Lý giải mới về khả năng của bồ câu đưa thư
Những chú chim bồ câu đã sử dụng sóng âm thanh tần số thấp để lập bản đồ và tìm đường về nhà.
Từ thời xa xưa, loài chim bồ câu đưa thư/dẫn đường (tên khoa học là Columbia Livia) vẫn luôn được ca tụng và thán phục bởi khả năng định vị. Nó như một sứ giả đưa tin vào thời chiến, một phương tiện liên lạc đường dài.
Chim bồ câu đã sử dụng sóng âm thanh tần số thấp để lập bản đồ và tìm đường về nhà. |
Chúng ta vẫn biết, bồ câu đưa thư sử dụng Mặt trời như một công cụ định hướng hoàn hảo, nhưng làm thế nào chúng biết điểm cần đến nằm ở đâu vẫn là một vấn đề gây tranh cãi. Gần đây, các chuyên gia đã đưa ra giả thuyết về việc chúng sử dụng âm thanh xung quanh để xác định vị trí bản thân và từ đó tìm đường về nhà.
Lý giải cho điều này, 2 giả thuyết được đưa ra, con chim dựa vào khứu giác của mình hoặc chúng bay theo các dòng từ trường của Trái đất. Nhưng cả hai vẫn chỉ là giả thuyết và chưa thực sự thuyết phục.
Theo đó, tại một số khu vực nhất định như đồi Castor và đồi Jersey ở Mỹ, những con chim luôn bay sai hướng khi cố gắng tìm đường về nhà mặc dù chúng không hề gặp vấn đề này ở nơi khác.
Tại một nơi khác gần thị trấn Weedsport (Mỹ), những con chim bé lại bay nhầm hướng còn lũ chim già hơn thì không. Cũng có những ngày nhất định mà tất cả những con chim được thả ở các vị trí này có thể tìm đường về mà không gặp bất kỳ trở ngại gì.
Đi sâu phân tích, các nhà khoa học phát hiện, loài chim bồ câu Columbia Livia có thể nghe thấy sóng âm thanh tần số thấp, chỉ 0,1 – 0,2 Hz. Sóng hạ âm có thể phát ra từ đại dương và bị nhiễu đôi chút trong khí quyển, rất có thể chim bồ câu dựa vào sóng hạ âm để định hướng.
Vì vậy, họ đã phác họa bản đồ âm của các âm thanh tần số thấp vào ngày thường và ngày mà lũ chim có thể tìm đường về từ đồi Jersey.
Kết quả là, các nhà nghiên cứu phát hiện ra, do điều kiện khí quyển và địa hình đặc trưng, đồi Jersey nằm trong một “cái bóng âm thanh”.
Do vậy mà rất ít hoặc không có dòng hạ âm nào lọt được vào vùng này trừ 1 ngày khi mô hình gió và nhiệt độ thay đổi. Thời điểm đó trùng với ngày chú bồ câu có thể tìm đường về mà không gặp sự cố. Hiện tượng này tương tự với vùng đồi Castor nhưng tại đây, các dòng hạ âm bị chuyển hướng và lệch đi.
Phát hiện này được coi là lời giải cho những nghiên cứu về bồ câu tại vùng này. Nhưng cũng có nhiều công trình nghiên cứu khác ủng hộ giả thuyết như bồ câu sử dụng các dòng điện từ Trái đất hay sử dụng mũi đánh hơi…
Tuy nhiên, phương thức mỗi con chim dùng để xác định hướng đi của mình có thể khác nhau tùy vào vị trí đặt chuồng và nơi sinh sống của chúng.
Tại một vài nơi, chúng sẽ sử dụng các dòng hạ âm nhưng ở nơi khác chúng lại có thể sử dụng việc đánh hơi. Nhưng sự thật không thay đổi được chính là khả năng tìm đường tuyệt vời của loài chim này.
Theo MASK
(vietnamnet.vn)