BOT Cai Lậy đặt nhầm chỗ: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cần sửa sai
Ông Nguyễn Văn Thể khi còn là thứ trưởng Bộ GT-VT đã gửi văn bản “gợi ý” đặt trạm thu phí BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1, tức nằm ngoài tuyến tránh, đề nghị tỉnh Tiền Giang thống nhất để hợp thức hóa thủ tục. Ông cũng là người ký quyết định phê duyệt dự án này.
Theo TTO, vào ngày 28-10-2013, ông Nguyễn Văn Thể khi đó là thứ trưởng Bộ GTVT – ký cùng lúc ba công văn hỏa tốc gửi HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang về việc “thống nhất vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng quốc lộ đoạn tránh qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT”.
Tại văn bản này, Bộ GTVT cho biết đã nghiên cứu một số vị trí và đề nghị thẳng với tỉnh “có ý kiến thống nhất vị trí đặt trạm thu phí tại km1999+900 trên quốc lộ 1”. Vị trí này hoàn toàn nằm ngoài tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị trấn (nay là thị xã) Cai Lậy.
Ngày 4-11-2013, HĐND, UBND đã có văn bản phản hồi, thống nhất đặt trạm thu phí tại km1999+900 theo gợi ý của Bộ GTVT. Hai ngày sau, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cũng có văn bản phản hồi thống nhất.
Đến ngày 19-12-2013, ông Thể ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn km1987+560 đến km2014, tỉnh Tiền Giang theo hợp đồng BOT.
Cũng theo TTO, ông Nguyễn Văn Hùng – nguyên giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang – cho biết trong dự án này tỉnh Tiền Giang chỉ đảm nhiệm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định. Tiền chi trả bồi thường để thu hồi đất cũng là của nhà đầu tư. Vị trí đặt trạm thu phí cũng do Bộ GTVT xác định sẵn rồi gửi công văn cho tỉnh để hợp thức hóa thủ tục đầu tư.
“Lúc đó tỉnh rất cần công trình tuyến tránh này để giải quyết tình trạng ùn tắc trên quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy. Khi bộ gửi văn bản đề nghị thống nhất vị trí đặt trạm thu phí thì Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh trả lời. Thực sự khi đó chúng tôi không hình dung được tình hình lại phức tạp như thế này” – ông Hùng nói.
Bất thường
Ngày 19-9-2013, tức là ba tháng trước khi phê duyệt dự án tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, thứ trưởng Nguyễn Văn Thể đã ký quyết định công bố danh mục đầu tư dự án này để kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT.
Danh mục kèm theo quyết định này ghi rõ dự án chỉ có duy nhất hạng mục tuyến tránh chiều dài 12km, nền đường rộng 12m, có hai làn xe.
Tiếp đó ngày 18-10-2013, Bộ Kế hoạch – đầu tư có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho biết thống nhất với Bộ GTVT về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức BOT.
Ngày11-11-2013 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải ký văn bản đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến tránh theo hình thức hợp đồng BOT. Đến lúc này dự án chỉ có tuyến tránh 12km.
Thế nhưng, trong quyết định phê duyệt dự án ngày 19-12-2013 thì lại “lòi” thêm hợp phần “tăng cường mặt đường quốc lộ 1 qua Tiền Giang dài 26,5km, từ km1987+560 đến km2014”, bên cạnh hợp phần chính là xây dựng mới tuyến tránh dài 12km. Quyết định này cũng do ông Thể ký.
Cũng theo TTO, Bộ GTVT đã chuẩn bị kế hoạch đưa thêm hợp phần tăng cường mặt đường qua thị xã Cai Lậy từ trước nhằm hợp thức hóa vị trí đặt trạm thu phí bên ngoài tuyến tránh.
Bằng chứng là tại ba văn bản hỏa tốc gửi HĐND, UBND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang ngày 28-10-2013 đề nghị thống nhất vị trí đặt trạm thu phí, ông Thể nêu ra hai phương án đặt trạm thu phí.
Phương án 1 cũng là phương án “gợi ý” tỉnh Tiền Giang đồng ý, đó là đặt ngoài tuyến tránh. Phương án này sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính cho dự án, thời gian thu phí khoảng 10 năm.
Điều đáng nói là Bộ GTVT đã chủ động đưa thêm hợp phần tăng cường mặt đường quốc lộ qua thị xã Cai Lậy cùng với xây dựng tuyến tránh vào phương án 1. Khi tỉnh Tiền Giang trả lời thống nhất vị trí đặt trạm thu phí theo phương án này thì đương nhiên phải chấp nhận có thêm hợp phần này.
Còn phương án 2 đặt trạm thu phí trong tuyến tránh thì Bộ GTVT cho rằng hiệu quả tài chính thấp, thời gian thu phí trên 30 năm và không giải quyết được ùn tắc trong thị trấn Cai Lậy. Bộ nói như vậy thì tỉnh Tiền Giang khó chọn phương án này.
Ngày 5-11-2013, tức chỉ một ngày sau khi HĐND và UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản thống nhất vị trí đặt trạm thu phí ngoài tuyến tránh, ông Thể chủ trì cuộc họp thông qua báo cáo cuối kỳ dự án tuyến tránh quốc lộ qua thị xã Cai Lậy.
Tại cuộc họp này ông Thể kết luận bổ sung hợp phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1 hiện tại, đồng thời đổi tên dự án để bao gồm cả đầu tư xây dựng tuyến tránh và tăng cường mặt đường trên quốc lộ 1.
Và hơn một tháng sau, ông Thể đặt bút ký quyết định phê duyệt dự án này có nội dung khác xa so với dự án cũng do ông ký ba tháng trước.
Theo TTO