Bộ GDĐT quy định ‘sốc’: Đã đến lúc lấy lại niềm tin
“Đã đến lúc chúng ta phải lấy lại niềm tin của xã hội, bây giờ là phải làm đúng: đúng luật, đúng quy định, đúng bản chất của vấn đề, và trả cho người học đúng giá trị của họ”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khẳng định.
Xung quanh quy định mới về đào tạo liên thông sắp có hiệu lực từ ngày 07/02/2013 đang gây sự chú ý của dư luận, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học.
– Hiện nay thông tư 55 quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học ra đời thay cho quyết định 06 đang có nhiều ý kiến trái chiều của người học. Vì đâu lại có sự thay đổi này, thưa ông?
Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Ảnh:Phạm Thịnh) |
Quy định mới này sẽ thay thế cho Quyết định 06 về đào tạo liên thông trước đây, đồng thời cũng thay thế thông tư liên bộ giữa Bộ LĐ-TB-XH và Bộ GD-ĐT về đào tạo liên thông trung cấp nghề, cao đẳng nghề lên trình độ CĐ, ĐH.
Có thể thấy, Thông tư 06 ra đời 2010, sau một thời gian triển khai thì thông tư này có nhiều điểm chưa hợp lý và không bao quát được thực tế của đào tạo liên thông hiện nay. Điều đó đòi hỏi rất cấp bách phải có một thông tư khác thay thế cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Nhưng điều quan trọng nhất, đòi hỏi từ thực tế cuộc sống, đó là vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo. Trong thời gian vừa qua, đào tạo liên thông đã bị biến tướng, đi sai mục tiêu, sai những giá trị đúng của bản chất đào tạo liên thông.
– Ông có thể giải thích rõ hơn việc nhiều trường đã làm biến tướng hình thức đào tạo liên thông như thế nào?
Trong quá trình triển khai đào tạo liên thông, nhiều trường đã không tuân thủ các quy định hiện hành.
Ví dụ nhiều trường đào tạo liên thông theo hình thức vừa làm vừa học nhưng để thu hút người học lại công bố sẽ cấp bằng chính quy. Có nhiều trường đạo tạo ngoài cơ sở của trường, đào tạo ngoài giờ, đào tạo liên kết… cũng cấp bằng chính quy.
Mặt khác, trong quá trình tổ chức và quản lý đào tạo, nhiều trường đã không tuân thủ chương trình đào tạo đã công bố, không xây dựng và công bố chuẩn đầu ra, không thực hiện đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng.
Những yếu tố đó làm cho chất lượng đào tạo liên thông thấp, cái đó là đã rõ ràng. Minh chứng qua việc nhiều nhà tuyển dụng đã nói không với tấm bằng liên thông.
Thật là buồn, khi mà sinh viên ra trường với tấm bằng mà không được xã hội thừa nhận; lợi ích chính đáng và hợp pháp của người học không được đảm bảo.
Đã đến lúc chúng ta phải lấy lại niềm tin của xã hội. Vì vậy việc ban hành thông tư mới nhằm giải quyết những vấn đề trên. Bây giờ là phải làm đúng bao gồm: đúng luật, đúng quy định, đúng bản chất của vấn đề, và trả cho người học đúng giá trị của họ, để khi họ cầm tấm bằng họ cảm thấy tự hào.
– Phải chăng nhiều trường lên tiếng phản đối vì quy định mới trong liên thông sẽ ảnh hưởng đến “nồi cơm” của các trường đại học và khiến cho các trường cao đẳng, trung cấp khó tuyển sinh?
|
Nhà trường không phải tồn tại chỉ bằng đào tạo liên thông vì liên thông chỉ là một trong số nhiều nguồn tuyển sinh của nhà trường.
Các trường có đào tạo chính quy làm chuẩn, bên cạnh đó còn được phép đào tạo vừa học vừa làm, được phép đào tạo CĐ, đào tạo từ xa.
Loại hình đào tạo của các trường khá phong phú, nếu chỉ tập trung vào đào tạo liên thông là sai trong định hướng và chiến lược phát triển.
Nếu có trường nói liên thông là nguồn tuyển và đào tạo chủ yếu là quyết định đến tồn tại của trường thì trường đó cần phải xem lại mục tiêu đào tạo, chiến lược, giá trị của trường.
Nếu trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, tồn tại chỉ vì mục đích đào tạo liên thông thì liệu có cần phải đầu tư phát triển các trường đó nữa hãy không, hay để các trường đại học, cao đẳng lấy thêm sinh viên bằng cạnh hạ bớt điểm xuống để tuyển thêm, chất lượng sẽ tốt hơn?
Các trường cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề tồn tại là có sứ mệnh riêng, để cung cấp nhân lực cho xã hội, đừng nói rằng họ tồn t