Văn hóa ngồi xe hơi không phải ai cũng biết
Ra đời vào thế kỷ 18, có thể nói phương Tây chính là cái nôi của xe hơi. Tại đây người ta có những quy tắc nhất định khi ngồi trên xe hơi. Tùy mỗi nơi mà quy tắc này được chú trọng hay không, sẽ không là thừa nếu chúng ta biết về văn hóa này để ứng xử cho phù hợp.
Một lần được người bạn học cho đi nhờ chiếc xe “đồng nát”, tôi vô tư ôm balô nhảy ngay lên ghế sau ngồi. Ngồi mãi một lúc chẳng thấy “cu cậu” đi mới hỏi với lên xem còn chờ ai. “Cu cậu” ra vẻ nghiêm túc “Mày chẳng phải ông chủ của tao, mày ngồi đấy tại sao tao lại lái”. Thế là thằng tôi lũn cũn lên ghế trước ngồi. Từ đó được bài học rằng trên đời này có cái gọi là “Văn hóa ngồi xe hơi”.
Ngồi xe chia làm 2 trường hợp, có tài xế riêng và chủ xe tự lái.
Người ngồi có phân cấp: trên (người lớn tuổi, sếp…), đồng cấp (vợ-chồng, bạn, đồng nghiệp) và nhỏ hơn (trẻ con, lính lác).
Ghế có phân cấp theo sự thoải mái và an toàn: ghế sau bên phải là an toàn nhất, ghế sau ở giữa ít thoải mái nhất, ghế trước bên phụ dành cho người đồng cấp.
Một số quy tắc cơ bản được thế giới văn minh chấp nhận khi đi xe hơi như sau:
1. Khi bạn mình lái xe, không nên ngồi ở ghế sau
Trong văn hóa phương Tây, vị trí ngồi trong ô tô con được dựa theo các cấp bậc về chức vụ và tuổi tác. Trong trường hợp chủ xe là người lái thì vị trí ghế trên bên cạnh bao giờ cũng được ưu tiên dành cho người ngang hàng phải lứa với họ hoặc là người quan trọng nhất trong chuyến đi. Nếu bạn chui tọt xuống ghế sau ngồi thì chủ xe sẽ cảm thấy như họ đang là tài xế riêng của bạn. Những vị trí quan trọng tiếp theo lần lượt ngồi ở ghế sau bên phải và trái.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp hoặc tùy theo thói quen của mỗi địa phương mà các vị trí ngồi có thể thay đổi sao cho thuận tiện và thoải mái nhất. Trong trường hợp khách là người tàn tật hoặc người lớn tuổi thì vị trí ưu tiên nên dành cho họ. Hoặc để tiện nói chuyện thì chủ xe hãy mời khách ngồi vị trí tiện cho cả hai.
2. Khi có tài xế riêng hoặc đi taxi, hãy ngồi ở ghế sau
Nếu gọi taxi hoặc có tài xế riêng. Những vị trí cao nhất và quan trọng nhất lần lượt lại là ghế sau bên tay phải rồi đến trái. Theo thiết kế của những dòng xe hạng sang thì ghế sau bao giờ cũng rộng rãi và thoải mái hơn. Vì thế, tài xế nên dành chỗ đó cho khách. Còn ghế trên cạnh lái xe là dành cho vị trí thấp nhất và ít quan trọng nhất. Đó là lý do mà chúng ta thường thấy các sếp ngồi ở ghế sau.
3. Có bầu nên ngồi ghế sau cho an toàn và thoải mái
Nếu đang có bầu hoặc chân dài, bạn nên lựa chọn ghế sau. Đây sẽ là vị trí thoải mái nhất cho chuyến đi của bạn. Sẽ thật khó chịu nếu phải gò bó cơ thể trong chuyến đi dài.
4. Những cặp đôi nên ngồi cạnh nhau
Tình yêu là sự gắn bó. Vì thế, để những người trong xe không cảm giác như mình là kỳ đà cản mũi, những cặp đôi yêu nhau hay vợ chồng nên luôn cạnh nhau bất kể là trong cuộc sống hay khi ngồi trong ô tô.
5. Đàn ông có thể lên ghế trên ngồi cùng với tài xế
Đôi khi, đàn ông bao giờ cũng lên ghế trên ngồi cùng với lái xe để vợ của họ có thể ngồi dưới cùng với khách.
6. Khi đi nhóm 2 nam, 2 nữ, phụ nữ ngồi sau toàn bộ
Khi hai người đàn ông và hai phụ nữ cùng đi trên xe với nhau. Hai người đàn ông nên ngồi ghế trước. Hai ghế sau nên dành cho phụ nữ. Quan điểm này dựa trên câu nói đằng sau mỗi người đàn ông thành công là một người phụ nữ.
7. Trẻ con luôn ngồi ở ghế sau
Để đảm bảo an toàn cho trẻ con, hãy để chúng ngồi ở ghế sau. Với những trẻ còn nhỏ, các bố mẹ hãy sắm thêm ghế chuyên dụng loại ngồi trên ô tô cho các bé.
Nếu xe 7 chỗ thì băng sau cùng cho những người vị thế nhỏ nhất.
Chúc Di (t/h)