Bóng đá và trường học: Lẽ nào cứ mãi là những “lò” đào tạo?
Nền bóng đá Việt Nam chưa bao giờ được tôn vinh như hiện nay khi các cầu thủ U23 đã có những màn trình diễn ấn tượng đem về niềm tự hào cho dân tộc. Thế nhưng từ trước tới giờ, chúng ta liệu đã thực sự đặt một vị trí xứng đáng cho nó?
Bảo tàng của Legia Warsaw là một căn phòng lớn, không có ánh sáng tự nhiên, nằm dưới sân Quân đội Ba Lan. Bóng tối và những chiếc đèn hắt vào các kỷ vật khiến nó mang đầy không khí trang nghiêm của quá khứ.
Ở đó, bên cạnh những dấu mốc quan trọng của một nền bóng đá đã vượt qua đau thương của chế độ phát xít, bên cạnh những mốc son tại các cúp châu Âu, tôi nhìn thấy một tủ kính bày áo đấu và găng tay của Lukasz Fabianski.
Lukasz Fabianski? Nhiều người hâm mộ sẽ phải đọc cái tên này hai lần để nhớ lại rằng Fabianski thực sự là ai. Đó là năm 2012, Fabianski thậm chí còn chưa được bắt chính trong đội hình Arsenal và cũng không phải là thủ môn số một của đội tuyển. Anh ta tất nhiên không nằm trong danh sách các cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử Legia, đội bóng đã hai lần lọt vào bán kết cúp châu Âu.
Việc để găng tay của Fabianski vào trong một không gian “bảo tàng”, cũng giống như việc Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) khai trương một bảo tàng, rồi đặt giày của Lương Xuân Trường hay Công Phượng vào một cái tủ kính, cho dù đội tuyển U23 Việt Nam bị loại từ vòng bảng giải châu Á lần này.
Găng tay của Fabianski ở đó, nằm trong một bảo tàng nhỏ bé và trang nghiêm, có lẽ chỉ theo một logic: Legia đã tôn vinh anh ta trong tư cách một ngôi trường, chứ không phải với tư cách một CLB thi đấu lấy thành tích.
Legia tự hào đã tìm ra và trở thành xuất phát điểm của một ngôi sao trẻ và tôn vinh anh ta vì việc đó, chứ không phải chờ đến khi anh ta đăng quang ở Champions League. Mãi về sau này, Fabianski cũng không thể trở thành một tên tuổi lớn, không tìm được chỗ đứng ở Arsenal và đội tuyển.
Độc giả hãy nghĩ về điều đó: ngay cả khi U23 Việt Nam không có thành tích gì ở giải châu Á năm nay, thì học viện HAGL có nên mở một bảo tàng nhỏ và đặt giày của Công Phượng hay Xuân Trường vào đó hay không?
Việc đào tạo ra những cầu thủ trẻ tiềm năng, bản thân nó có ý nghĩa rồi, hay là phải chờ đến khi cầu thủ ấy đeo mề đay đầy người thì nó mới đáng được nhắc đến?
Đó là một câu hỏi khó. Nếu không để giành lấy thành tích thì đào tạo làm gì, bạn sẽ hỏi ngược lại. Nhưng bản thân nền giáo dục có ý nghĩa độc lập trước khi bàn đến thành tích và kết quả. Rất nhiều người quanh tôi đã xúc động vì một chi tiết nhỏ của giải U23, là việc Xuân Trường phát âm chuẩn tiếng Anh. Nhiều người khác xúc động vì cách chăm lo cho đồng đội của chàng trai đôi mươi. Bản thân việc được nuôi dưỡng tốt có giá trị tự thân với cuộc đời một cậu bé, không phải chờ đến khi anh ta có cơ hội cất lời trước báo chí quốc tế.
Người ta xem lại những hình ảnh các chú bé thơ dại đứng bên cạnh bầu Đức ngày nào và tự hỏi rằng họ đã phải cùng nhau đi bao xa đến hôm nay?
Ông Đoàn Nguyên Đức có thể đã chọn một cách dễ thở hơn nếu muốn sử dụng bóng đá lăng-xê cho hoạt động làm ăn: tiếp tục đưa về các ngôi sao xế chiều của bóng đá khu vực và thế giới. Chi phí không tốn hơn nuôi học viện. Đó chính là cách làm của các tỷ phú… Uzbekistan. Tương tự, các ông Hiển T&T hay là các doanh nhân đứng sau PVF có thể đã lựa chọn khác.
Nhưng sẽ không người hâm mộ nào quên rằng trong suốt mấy năm qua, chúng ta đã vui buồn cùng bước trưởng thành của những cậu bé này ra sao. Cảm xúc khi chứng kiến sự lớn lên của những con người đã có giá trị, chứ không phải chờ đến khi anh ta làm ông này bà kia.
Hãy thử tách thành công ra khỏi giáo dục để suy nghĩ. Hãy thử tìm một VĐV không có thành tựu, trong những ngày mà ai cũng nói về những VĐV thành công. Bạn có thể bắt gặp anh ta ngày hôm qua, nếu đi qua một sân thể thao tráng xi măng nằm khuất đâu đó tại Hà Nội.
Tôi đã gặp một người như thế, một cựu tuyển thủ quốc gia penkat silat. Bệnh tật đã cướp đi của anh đôi mắt và cuộc sống bình thường và anh không thể có một “sự nghiệp thể thao” theo cách hiểu của số đông. Bây giờ thì vị võ sư mù ở đó, lần mò đi xe buýt đến sân chơi, và dạy võ miễn phí cho các bạn trẻ – dù kinh tế của anh rất khó khăn và sức khỏe đang yếu dần. Hỏi anh tại sao, thì anh nói rằng đó là “tinh thần thể thao”, là niềm tự hào anh đeo đuổi từ ngày mới bước chân vào nghiệp.
Việc một con người được huấn luyện trong một môi trường tử tế và bài bản, có triết lý và giá trị nhất quán, tự nó tạo ra những ý niệm quan trọng.
Alfred Riedl đưa ra khái niệm “xây nhà từ nóc” trở thành kinh điển của bóng đá Việt Nam. Nhưng rồi người ta phát hiện ra rằng xây từ nóc hay từ móng, là vấn đề của lựa chọn. Khao khát thành tích không có gì là sai, nhưng nó không phải là kết quả duy nhất để đo đếm quyết tâm tạo ra một nền giáo dục tốt.
Tôi sẽ rất vui, nếu từ mai không ai gọi những trung tâm đào tạo thể thao là những cái “lò” – một từ mang nặng sắc thái thành tích. Chúng xứng đáng được coi là, gọi là, và nên là một ngôi trường. Bộ mặt của V-League đang được tạo thành từ nhiều sản phẩm của những “cái lò” hơn là những “ngôi trường”.
Và tất nhiên khi đã bàn đến giáo dục, thành tích và những ngôi trường, thì những suy nghĩ này không chỉ dành riêng cho bóng đá.
Theo Vnexpress