầu tư về thời gian. Chẳng hạn muốn minh họa phép
tính cho học sinh hiểu, giáo viên phải chuẩn bị nhiều công cụ để minh họa,…”.
Theo TS Lê Đình Thông, giảng viên Trường ĐH Hoa Sen
nhận định việc đổi mới lần này sẽ hướng tới dạy tích hợp là dạy theo kiểu tư vấn,
theo hướng cá thể hóa nên yêu cầu lớp học có sĩ số thấp. Nhưng hầu như trường học tại
nước ta đều nằm trong tình trạng quá tải, từ 40-60 HS/lớp. Chính vì điều này, giáo
viên sẽ không đủ thời gian và năng lượng đáp ứng được.
Thạc sĩ Hoàng Trường Giang, phó Trưởng khoa Giáo dục
tiểu học (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) phân tích phần lớn đội ngũ giáo viên tiểu học
hiện nay ở Việt Nam có tuổi đời và tuổi nghề khá cao, họ thừa kinh nghiệm nhưng chưa
quen với dạy học tích hợp.
Phó GĐ Sở GD-ĐT Hải Phòng Nguyễn Xuân Trường cho rằng: “Rút kinh nghiệm trong giai
đoạn trước, đổi mới CT, SGK lần này các trường sư phạm phải đi trước một bước tránh
tình trạng SV ra trường phải đào tạo lại cho phù hợp với thực tế”.
Phải thay đổi cơ chế hỗ trợ giáo viên
Thực tế “bỏ ngỏ” đổi mới giáo viên cũng được những
người soạn thảo để án nhìn nhận. Nói như GS TS Đinh Quang Báo: “Mọi thứ chúng ta làm
tốt nhưng với đội ngũ giáo viên với đầu vào như vậy ta đã nhìn trước sự không thành
công. Muốn thay đổi phải cải tiến hệ thống đánh giá, tạo cơ chế hỗ trợ cho giáo
viên”.
Tuy nhiên theo một thành viên của ban chỉ đạo cho
biết lần đổi mới này cần và đã tính ngay đến việc đào tạo, bồi dưỡng GV. Các trường
ĐHSP cần và đã bắt tay ngay vào cuộc.
Chẳng hạn sau khi có những định hướng lớn về đổi mới
của Đề án, các trường ĐHSP sẽ tiến hành rà soát lại CT đào tạo, bỏ những gì lạc hậu
và tổ chức biên soạn, giới thiệu, bổ sung những nội dung chuyên đề, các giáo trình
mới vào CT đào tạo ngay trong những năm tới.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: “Bộ đang
tích cực làm công tác chuẩn bị. Nhưng phải ổn định mới triển khai. Sau 2015 không có
nghĩa là 2015 hoặc 2016 sẽ làm luôn. Có thể sẽ không triển khai đồng loạt mà nơi nào
đủ điều kiện sẽ làm trước. Nơi nào chưa đủ điều kiện làm sau.
Phải xây dựng chương trình phù hợp với thực tại nhưng
cũng tính đến độ ổn định trong vài năm tiếp theo trong khi phải đảm bảo việc dạy và
học, nâng cao dần đội ngũ giáo viên”.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: “Việc thay đổi giữa chương trình cũ và mới, chuyện đào tạo giáo viên còn chưa ăn
nhập dẫn tới giáo viên lung túng, ngại thay đổi. Vấn đề dạy học
tích hợp là xu thế chung của thế giới mà chung phải theo, nhưng có sự chọn lọc…”
- Văn Chung
(vietnamnet.vn)